Hỗ trợ doanh nghiệp sau làn sóng Covid-19 thứ 4

Bài 2: Bối cảnh mới đòi hỏi cách làm mới

- Thứ Tư, 16/06/2021, 06:30 - Chia sẻ
Dư địa để Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn nhưng trong hoàn cảnh mới cần có cách làm mới. Theo đó, Chính phủ nên hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thay vì cầm cự, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đề xuất.

Dư địa nào hỗ trợ doanh nghiệp?

Doanh nghiệp đang rất trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ
Ảnh: Đan Thanh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 55.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong khi đó, có tới 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng tháng 5, cả nước có 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 37,3%; 1.279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33%.

Rõ ràng "bức tranh" doanh nghiệp khá ảm đạm! Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 với số tiền dự kiến 115 nghìn tỷ đồng (Nghị định 52/2021); mới nhất là hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 (Nghị quyết 55/NQ-CP) trị giá 1.000 tỷ đồng được cho là liều thuốc “cấp cứu” giúp doanh nghiệp có thể trụ lại.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận, các giải pháp hỗ trợ rất cần thiết để giúp doanh nghiệp trụ vững và vượt qua khó khăn, bên cạnh đó còn có 2 ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, doanh nghiệp có niềm tin để yên tâm hoạt động lâu dài và phát triển. Thứ hai, chúng ta sẽ rút ra bài học trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ mới ban hành đang khiến doanh nghiệp băn khoăn, lo ngại. Đơn cử, việc miễn giảm tiền điện lần này thu hẹp rất nhiều so với năm 2020 (trị giá hơn 10.000 tỷ đồng). Theo đó, chỉ tập trung ưu tiên cho các cơ sở lưu trú du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp sản xuất không được xem xét để hưởng chính sách này.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp, tiền điện chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng chi của các doanh nghiệp vận hành kho lạnh. Nếu không được hỗ trợ giảm giá điện, các doanh nghiệp này sẽ càng khó khăn do tác động của dịch bệnh.

TS. Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV phân tích: Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khi ghi nhận chủng mới lây lan nhanh hơn, vì thế, việc khôi phục kinh tế sẽ lâu hơn. Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng; các gói hỗ trợ hiện hành chưa được triển khai hiệu quả như mong đợi. Do đó, việc tiếp tục ban hành các chính sách, biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hết sức cần thiết, nhất là một số lĩnh vực như dệt may, da giày; du lịch; vận tải, kho bãi...

Lý do quan trọng nữa được ông Lực chỉ ra là vẫn còn dư địa sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và sau này. Tỷ lệ nợ công/GDP trước đánh giá lại năm 2020 ở mức 55,8% GDP (hay 44,64% GDP sau đánh giá lại), thấp hơn so với mức 62% GDP cuối năm 2015; bội chi ngân sách từ 6,28% GDP giai đoạn trước xuống mức 3,95% GDP giai đoạn 2016 - 2020. “Điều này cho thấy, trong thời gian qua, Chính phủ đã tích cực củng cố tài khóa trong bối cảnh kinh tế thuận lợi hơn. Năm 2020 - 2021, kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 cũng là lúc Việt Nam cần thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tăng chi tiêu hợp lý (nhất là cho lĩnh vực y tế, giáo dục), đẩy mạnh đầu tư công; chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách tăng nhẹ trở lại, nhưng có lộ trình giảm bền vững”, chuyên gia của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đánh giá.

Hỗ trợ phục hồi thay vì cầm cự

Như vậy có thể thấy dư địa để Chính phủ tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn. Tuy nhiên theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, sau một năm chịu tác động của Covid-19, tình hình doanh nghiệp rất khác. Nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững, buộc phải giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Người lao động cũng không ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc như năm ngoái vì họ đã thấy tình thế phải tìm kiếm việc làm mới. Do đó, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi.

Cụ thể, cần hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Muốn vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát, xem lại các ngành nghề kinh doanh đang được khuyến khích đầu tư như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… có vướng mắc gì để có phương án kịp thời, nhằm thúc đẩy tối đa các hoạt động đầu tư này để tạo năng lực mới cho nền kinh tế. Việc hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phải nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế chứ không phải là hỗ trợ chung chung.

Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, phải quyết liệt trong hành động. “Phải hỗ trợ phần cung chứ không đơn thuần là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ cầu như năm ngoái. Nói cách khác, phải hỗ trợ phục hồi chứ không phải hỗ trợ cầm cự”, ông Cung nói.

Giám đốc  Điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các doanh nghiệp ở các mức độ khác nhau nên việc thiết kế các gói chính sách hỗ trợ nên tính tới mức ảnh hưởng và khả năng phục hồi của từng nhóm doanh nghiệp để hỗ trợ phù hợp, sát, đúng.

Do đợt bùng phát dịch lần này đánh vào hai cơ sở mà Chính phủ vẫn luôn cố giữ vững thời gian qua là cơ sở y tế và khu công nghiệp; chi phí doanh nghiệp cũng bị đội lên rất nhiều do phải bảo đảm phòng chống dịch, do đó cần cân nhắc các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, không làm phát sinh chi phí mới. Các chính sách kích cầu tiêu dùng để tạo cơ hội phục hồi cho một số ngành ngay trong và sau dịch cũng phải đặc biệt quan tâm. Bài học hiệu quả đã rút ra khi cuối năm 2020 Chính phủ có chính sách kích cầu rất tốt để phục hồi tiêu thụ ô tô trong nội địa, bà Thủy đề xuất.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đan Thanh