Đánh giá, xếp loại hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân

Bài 1: Động lực phát huy vai trò, trách nhiệm

- Chủ Nhật, 10/10/2021, 05:54 - Chia sẻ
Nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Để làm tốt điều này, một yêu cầu quan trọng đặt ra là phải đánh giá được đúng chất lượng hoạt động của từng đại biểu để từ đó có hình thức khen thưởng, động viên hay chỉ đạo khắc phục kịp thời, tạo động lực phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu.

Thiết chế quan trọng

Ra đời từ sự trăn trở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, Quy định đánh giá, xếp loại Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 được đánh giá là một thiết chế quan trọng, có thể xem là một dấu ấn của nhiệm kỳ. Bởi qua đó, mỗi đại biểu HĐND tỉnh ý thức được sâu sắc hơn trách nhiệm của mình; Tổ đại biểu hoạt động bài bản, quy củ hơn và có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các thành viên.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng được đề ra trong Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021" ban hành kèm theo Nghị quyết số 27/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là xây dựng Quy định đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh. Đây là một nhiệm vụ khó, bởi pháp luật chưa quy định và cũng chưa có tiền lệ, tuy nhiên lại cần thiết phải ban hành. Bởi sẽ tạo ra động lực quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh - "cánh tay nối dài", nhân tố tạo nên chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.

Từ những xác định ban đầu như vậy, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã trăn trở, tổng hợp, nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND và yêu cầu, tình hình thực tiễn để xây dựng Quy định đánh giá, xếp loại Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh Khóa XVII. Sau khi tổ soạn thảo xây dựng, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh cho ý kiến hoàn thiện bước đầu, dự thảo Quy định đã được lấy ý kiến rộng rãi trong các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh. Trên cơ sở ý kiến tham gia rất dân chủ, trách nhiệm đó, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục cân nhắc kỹ và hoàn thiện, ban hành Quy định. Bản Quy định nêu rõ tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm và tiêu chí đánh giá, xếp loại cả nhiệm kỳ đối với Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh. Các tiêu chí, nội dung đánh giá vừa khái quát, vừa cụ thể hóa nhiệm vụ của từng chủ thể theo quy định và yêu cầu, tình hình thực tiễn.

Theo đó, bên cạnh 5 tiêu chí chấm điểm đối với Tổ đại biểu, 6 tiêu chí chấm điểm với đại biểu, để khích lệ hoạt động tích cực của đại biểu, trong tiêu chí chấm điểm có đề ra cơ chế cộng điểm khi đại biểu thực hiện quyền chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh cũng như khi đại biểu có đề xuất nội dung giám sát gửi Thường trực HĐND tỉnh.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An giám sát việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến năm 2021

Ảnh: Nguyễn Vân 

Động lực phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu

Đối với HĐND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện đối với toàn bộ đại biểu, phân nhóm đánh giá gồm các đại biểu HĐND tỉnh không giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu và nhóm giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, để sát với nhiệm vụ và có các tiêu chí đánh giá phù hợp nhất. Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá gồm 2 nhóm: Nhóm tiêu chí về phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng theo tiêu chuẩn người đại biểu HĐND; nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ: Hoạt động tại kỳ họp, giám sát giữa hai kỳ họp, hoạt động TXCT, tiếp công dân và các hoạt động khác theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Đối với những đại biểu giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, ngoài đánh giá các tiêu chí chung đối với đại biểu, có các tiêu chí về thực hiện trách nhiệm của từng chức danh khi thực hiện nhiệm vụ của HĐND tỉnh (có các Mẫu phiếu đánh giá cụ thể).

Thời điểm đánh giá thực hiện vào cuối năm, bảo đảm hoàn thành trước khi tổ chức Đảng các cấp đánh giá tập thể, cá nhân cuối năm; kết quả đánh giá đồng thời gửi đến cơ quan quản lý cán bộ để biết, phục vụ việc đánh giá, khen thưởng chung cuối năm theo các quy định của cấp ủy, chính quyền.

Không chỉ HĐND tỉnh Nghệ An hay Hà Nam, mặc dù chưa được pháp luật quy định nhưng nhiều HĐND tỉnh, thành nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã ban hành và thực hiện hiệu quả các quy định về đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Mỗi địa phương có cách làm sáng tạo riêng xuất phát từ trăn trở nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, mức độ hiệu quả cũng khác nhau nhưng việc tạo động lực phát huy vai trò, trách nhiệm với hoạt động của cơ quan dân cử địa phương đều đã được thực tế khẳng định.

THÁI AN