Kinh nghiệm giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng Nhân dân

Bài 1: Cơ sở đối chiếu, kiểm chứng báo cáo giải trình

- Thứ Tư, 06/10/2021, 06:48 - Chia sẻ
Theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND nhiều địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2021, cùng với lựa chọn kỹ vấn đề giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, tập trung vào các nội dung lớn, cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân; vấn đề có tính khả thi nhưng chưa hoặc chậm giải quyết gây bức xúc trong Nhân dân để thống nhất giải pháp tháo gỡ… Cần tăng cường khảo sát bằng nhiều hình thức để thu thập thông tin, tư liệu quan trọng so sánh, đối chiếu, kiểm chứng báo cáo giải trình.
Một phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 - 2021
Một phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 - 2021

Chọn vấn đề khả thi để thống nhất giải pháp tháo gỡ

Thực tiễn tổ chức hoạt động giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho thấy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hình thức giám sát quan trọng này, khâu quan trọng đầu tiên là nội dung của phiên giải trình cần được lựa chọn kỹ từ nhiều kênh, tập trung vào các vấn đề lớn, mang tính cấp bách, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân.

Đặc biệt, cần rà soát, tổng hợp kỹ việc thực hiện các kết luận giải trình trước đó để làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, việc thực hiện chức trách của các cơ quan liên quan; kết quả thực hiện các cam kết tại phiên chất vấn - trả lời chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh; kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri; kết quả triển khai kiến nghị qua giám sát của các Ban HĐND tỉnh…

Phiên giải trình của Thường trực HĐND cũng có thể được tổ chức để nghe các cơ quan chức năng trình bày rõ hơn về một hay một số chính sách mới của địa phương dự kiến sẽ trình HĐND xem xét, quyết định, hoặc để đánh giá một chính sách đang thực hiện để có thể sửa đổi, bổ sung. Qua đó, Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND có điều kiện nghiên cứu trước, tìm hiểu kỹ hơn và tham gia ý kiến với các cơ quan soạn thảo, đề xuất chính sách ngay từ khâu chuẩn bị, giúp cho các quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đạt chất lượng cao.

Thực tiễn tổ chức giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND cho thấy, không nên chọn vấn đề khó, phức tạp, không khả thi để giải trình hoặc phê bình. Ngược lại, chọn vấn đề có tính khả thi nhưng chưa hoặc chậm giải quyết gây bức xúc trong Nhân dân để thống nhất giải pháp tháo gỡ. Và để vấn đề giải trình được tập trung sâu, không dàn trải và có tính khả thi cao trong các biện pháp khắc phục, tại mỗi phiên giải trình chỉ nên lựa chọn một vấn đề cụ thể.

Theo Điều 72, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân về hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND: Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên UBND, Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm. Người được yêu cầu có trách nhiệm báo cáo, giải trình theo yêu cầu của Thường trực HĐND. Đại biểu HĐND được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên giải trình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học có thể được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên giải trình…

Nhiều hình thức khảo sát thu thập thông tin

Khi đã lựa chọn được nội dung vấn đề cần đưa ra giải trình, cần tăng cường khảo sát bằng những hình thức phù hợp để thu thập những tư liệu quan trọng nhằm so sánh, đối chiếu, kiểm chứng báo cáo giải trình.

Đơn cử, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2016 - 2021 xác định khảo sát và báo cáo kết quả khảo sát là một công đoạn rất quan trọng. Theo đó, các Ban của HĐND tỉnh theo phân công, sau khi khảo sát báo cáo tình hình bằng văn bản, một số cuộc có kèm băng ghi hình minh họa, đề xuất các nội dung giải trình và các ngành, cá nhân liên quan đến nội dung cần giải trình. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị yêu cầu báo cáo về các vấn đề giải trình gửi Thường trực HĐND tỉnh trước phiên họp từ 5 - 7 ngày; đồng thời, giao cho các Ban, Văn phòng HĐND tỉnh tham mưu xây dựng chương trình cụ thể cho từng nội dung giải trình. Báo cáo kết quả khảo sát, báo cáo giải trình và các tài liệu liên quan được gửi trước cho các thành phần tham gia phiên giải trình.

Tương tự, sau khi thống nhất được nội dung giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành lập đoàn khảo sát, giao cho các Tổ công tác khảo sát trực tiếp tại các địa phương, đơn vị để thu thập các minh chứng cụ thể, chính xác, có xây dựng phóng sự nhằm phản ánh trung thực, khách quan. Việc quyết định thành lập Tổ giúp việc đoàn khảo sát luôn được quan tâm, phân công đúng người, đúng việc, đúng sở trường tham mưu. Tổ giúp việc thường có 6 - 8 người, Tổ trưởng là lãnh đạo chuyên trách của Ban HĐND chủ trì nội dung tham mưu và phụ trách lĩnh vực. Kết thúc đợt khảo sát, Tổ công tác xây dựng báo cáo kết quả trình Thường trực HĐND tỉnh, đây là tài liệu quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh tham khảo phục vụ cho phiên giải trình.

SONG NGUYÊN