Người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

Bài 1: Xứng đáng với danh hiệu đại biểu Nhân dân

- Thứ Năm, 11/03/2021, 04:42 - Chia sẻ
Qua theo dõi quá trình hoạt động của các đại biểu tự ứng cử và trúng cử đại biểu Nhân dân có thể thấy, khi đặt bút ký hồ sơ họ đã chuẩn bị tâm thế bước vào nghị trường với đầy đủ bản lĩnh và sự kỳ vọng. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu sẽ là động lực quan trọng để họ khẳng định, cống hiến cho cơ quan dân cử và cho Nhân dân. Thực tế đã minh chứng, phần lớn những người tự ứng cử đã thật xứng đáng với danh hiệu đại biểu Nhân dân.

Hiến pháp 2013 ghi nhận và phát triển quyền bầu cử, ứng cử với tư cách là quyền chính trị cơ bản của công dân. Luật Tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND đã cụ thể hóa quy định này. Theo đó, tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân Việt Nam đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Việc ứng cử có hai hình thức là được giới thiệu và tự ứng cử.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại nghị trường Kỳ họp Quốc hội Khóa XIV
Ảnh: Quang Khánh

Chuẩn bị đầy đủ tâm thế bước vào nghị trường

Quốc hội Khóa XIII có 15 người tự ứng cử ĐBQH, trong đó có 4 người trúng cử, 3 trong số bốn người này là doanh nhân. Quốc hội Khóa XIV có 11 người tự ứng cử, trúng cử 2 người. Chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, hiện nay đã có các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang dự kiến số lượng người tự ứng cử ĐQBH. Số lượng các địa phương có người tự ứng cử ĐQBH sẽ tăng lên, như thành phố Hồ Chí Minh hiện đã có 4 người nộp hồ sơ tự ứng cử; Hà Nội đã có khá nhiều người chuẩn bị hồ sơ tự ứng cử… Theo thống kê sơ bộ, dự kiến số lượng người tự ứng cử ĐBQH Khóa XV sẽ nhiều hơn Khóa XIV.

Đối với HĐND các cấp, số lượng người tự ứng cử cũng không nhiều nhưng không hẳn là không có. Ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 2 người tự ứng cử đại biểu HĐND thành phố trúng cử; nhiệm kỳ 2021 - 2026, hiện nay đã có 2 người nộp hồ sơ tự ứng cử… Ở HĐND cấp huyện, xã, số lượng người tự ứng cử đại biểu HĐND không phải không có nhưng chỉ là con số rất ít ỏi…

Từ thực tiễn đó, có thể thấy những người tự ứng cử đại biểu Nhân dân chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, có điều kiện kinh tế phát triển và phần lớn là tự ứng cử vào Quốc hội. Phần nhiều trong số họ là doanh nhân hoặc những người không tham chính, công tác ở các đơn vị sự nghiệp là chủ yếu, có tầm ảnh hưởng lớn với công chúng thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình. Ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn đại biểu dân cử theo luật định, những người tự ứng cử còn có tâm huyết, bản lĩnh, chính kiến riêng với mong muốn đóng góp cho Tổ quốc, cho Nhân dân, như ĐBQH Nguyễn Minh Hồng, Nguyễn Anh Trí, đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh Đặng Văn Khoa…

Theo dõi quá trình hoạt động của các đại biểu tự ứng cử và trúng cử có thể thấy, khi đặt bút ký hồ sơ họ đã chuẩn bị đầy đủ tâm thế để bước vào nghị trường với đầy đủ bản lĩnh và sự kỳ vọng. Như chia sẻ của ĐBQH, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: “Việc nộp hồ sơ tự ứng cử ĐBQH Khóa XV lần này thể hiện rằng tôi muốn một lần nữa được làm ĐBQH để góp sức, góp lực, góp trí tuệ, góp tiếng nói của mình vào xây dựng đất nước. Mong muốn được làm ĐBQH thực sự là cháy bỏng! Hơn thế nữa, việc nộp đơn tự ứng cử ĐBQH lần này cũng là đáp lại với sự động viên, đốc thúc, gợi ý, yêu cầu của rất nhiều người thân quen, của cử tri, của Nhân dân ở mọi miền Tổ quốc - đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội”.

Hay tâm niệm của đại biểu Đặng Văn Khoa khi tiếp tục tự ứng cử đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2004 - 2011: “Tôi sẽ tiếp tục làm những việc mà mình chưa làm tròn, sẽ đại diện cho những bức xúc chính đáng của người dân trước những vấn đề của cuộc sống nhằm xây dựng môi trường sống chung lành mạnh, phát triển”.

Trong số các đại biểu tự ứng cử cũng có người chưa xứng đáng với cử tri và tiêu chuẩn của Quốc hội và đã bị bãi nhiệm, nhưng đó chỉ là thiểu số còn phần lớn những người tự ứng cử vào cơ quan dân cử như ĐBQH Nguyễn Minh Hồng, Nguyễn Anh Trí, đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh Đặng Văn Khoa thật xứng đáng với danh hiệu đại biểu Nhân dân. Tin chắc trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ có những đại biểu tự ứng cử được cử tri và Nhân dân tin tưởng bỏ phiếu bầu làm người đại diện cho mình, chính họ sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử trong tương lai.

Động lực quan trọng để khẳng định, cống hiến

Theo quy định, người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử đều có quyền lợi như nhau và các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ tham gia. Luật cũng không giới hạn hay phân biệt về thành phần, giới tính, độ tuổi đối với người tự ứng cử đại biểu dân cử, trừ các quy định riêng đối với những đại biểu cơ cấu đại biểu chuyên trách. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 21 tuổi trở lên tính đến ngày bầu cử được công bố, đáp ứng tiêu chuẩn quy định theo Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội và Khoản 1, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 7, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì đều có quyền tự ứng cử vào cơ quan dân cử.

Lẽ thường, khi đã xác định làm hồ sơ tự ứng cử, người tự ứng cử sẽ tự soi xem bản thân đã đáp ứng được yêu cầu của luật, thực tiễn cũng như tự đánh giá xem mình đã đạt chuẩn hay chưa? So với những người ứng cử qua giới thiệu, những người tự ứng cử có tâm thế nặng nề hơn. Phải có bản lĩnh, nghị lực, tâm huyết lớn lao, họ mới đủ quyết tâm để tự ứng cử. Đặt vào vị thế đó, nếu được cử tri tín nhiệm bầu sẽ là động lực quan trọng để họ khẳng định, cống hiến cho cơ quan dân cử và cho Nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Minh Hồng là một minh chứng rõ ràng nhất. Người dân, nhất là người dân nghèo Nghệ An vẫn luôn nhớ về ông với hình ảnh bình dị của một vị ĐBQH đầy trách nhiệm, một người thầy thuốc nhân ái, tâm huyết với cuộc đời, luôn đau đáu với quê hương Nghệ An; gắn bó, đồng hành và chia sẻ với người dân, người nghèo xứ Nghệ từ những cuốn sách y học, từ sự ân cần thăm hỏi về vật chất, tinh thần... đến việc xây tặng những ngôi trường cho học sinh nghèo trên chính quê hương Thanh Chương, Nghệ An, rồi những đóng góp trong việc phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An…

Khi cầm lá phiếu bỏ cho ông, cử tri Nghệ An đã không đặt niềm tin sai người. Mặc dù ông đã mất hơn 6 năm nhưng người dân xứ Nghệ vẫn mãi nhớ về ông - người bác sỹ, vị ĐBQH tự ứng cử Khóa XIII nặng tình với quê hương, đất nước và cử tri nghèo. Ông đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với ông chính là niềm tin, sự yêu mến, trân trọng mà cử tri và Nhân dân xứ Nghệ dành cho mình.

Ở HĐND địa phương, đến nay cử tri thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhắc đến đại biểu Đặng Văn Khoa với cái tên trìu mến: “Ông Hội đồng" Khoa. 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm đại biểu của dân là chừng ấy thời gian ông phấn đấu không ngừng nghỉ với nghị lực kiên trì, bền bỉ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Tại các kỳ họp HĐND TP. Hồ Chí Minh, lần nào ông cũng có ý kiến phát biểu chống tiêu cực trên nhiều lĩnh vực bằng những bằng chứng xác thực là các hồ sơ, mô hình minh họa, là đại biểu tiên phong chất vấn theo kiểu "nói có sách mách có chứng”. Cử tri ấn tượng bởi những lần ông lặn ngụp dưới lòng kênh, lòng cống ở các nơi tìm bằng chứng, đưa ra ánh sáng những công trình thi công tệ hại, buộc những người làm sai phải “tâm phục, khẩu phục”.

BÌNH NGUYÊN - PHƯƠNG NGUYÊN