Nghệ thuật hát xẩm - sáng tạo và thích ứng

Bài 1: Từ đường phố lên sân khấu

- Thứ Năm, 15/07/2021, 05:27 - Chia sẻ
​​​​​​​Ra đời hàng trăm năm trước, hát xẩm là bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp, do những người khiếm thị có năng khiếu biểu diễn. Đến nay, nghề đặc biệt này không tồn tại nữa, nhưng nghệ thuật hát xẩm vẫn đang được gìn giữ, quảng bá bởi các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân và người yêu âm nhạc dân gian.
Chiếu xẩm trở lại với khán giả
Ảnh: Ng. Phương

Kênh thông tin bằng âm nhạc

Là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó lâu đời với người Việt, đặc biệt tại đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… hát xẩm bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống dân dã nơi thôn quê, với cuộc sống phồn hoa nơi thị thành và kẻ chợ… Theo nhạc sĩ Thao Giang, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, khôi phục xẩm, hát xẩm là loại âm nhạc bình dân, tập hát đơn giản, phương pháp thanh nhạc không cầu kỳ. Mỗi bài hát là một câu chuyện nhỏ, do vậy ngay lập tức đi vào lòng người. Ở làng quê, hát xẩm đôi khi là những bài thơ vô danh hoặc được truyền tụng trong dân gian. Riêng các nghệ nhân ở Hà Nội hát những bài của tác giả nổi tiếng như: Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Khuyến, Tú Xương...

Xẩm từ khi ra đời vốn gắn với người khiếm thị. Họ học và dùng sức mình đàn hát, kiếm tiền từ việc công chúng nghe hay sẽ thưởng tiền hoặc thức ăn. Người hát xẩm hành nghề theo sinh hoạt thời vụ của xã hội nông nghiệp. Trong 3 tháng xuân, họ đi hát chúc các gia đình khá giả, hoặc theo đám hội làng. Tháng 5, tháng 10 mùa gặt, họ đi hát trên các chặng nghỉ, bến đò, cổng chợ...

So với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, hát xẩm có một chức năng độc đáo. Theo nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, ngay từ khi ra đời, xẩm luôn là một “kênh” thông tin thời sự bằng âm nhạc, được dùng để truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, những thông điệp mang tính thời sự. Bởi vậy, xẩm cũng có những bài nói về nhân tình thế thái, thời cuộc... Đặc biệt, giai đoạn thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước có nhiều biến động, lại không có các phương tiện truyền thông như hiện nay, xẩm là kênh truyền tin rất hữu hiệu.

PGS.TS. Kiều Trung Sơn - tác giả của cuốn "Hát xẩm di sản âm nhạc và thích ứng văn hóa" cho biết, xẩm khai thác triệt để cách hát dân ca của đồng bằng Bắc Bộ nâng cấp lên, chuyên nghiệp hóa. “Chẳng hạn, nghệ nhân Hà Thị Cầu hát điệu trống quân, nhưng cách bà sáng tạo vừa hài hước, dễ nghe và thực sự hấp dẫn, làm cho người nghe phải nhớ, phải thích, lần sau muốn nghe lại. Hát để kiếm tiền, để thuyết phục người ta thả tiền vào chậu, người hát phải tiếp nhận làn điệu đó, phát triển sao cho hay, chọn lời, chọn cảnh, chọn cả người nghe. Chính vì vậy, nghệ thuật xẩm ngày càng phát triển, hoàn thiện cả hệ thống làn điệu”.

Những năm 1960 - 1970, nhà nghiên cứu dân gian Trần Việt Ngữ sưu tầm ghi nhận có 8 làn điệu. Đầu năm 2006, làn điệu xẩm Tàu điện được nhạc sĩ Thao Giang và nhạc sĩ Bùi Hạnh Nhân công bố, dựa trên sự tổng hợp 7 làn điệu đặc trưng trong xẩm thôn quê, được phân biệt theo tính chất điệu hát, nội dung ca từ hoặc môi trường diễn xướng... Có thể thấy, xẩm vẫn trong quá trình sáng tạo, phát triển.

PGS.TS. Kiều Trung Sơn nhận định, xẩm có hai điều được kế thừa là tính sáng tạo và thích ứng. Thích ứng văn hóa vừa là động lực cho xẩm phát triển, vừa là công cụ lọc tự nhiên để các yếu tố có giá trị được tồn tại. Được tạo nên bởi những người sống vì nghề, và thế hệ sau kế tục, tìm cách làm mới cho phù hợp với thời đại, nghệ thuật hát xẩm sẽ có sức sống vô cùng mạnh mẽ.

Chiếu xẩm trở lại 

Do sự thay đổi thời cuộc, từng có giai đoạn nghệ thuật hát xẩm gần như không tồn tại và dần rơi vào lãng quên. “Những năm cuối thập niên 1970, nhiều người còn biết đến loại nghệ thuật đường phố độc đáo, thuần Việt này, vậy mà chỉ vài chục năm sau, khi tôi đưa xẩm ra chợ Đồng Xuân (năm 2006), nhiều người xem/nghe rất thích thú, nhưng cũng không biết đó là loại hình nghệ thuật dân gian gì” - nghệ sĩ Thao Giang nhớ lại lúc ông cùng các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ khởi động hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật xẩm.

Khi ấy, những gánh xẩm, chiếu xẩm ngày xuân đã biến mất. Xẩm hoàn toàn thất truyền khi không nghệ nhân nào của làng xẩm còn sống, tất cả những gì còn lại là tư liệu trong các kho băng, thu lại từ nhiều năm trước. Nhóm nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam bắt đầu nghiên cứu các nguồn tài liệu, tỏa đi điền dã khắp Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang... để gặp những nghệ nhân còn lại. Những bài xẩm nổi tiếng được ghi lại theo trí nhớ của các nghệ nhân, sau đó được các nghệ sĩ ráp nối thành những bài hoàn chỉnh...

Yêu xẩm, nghiên cứu, khôi phục, những người làm công tác nghiên cứu phê bình lý luận âm nhạc như Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa... thấy rằng chỉ duy nhất nghệ nhân Hà Thị Cầu nhớ xẩm, không còn người tiếp nối, nên họ từ nghiên cứu kiêm cả biểu diễn xẩm, để bảo tồn, quảng bá nghệ thuật này. Hơn 10 năm qua, chiếu xẩm Hà Thành 36 phố phường đã được duy trì ở phố cổ Hà Nội. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho biết: “Chúng tôi mong muốn khôi phục xẩm, và thấy rằng, cần đưa xẩm lên sân khấu ở khu chợ Đồng Xuân, bởi hát cho công chúng ở giữa đường là môi trường diễn xướng của xẩm...”.

Không còn người khiếm thị hát xẩm, mà nghệ sĩ thực hành lại nghệ thuật hát xẩm trên sân khấu. Tuy nhiên, điều này cũng giúp bảo tồn, quảng bá xẩm, là điểm giới thiệu nghệ thuật truyền thống vô cùng đặc đáo của Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Chúng tôi hợp sức nhau để khôi phục, may là xẩm ngày càng quen, được sự ưu ái của các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, truyền thông... nay xẩm đã phổ biến ở nhiều địa phương Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình... các nhóm bạn trẻ, người già cũng thực hành hát xẩm. Tôi tin rằng những nỗ lực khôi phục xẩm đã có những thành quả”.

Ngọc Phương