Tín dụng chính sách ở Lâm Đồng

Bài 1: Trợ thủ đắc lực của cấp ủy, chính quyền

- Chủ Nhật, 23/01/2022, 06:45 - Chia sẻ
Gần 20 năm hoạt động, trong đó có 7 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng đã xuất sắc đảm nhận vai trò tham mưu cho lãnh đạo địa phương, lôi cuốn cả hệ thống chính trị vào cuộc; đồng hành chăm lo, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách vươn lên, làm chủ cuộc sống. Đến nay, NHCSXH Lâm Đồng đã trở thành trợ thủ đắc lực cho cấp ủy, chính quyền tỉnh trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Xuất sắc trong vai trò tham mưu

Nhằm củng cố lực lượng, NHCSXH Lâm Đồng đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban đại diện. Đến 31.12.2021, tổng số thành viên Ban đại diện là 279 người, trong đó, cấp tỉnh là 13 người, cấp huyện là 266 người (trong đó, thành viên là chủ tịch UBND cấp xã là 142 thành viên). 

Với lực lượng Ban đại diện NHCSXH là những cán bộ cốt cán ở địa phương, NHCSXH Lâm Đồng tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền  các cấp thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014, Kết luận số 06/KL/TW ngày 10.6.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Kết quả, riêng năm 2021, ngân sách địa phương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chuyển ủy thác sang Chi nhánh 76.051 triệu đồngđể cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Song song với đó, Chi nhánh cũng đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện tỉnh phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2021 cho các huyện, thành phố và chỉ đạo thực hiện tăng trưởng kế hoạch tín dụng ngay khi được NHCSXH giao vốn; phê duyệt kế hoạch tín dụng năm 2022 toàn tỉnh gửi NHCSXH. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, bổ sung kịp thời vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo làm căn cứ triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4848/KH-UBND ngày 14.7.2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. 

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con biết trồng các loại cây hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định.

Ảnh: Đình Hiệp 

Huy động vốn luôn đạt mức cao

Trong 7 năm qua, kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngân sách địa phương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển ủy thác 149.924 triệu đồng. Đến 31.12.2020 nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 195.775 triệu đồng, chiếm 5,15%/tổng nguồn vốn, trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh 114.791 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách huyện 76.578 triệu đồng, nguồn vốn Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam 4.406 triệu đồng.

Giám đốc NHCSXH Lâm Đồng Võ Văn Thanh cho biết, tổng nguồn vốn tính đến 31.12.2021 là 4.190.685 triệu đồng, tăng 387.938 triệu đồng so với đầu năm (+10,2%), trong đó, nguồn vốn huy động đạt 619.983 triệu đồng, tăng 135.025 triệu đồng (+27,8%) so với đầu năm, hoàn thành 100,8% kế hoạch chiếm 14,8%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương 271.826 triệu đồng, tăng 76.051 triệu đồng (+38,8%) so với đầu năm (trong đó, có 2.851 triệu đồng lãi nhập nguồn), hoàn thành 112,5% kế hoạch giao, chiếm 6,5%/tổng nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh 156.376 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách huyện 109.412 triệu đồng, nguồn vốn Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam là 6.038 triệu đồng. Nguồn vốn cân đối từ Trung ương 3.298.822 triệu đồng, tăng 176.807 triệu đồng (+5,7%) so với đầu năm, chiếm 78,7%/tổng nguồn vốn.

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 814 hộ nghèo, 5.662 hộ cận nghèo và 4.783 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 4.087 lao động, tạo điều kiện cho 3.754 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, giúp cho 10.588 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh; 13 doanh nghiệp vay vốn trả lương cho 1.527 lao động/2.528 lượt lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP... đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2021 còn 1,02%. Trong đó, hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 3,08%.

Tính riêng trong năm 2021, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 608,7 nghìn lao động, giúp hơn 2,2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 37,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; 1.357 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương cho hơn 379 nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xây dựng gần 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 1,1 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; xây dựng gần 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội…

Thái Bình