Đấu tranh phòng, chống tham nhũng - quyết tâm và hành động

Bài 1: Thi hành nghiêm kỷ luật Đảng - tiền đề xử lý hành chính, hình sự

- Thứ Hai, 21/12/2020, 06:25 - Chia sẻ
LTS: Kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013), nhất là từ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác này đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Kết quả đạt được đã cho thấy nhiều bài học quý, làm cơ sở để tiếp tục nhiệm vụ này trong những nhiệm kỳ tiếp sau. Từ số báo hôm nay, Báo Đại biểu Nhân dân đăng tải loạt bài: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng - quyết tâm và hành động” nhằm làm rõ hơn quyết tâm “biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế”, “nói đi đôi với làm” của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến cam go, lâu dài này.

"… Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự”. Đây là một trong những bài học quý rút ra từ công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết về công tác này giai đoạn 2013 - 2020.

Ảnh: Trí Dũng

Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Trong phát hiện, xử lý phải quán triệt nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng

 

Bước đột phá trong kiểm tra, kỷ luật Đảng

Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, là bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Lãnh đạo phải có kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo.

Để bảo đảm vai trò lãnh đạo, Đảng luôn quan tâm chăm lo mọi mặt của công tác xây dựng Đảng, trong đó coi trọng việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, giám sát. Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 15.5.1996 của Bộ Chính trị Khóa VII đã nêu rõ: Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Nó góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân... Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền và phục vụ cho đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong đó lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, quyết liệt.

Thời gian qua, kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) được thành lập, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường chỉ đạo, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kết luận, làm rõ nhiều vi phạm liên quan đến hành vi tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí, kể cả những cán bộ trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy... Trên cơ sở đó quyết định hoặc đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời đối với nhiều tổ chức, cá nhân tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực.

Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ và tổ chức đảng vi phạm, có cả các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có hạ cánh an toàn”.

Thông tin tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó, có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. “Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhận định.

Kiểm tra, giám sát của Đảng - chủ động, đi trước “mở đường”

Những kết quả cụ thể đó minh chứng sinh động rằng, kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, trực tiếp do Tổng Bí thư làm Trưởng ban (tháng 2.2013), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng thực sự đã có bước đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo động lực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, như khẳng định của Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Quan trọng hơn, theo Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, “từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, cho chúng ta nhiều bài học quý, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Một trong những bài học đó là, trong công tác phòng, chống tham nhũng, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo; phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Một bài học nữa cũng được rút ra, đó là thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã chủ động, là tiền đề, đi trước, “mở đường” cho thanh tra, điều tra, xử lý kỷ luật hành chính và xử lý theo pháp luật. Thực tế các vụ việc tham nhũng đặc biệt, khởi đầu từ vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy, vi phạm có liên quan đến tham nhũng cần phải được phát hiện trước hết trong nội bộ đảng, mà công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải là “nòng cốt”. Với vai trò lãnh đạo cầm quyền, thì công tác kiểm tra đảng phải nghiêm, phải đi trước, không chờ đợi kết quả thanh tra, điều tra. Trên cơ sở xử lý kỷ luật về Đảng và sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước sẽ xử lý về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm về hình sự cho đồng bộ, kịp thời. Đây là “đường dẫn” và cách làm mới để cấp ủy đảng có cơ sở chỉ đạo xử lý hàng loạt các vụ việc tham nhũng trong thời gian qua.

Lam Giang