Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND

Bài 1: Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm thắng lợi cuộc bầu cử

- Thứ Năm, 04/02/2021, 08:38 - Chia sẻ
TS Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (cuộc bầu cử), từ ngày 20.6.2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về Lãnh đạo cuộc bầu cử; trong đó, xác định 9 nhiệm vụ quan trọng mà các cấp ủy, các tổ chức đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo thực thi tốt nhất.

Cơ sở pháp lý và thực tiễn

Những căn cứ pháp lý về sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động bầu cử đại biểu dân cử chủ yếu là các quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (gọi là Luật Bầu cử); Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, quy định của Hiến pháp là căn cứ quan trọng hàng đầu. Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Khi lãnh đạo Nhà nước thì Đảng ta phải lãnh đạo ngay từ việc xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân (Khoản 1, Điều 2, Hiến pháp 2013). 

Việc hình thành bộ máy nhà nước mỗi khóa bao giờ cũng bắt đầu từ kết quả bầu cử đại biểu dân cử theo tinh thần Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Đảng phải lãnh đạo thấu suốt cả quá trình bầu cử theo nguyên tắc “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 1, Luật Bầu cử) nhằm đạt tới mục đích cao nhất là bầu ra được những người xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân; xứng đáng là thành viên của “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với đại biểu Quốc hội và xứng đáng là thành viên của “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”, "đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương” với đại biểu HĐND. 

Về thực tiễn, một trong tám bài học kinh nghiệm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 mà Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử của Hội đồng Bầu cử Quốc gia số 695/BC-HĐBCQG ngày 19.7.2016 đã chỉ ra là, “sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. Nơi nào có sự chuẩn bị chu đáo, sát sao, thống nhất; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng được phổ biến, quán triệt đầy đủ, thì nơi đó, công tác bầu cử được chuẩn bị chu đáo, triển khai công việc kịp thời, phối hợp chặt chẽ, kết quả đạt cao”. Thực tế này đã một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là tối quan trọng, là yêu cầu tất yếu của một Đảng cầm quyền trong các cuộc bầu cử đại biểu dân cử.

Bảo đảm sự đúng đắn, hợp lý ngay từ công đoạn đầu tiên

Theo quy trình một cuộc bầu cử, từ khi công bố ngày bầu cử cho đến khi tổng kết cuộc bầu cử thì có thể chia ra hơn 40 công đoạn. Công đoạn nào cũng yêu cầu, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo sát sao của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng trong các cuộc bầu cử có thể chia làm hai dạng: Ở cấp cao, nhất là ở Trung ương, chủ yếu là lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách; ở các cấp, nhất là ở cơ sở như Ban bầu cử, Tổ bầu cử, thì các thành viên vừa phải quán triệt chủ trương, đường lối, thấm nhuần chính sách, cơ chế, vừa phải tác nghiệp cụ thể trong công việc. Trong đó, có 4 công đoạn then chốt mà các cấp ủy Đảng phải tập trung lãnh đạo thường xuyên, liên tục, sát sao.

Đầu tiên là lãnh đạo dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử. Về số lượng đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đã xác định cụ thể là 500 người; số lượng đại biểu HĐND các cấp được tính theo dân số và các yếu tố cụ thể của mỗi địa phương. Nhìn chung, số lượng đại biểu dân cử mỗi khóa không nhiều (ví dụ, kết quả bầu cử và được xác nhận đủ tư cách đại biểu nhiệm kỳ 2016 - 2021 chỉ là 321.886 đại biểu, gồm 494 đại biểu Quốc hội và 321.392 đại biểu HĐND các cấp; tỷ lệ đại biểu trên tổng số cử tri chỉ khoảng 0,44% và khoảng 0,33% so với tổng dân số ở thời điểm bầu cử). Trong khi đó, số cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ứng cử rất nhiều. Đối với đại biểu Quốc hội, các đơn vị được phân bổ gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện còn thêm các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn. Đối với đại biểu HĐND cấp xã còn thêm thôn (làng, bản, ấp), tổ dân phố.

Với số lượng đại biểu dân cử hạn hẹp, trong khi trên thực tế các đơn vị để phân bổ lại rất nhiều thì việc phân bổ cho đơn vị nào, số lượng bao nhiêu, đòi hỏi sự lãnh đạo cụ thể. Có ít nhất ba vấn đề phải được chú ý đặc biệt trong quá trình lãnh đạo:

Một là, tổ chức Đảng ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ở Thường trực HĐND các cấp phải lãnh đạo để xác định chính xác những cơ quan, tổ chức, đơn vị cần được phân bổ người ứng cử và số lượng người được phân bổ cho mỗi đơn vị. Đây là một việc rất khó và cũng là một tồn tại qua nhiều lần bầu cử. Do đó, mỗi cuộc bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cơ bản để làm căn cứ cho việc phân bổ, nhất là đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên).

Hai là, phải lãnh đạo việc nghiên cứu cơ cấu, thành phần hợp lý nhất để phân bổ người ứng cử, tránh tình trạng thừa cơ cấu, thiếu thành phần hoặc thành phần không hợp lý, dẫn đến sai lệch cơ cấu.

Ba là, thực sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để bảo đảm được các cơ cấu cơ bản, nhất là cơ cấu nữ và dân tộc. Về cơ cấu nữ, theo Luật Bầu cử thì phải có ít nhất 35% số người được giới thiệu là nữ. Muốn vậy phải giới thiệu ít nhất được 40% để nếu có bị loại vẫn bảo đảm con số 35%. Tuy nhiên, quan trọng là chất lượng người được giới thiệu làm ứng cử viên như thế nào, và phải quan tâm đúng mức ngay từ đầu tới vấn đề này.

Về số lượng và tỷ lệ đại biểu là người dân tộc trong cơ quan dân cử: Đối với Quốc hội (mang tính toàn quốc) nên Luật Bầu cử quy định ít nhất là 18%, tỷ lệ này nhìn chung là đạt được. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo; ngược lại, phải hết sức chú ý lãnh đạo, chỉ đạo tìm người đủ tiêu chuẩn ở một số dân tộc mà nhiều khóa chưa có đại biểu Quốc hội; tìm người xứng đáng nhất trong các dân tộc có số dân đông hơn để giới thiệu. Đối với HĐND (mang tính chất địa phương; có tỉnh, có huyện, có xã không có người dân tộc thiểu số; những tỉnh, huyện, xã có người dân tộc thiểu số thì số lượng và tỷ lệ cũng rất khác nhau), Luật Bầu cử không quy định tỷ lệ chung. Bởi vậy, cấp ủy Đảng ở từng địa phương phải lãnh đạo sát sao, bám nắm thực tế, chỉ đạo cụ thể để việc giới thiệu đạt được các tỷ lệ hợp lý, mang tính đại diện cao giữa các dân tộc trên từng địa bàn.

Công đoạn dự kiến cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu dân cử là công đoạn nghiệp vụ đầu tiên. Nó phải mang đầy đủ tính đại diện đúng đắn, hợp lý của cơ quan dân cử. Công đoạn này sẽ chi phối tất cả các công đoạn tiếp theo. Nếu không bảo đảm tính hợp lý, chính xác ngay từ đầu sẽ gây khó khăn cho tất cả các công đoạn tiếp theo.