Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2021):LTS: Ngày 6.1.1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Khóa I. Sự kiện trọng đại này đã đi v...

Bài 1: Những công việc quốc gia trọng đại trước và sau tổng tuyển cử

- Chủ Nhật, 27/12/2020, 06:42 - Chia sẻ
Quốc hội Việt Nam ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh bảo vệ, gìn giữ nền độc lập non trẻ. Đó là Quốc hội lập quốc, Quốc hội của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đại đoàn kết toàn dân. Trong hoàn cảnh chiến tranh do thực dân Pháp gây ra đang lan rộng và ngày càng ác liệt, bọn phản động chống phá điên cuồng, nhưng trong năm 1946 Quốc hội vẫn tổ chức được 2 kỳ họp với những công việc lớn lao có ý nghĩa lịch sử trọng đại, hào hùng.

1. Kỳ họp Quốc hội đầu tiên

Sáng 2.3.1946, Quốc hội tiến hành kỳ họp đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Gần 300 đại biểu đã có mặt. Chính giữa diễn đàn Nhà hát là lá cờ nền đỏ sao vàng, hai bên treo cờ các đảng, phái khác, và nổi bật là khẩu hiệu lớn “Kháng chiến - Kiến quốc”. Cụ Ngô Tử Hạ là đại biểu cao tuổi làm Chủ tịch kỳ họp, hai đại biểu trẻ là Nguyễn Đình Thi và Đào Thiện Thi làm thư ký đoàn. Trong phiên họp đã có hơn 100 bức điện của đồng bào khắp cả nước gửi về chào mừng Quốc hội và tin tưởng Quốc hội sẽ sáng suốt lãnh đạo quốc dân. Khai mạc kỳ họp, nhạc “Tiến quân ca” và “Hồn tử sĩ” được cử hành nghiêm trang. Nhân danh Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Toàn quốc Đại hội đại biểu, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau hai tháng Tổng tuyển cử.

Mở đầu báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã “tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đã đoàn kết nhất trí”. Người đề nghị với Quốc hội mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người nữa ở hải ngoại về là Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội. Tất cả các đại biểu đã giơ tay tán thành đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đại biểu vừa được Quốc hội công nhận được mời vào hội trường. Người báo cáo tiếp những công việc Chính phủ liên hiệp lâm thời đã thực hiện trong 6 tháng qua, đó là: Thực hiện sự đoàn kết toàn dân, “Vua cũng thoái vị để làm người bình dân của nước tự do. Vua Bảo Đại đã trở nên ông Vĩnh Thụy, tối cao cố vấn cho Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam”(1). Mặc dầu gặp nhiều khó khăn sau khi giành được chính quyền, “song nhờ ở sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn thể đồng bào và lòng kiên quyết phấn đấu của Chính phủ, chúng ta đã làm được một số việc:

- Việc thứ nhất là ra sức kháng chiến.

- Việc thứ hai là giảm bớt sự đói kém bằng cách thực hành tăng gia sản xuất.

- Việc thứ ba là Chính phủ đã tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử.

- Việc thứ tư là do kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ấy mà có Quốc hội hôm nay”(2).

Người nói tiếp: “Đồng thời Chính phủ cũng phải thừa nhận trước Quốc hội là còn nhiều việc lớn lao hơn nữa nên làm, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên Chính phủ chưa làm hết”(3). Gánh nặng đó “Chính phủ để lại cho Quốc hội, cho Chính phủ mới mà Quốc hội cử ra”. Thay mặt Chính phủ cũ, Người hứa với Quốc hội, với Chính phủ mới và quốc dân sẽ “hết sức đem tài năng cống hiến cho Tổ quốc”.

Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một báo cáo với lời lẽ hết sức khiêm nhường và giản dị. Thực ra 4 khối công việc đều là những nhiệm vụ đại sự. Chỉ nói riêng về tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đã là một sự kiện có một không hai. Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện cách mạng "ngàn cân treo sợi tóc", khó khăn chồng chất khó khăn, nhân dân ta vừa thoát khỏi cuộc đời nô lệ hàng nghìn năm phong kiến áp bức, ngót trăm năm thuộc địa lầm than, lại trải qua nạn đói với 2 triệu người chết... Trong điều kiện như thế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định Tổng tuyển cử. Đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén. Bởi, bối cảnh cách mạng đòi hỏi phải kịp thời, nếu càng chậm trễ tình hình càng phức tạp, nhất là khi chiến tranh đang lan rộng ra khắp cả nước sẽ khó có thời cơ để Tổng tuyển cử. Quyết định Tổng tuyển cử là một quyết định dũng cảm, táo bạo nhưng không phải phiêu lưu, mạo hiểm mà xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc, Đảng và Bác tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, vốn có truyền thống yêu nước, được cách mạng giác ngộ, vừa vùng dậy “một ngày bằng hai mươi năm” làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Một Nhân dân như thế nhất định sẽ có đủ bản lĩnh chính trị và trí tuệ sáng suốt để làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân xây dựng chế độ mới. Sự vĩ đại của Đảng và Bác chính là đã khơi nguồn và tổ chức nhân lên gấp bội lần sức mạnh nhân dân để làm nên thắng lợi. Thực tiễn cho thấy, nhân dân ta đã kiên quyết ủng hộ Tổng tuyển cử, bảo vệ triệt để Tổng tuyển cử, hy sinh cho Tổng tuyển cử, và sáng suốt trong bầu cử.

2. Thiết lập bộ máy mới của Nhà nước

Quốc hội bầu Ban Thường trực Quốc hội: Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Tuyên ngôn của Quốc hội, trong Tuyên ngôn có đoạn, “nền độc lập và dân chủ đã được lập nên, nhờ sự đoàn kết, hy sinh và chiến đấu của toàn dân... Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của Nhân dân Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang sơn và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh”(4). Theo đó, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi việc thành lập Ban Thường trực Quốc hội để thay mặt Quốc hội. Gần 40 ý kiến của các đại biểu đã phát biểu về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường trực. Các ý kiến tập trung vào 2 điểm chính. Một là, giao quyền của Quốc hội cho Ban Thường trực Quốc hội; hai là, căn cứ vào diễn biến của tình hình để định rõ những quyền cụ thể cho Ban Thường trực Quốc hội.

Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn đã được xác định, Quốc hội đã quyết định bầu Ban Thường trực gồm 15 Ủy viên chính thức và 3 Ủy viên dự khuyết. Trưởng ban là cụ Nguyễn Văn Tố, 2 Phó Trưởng ban là các ông Phạm Văn Đồng và Cung Đình Quỳ. Các Ủy viên chính thức gồm các ông, bà: Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Chi, Dương Văn Dư, Hoàng Văn Đức, Xuân Thủy, Trịnh Quốc Quang, Đàm Quang Thiện, Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Nguyễn Tri, Lê Thị Xuyến, Hoàng Minh Giám, Dương Đức Hiền. Các Ủy viên dự khuyết gồm: Nguyễn Văn Luyện, Phạm Bá Trực, Y Ngông Niếkđam.

Sau này, Ban Thường trực được bổ sung 4 đại biểu Nam Bộ, gồm: Tôn Đức Thắng và Dương Bạch Mai làm Ủy viên chính thức; Nguyễn Ngọc Bích và Huỳnh Tấn Phát làm Ủy viên dự khuyết.

Quốc hội thành lập Chính phủ mới: Tại Kỳ họp thứ Nhất, sau khi Chính phủ lâm thời từ nhiệm, Quốc hội đã thảo luận kỹ càng việc thành lập Chính phủ mới - Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Theo sự đề cử của Chủ tịch kỳ họp, cụ Ngô Tử Hạ, Quốc hội đã giơ tay nhất tề tán thành bầu cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ; Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch và giao cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch đứng ra thành lập Chính phủ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội giải lao 15 phút để Người tổ chức Chính phủ. Đúng 10 giờ (2.3.1946), Quốc hội tiếp tục họp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội gửi lời chào mừng tới các ĐBQH miền Nam đang chiến đấu trên các mặt trận nên vắng mặt, rồi báo cáo việc thành lập Chính phủ. Người nói, “Chính phủ này ra mắt gồm có đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau, vì vậy sự tổ chức mới được nhanh chóng như thế”(5). Người trình bày danh sách Chính phủ liên hiệp, giới thiệu tóm tắt một số vị Bộ trưởng; danh sách Cố vấn đoàn và Kháng chiến Ủy viên hội.

Thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm: Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần. Các Bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng; Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chu Bá Phượng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh; Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động Trương Đình Tri; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe; Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Trần Đăng Khoa; Bộ trưởng Bộ Canh nông Bồ Xuân Luật; Cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy đảm nhận; Kháng chiến Ủy viên hội do ông Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch.

Quốc hội công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Cố vấn đoàn và Kháng chiến Ủy viên hội. Toàn thể các ĐBQH đứng dậy tiếp nhận lời thề của các cơ quan nhà nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc. Sau đó Thư ký Nguyễn Đình Thi đại diện cho Quốc hội đọc lời chào mừng Chính phủ mới: “Quốc hội Việt Nam xét thấy rằng: Đứng trước tình thế nước nhà đang bị thực dân Pháp xâm lăng, cần phải thống nhất tất cả các lực lượng của toàn thể dân tộc, và cần phải có một cơ quan điều khiển mạnh mẽ để kháng chiến đến đắc thắng”, Quốc hội quyết định công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và “trao quyền bính cho chính quyền ấy”... Quốc hội thay mặt toàn thể Nhân dân Việt Nam chúc Chính phủ liên hiệp kháng chiến vượt hết mọi trở lực làm tròn nhiệm vụ(5).

Đoàn đại biểu Nhân dân và các đoàn thể cứu quốc Thủ đô đã đến chào mừng, dâng cờ nền đỏ sao vàng lên Quốc hội với một ước mong, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa “sẽ như một ngôi sao sáng chói lọi và chiếu sáng xuống tận toàn cõi đất nước Việt Nam”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn bế mạc kỳ họp, Người nói: “Bây giờ Quốc hội tạm thời bế mạc để cho tất cả anh em chúng ta đem một không khí đoàn kết, một cái không khí kháng chiến, một cái không khí kiên quyết, một cái không khí nhất định thành công về các địa phương và công tác... Đồng thời, chúng ta cũng hứa với nhau rằng: Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi mà Chính phủ cũng là Chính phủ thắng lợi. Vậy tôi đề nghị hô khẩu hiệu:

- Kháng chiến thắng lợi !

- Kiến quốc thành công !

- Việt Nam độc lập muôn năm !(6)”.

Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc xây dựng Hiến pháp và Luật Lao động...

Chỉ diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ (từ 9 giờ - 13 giờ 10 phút ngày 2.3.1946), Quốc hội Khóa I, Kỳ họp thứ Nhất đã thiết lập được bộ máy nhà nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Bộ máy này có đủ hiệu lực và uy tín để tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, đối nội và đối ngoại đi tới thành công.

----

(1) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, Nxb CTQG, HN 1994, trang 69.

(2), (3), (4), (5), (6), (7) Văn kiện Quốc hội toàn tập, Tập I, Nxb CTQG, HN 2006, các trang 43, 53, 54, 47, 55, 93-94.

 

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội