Lá phiếu của niềm tin và trách nhiệm

Bài 1: Lời hiệu triệu trái tim

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 07:15 - Chia sẻ

Lá phiếu của sự tự do, lá phiếu của người làm chủ đất nước như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thế hệ. Tuy nhiên, trong dòng chảy của cơ chế thị trường, trong vội vã của cuộc sống thời đại công nghệ, có vẻ như một bộ phận không nhỏ cử tri đang dần thơ ơ với ngày hội lớn của dân tộc. Khi và chỉ khi cử tri xem lá phiếu mình cầm trên tay góp phần quyết định tương lai chính trị của đất nước, cũng là quyết định cuộc sống no ấm của Nhân dân; đồng thời, được tạo thuận lợi tìm hiểu thông tin, nhất là về các ứng cử viên để có cơ sở lựa chọn, ngày bầu cử mới trọn vẹn là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam.

Trải qua 14 kỳ Quốc hội, Tổ quốc ta, Nhân dân ta đang náo nức chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với niềm tin và sự kỳ vọng. Cử tri cả nước cùng hướng tới Ngày hội của toàn dân 23.5 sắp tới với tinh thần của ngày tổng tuyển cử đầu tiên, với âm vang của lời hiệu triệu quốc dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.

Hơn 75 năm đã trôi qua kể từ Ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ý nghĩa lịch sử của Ngày hội toàn dân lần đầu tiên ấy vẫn còn vang mãi đến mai sau như một cuộc bầu cử khẳng định quyền tự do, quyền làm chủ Nhà nước của Nhân dân, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Đây được xem là sự kiện lịch sử trọng đại bởi hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất, lại dám tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ như nước ta khi ấy. 

Lá phiếu của sự tự do

Ngày 5.1.1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu. Xuyên suốt lời kêu gọi là cảm xúc sung sướng vỡ òa mà Người thay mặt triệu trái tim con người Việt Nam thốt lên khi cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập và tự do. Lời kêu gọi không hô hào khẩu hiệu mà được viết lên đầy xúc cảm, từ trái tim yêu nước, yêu đồng bào của Vị lãnh tụ vĩ đại thật bình dị, gần gũi và nhẹ nhàng đi vào tâm khảm người nghe:

“Ngày mai mồng 06-01-1946.

Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền làm chủ của mình.

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn…

Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.

Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vị lợi chung, quên lợi riêng…

Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử.

Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Đúng là niềm vui thực sự, và cũng không phải ngẫu nhiên mà từ “ngày mai” - ngày bầu cử được Bác nhắc đi nhắc lại ở đầu mỗi câu trong lời kêu gọi, và niềm vui sướng, tin tưởng như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ đầu cho đến cuối lời hiệu triệu. Không ai có thể thờ ơ, không ai có thể không háo hức, không trông chờ đến ngày mai - ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền làm chủ của mình, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước. Hơn 89% tổng số cử tri trên cả nước đi bỏ phiếu, nhiều địa phương có số cử tri đi bỏ phiếu đạt hơn 95%, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã thành công rực rỡ. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời, với 333 đại biểu do cử tri lựa chọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với 98,4% số phiếu bầu. Đây là một bằng chứng hùng hồn về uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tầng lớp Nhân dân ta.

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội Khóa I ngày 6.1.1946

Sự kế tục vinh quang

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6.1.1946 đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, mất nước đã trở thành "chủ nhân" một nước tự do, độc lập.

Kế thừa vinh quang từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, các cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội và HĐND các cấp đã thu hút sự tham gia của đông đảo cử tri bằng lá phiếu niềm tin và trách nhiệm, kỳ vọng bầu ra được những đại biểu thực sự có đức, có tài gánh vác những công việc quan trọng của quốc gia, dân tộc, của địa phương; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Tỷ lệ cử tri tham gia các cuộc bầu cử đều chiếm trên 97%. Gần đây nhất, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 99,51%. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,35%.

Đã từng chứng kiến và tham gia 12 kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, cử tri Phan Quang Tảo - Tổ dân phố 5, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bồi hồi: Cầm lá phiếu trên tay, hạnh phúc lắm con. Đây không chỉ là một tờ giấy đơn thuần nữa mà đó là chứng nhận của sự tự do, là quyền làm chủ của Nhân dân. Vinh dự và tự hào lắm. Thời kỳ chiến tranh, chia cắt hai miền, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng không vì thế mà cuộc tổng tuyển cử bị ảnh hưởng. Không khí ngày bầu cử lúc nào cũng rạo rực và vẹn nguyên cho đến hôm nay. “Mong sao Quốc hội Khóa XV cũng như nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND các cấp, cử tri cả nước sẽ lựa chọn được những người xứng đáng để chèo lái đất nước đến bờ vinh quang như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra” - cử tri bày tỏ tin tưởng.

“Không bồi hồi, xúc động sao được khi biết bao thế hệ cha ông đã phải hy sinh vì nền độc lập, tự do để thế hệ chúng ta hôm nay được thực hiện quyền thiêng liêng của mình - đi bầu cử để góp phần lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng sẽ tham gia các cơ quan quản lý nhà nước. Quyền thiêng liêng mà bao thế hệ cha ông đã từng khao khát” - Cử tri Vũ Văn Thạo, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội xúc động chia sẻ. Mong rằng, những đại biểu được lựa chọn để tham gia vào các cơ quan nhà nước thực sự trách nhiệm, vì dân để ngày càng củng cố niềm tin của cử tri, của Nhân dân; để cử tri thấy được giá trị thực sự của lá phiếu - Cử tri kỳ vọng.

Mỗi khi cầm lá phiếu đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, cử tri Nguyễn Thị Oanh, Khu phố 1, Phường Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai mong muốn chọn được người đại biểu biết gần dân, trọng dân, gắn bó và lắng nghe Nhân dân. Đặc biệt, với một địa bàn năng động và phát triển như Đồng Nai còn đòi hỏi người đại diện cho cử tri phải lắng nghe và thấu hiểu được nhịp điệu phát triển và hơi thở cuộc sống quanh mình; để biến những điều đó thành những quyết sách ở nghị trường. Chị cho biết, là cử tri, chúng tôi luôn dõi theo hoạt động của người đại biểu; sẽ rất vui khi thấy đại biểu có tiếng nói đồng cảm với mình. Vì thế, tôi mong đại biểu trúng cử nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và luôn ghi nhớ, thực hiện những lời đã hứa trước cử tri và Nhân dân.

LÊ LAM - THÁI HÒA