Để nông sản Việt chinh phục thị trường EU

Bài 1: Không thể thiếu vai trò của ngân hàng

- Thứ Bảy, 28/11/2020, 06:20 - Chia sẻ
Tính đến giữa tháng 10.2020 - thời điểm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực được hơn 2 tháng, đã có khoảng 24.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp với kim ngạch gần 1 tỷ USD đi 28 nước châu Âu (EU). Với đà này, dự kiến đến năm 2025, EVFTA sẽ giúp việc xuất khẩu gạo tăng thêm 65%, đường 8%, thịt gia súc, gia cầm 4%... Theo nhiều chuyên gia, kết quả này chắc chắn không thể thiếu vai trò của ngân hàng, nhất là của Agribank trong việc gắn kết chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân.

Chủ lực trong đầu tư “tam nông”

Phát biểu tại Hội thảo “Hiệp định EVFTA - Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU” do báo Lao động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, muốn tham gia sân chơi lớn, cần phải có nguồn vốn lớn, đầu tư lớn. Ngành ngân hàng đã nhận thức được tầm quan trọng đối việc phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp là yếu tố sống còn trong nhiều năm qua và thời gian tới, toàn hệ thống tiếp tục triển khai các giải pháp để dòng vốn chảy vào nông nghiệp công nghệ cao, giúp chuỗi giá trị tiếp tục gia tăng.

Đến 31.10.2020, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch của Agribank đã đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 5.000 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng.

Ông Đào Minh Tú thông tin, hiện tổng dư nợ của nền kinh tế là hơn 9 triệu tỷ đồng. Lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 2,16 triệu tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chiếm 27 nghìn tỷ đồng; 5.000 tỷ đồng cho những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết giá trị. Trong đó, Agribank là ngân hàng chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn, với dư nợ khoảng hơn 86 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 40% tổng dư nợ của nông nghiệp nông thôn cả nước.

Trên thực tế, Agribank hiện đang có dư nợ tại hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các cơ quan nhà nước cấp phép đã đi vào hoạt động. Hàng trăm tập đoàn lớn và công ty liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trên diện tích hơn 400 nghìn hecta. Tính riêng năm 2019, cả nước có 36 nghìn trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018... Để giúp các doanh nghiệp, tập đoàn, trang trại này tổ chức sản xuất theo chuỗi và hợp tác liên kết quy mô lớn, Agribank đã đổ vào đây hàng nghìn tỷ đồng với hàng loạt các chương trình, chính sách cho vay ưu đãi.

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, sân chơi EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam phát triển, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức không hề nhỏ và chắc chắn, để thành công trong sân chơi này, không thể thiếu vai trò của các nhà đầu tư tín dụng, nhất là Agribank.

Nguồn vốn của Agribank góp phần đưa sản phẩm gạo Việt vươn ra thế giới
Nguồn: ITN

Sản xuất phát triển nhờ ứng dụng công nghệ cao 

Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năm 2019, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tham gia với tư cách chủ lực đầu tư cho “tam nông”, Agribank đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Đồng thời, giúp người nông dân đủ lực để tham gia vào chuỗi sản xuất lớn, tạo ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả như trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), chế biến rau quả (Ninh Bình), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh)...

Có vốn, giúp người nông dân và doanh nghiệp làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng. Đơn cử, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, giúp nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Đặc biệt, giống gạo ST25 được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines.

Có thể thấy, thời gian qua, với sự giúp sức của khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Các kết quả này góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng nhanh qua các năm, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức 10,4 tỷ USD.

Đức Kiên