Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND cấp huyện tỉnh Bắc Giang

Bài 1: Khảo sát ngẫu nhiên, xem xét hồ sơ lưu trữ

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 07:35 - Chia sẻ

Khảo sát ngẫu nhiên nội dung công việc của đơn vị chịu sự giám sát báo cáo để tìm hiểu thực tế; xem xét hồ sơ lưu trữ để đánh giá vấn đề khách quan, chính xác; coi trọng nguồn thông tin từ chính đối tượng chịu tác động của cơ chế, chính sách... Cùng với đó, theo dõi triệt để, sát sao việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát bằng nhiều hình thức. Những kinh nghiệm này đã giúp hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện tỉnh Bắc Giang từ đầu nhiệm kỳ đến nay ngày càng hiệu quả.

Để có thông tin chính xác trước khi giám sát, đoàn giám sát Thường trực, các Ban HĐND huyện Lạng Giang tiến hành khảo sát ngẫu nhiên nội dung công việc của đơn vị chịu sự giám sát báo cáo để tìm hiểu thực tế, từ đó phát hiện những hạn chế, bất cập trong triển khai, tổ chức thực hiện và quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị được giám sát. Xem xét hồ sơ lưu trữ để đánh giá vấn đề khách quan, chính xác, qua đó có được những thông tin cần thiết phục vụ công tác giám sát.

Quan tâm tính chính xác của thông tin

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực, các Ban HĐND huyện Lạng Giang đã tiến hành trên 20 cuộc giám sát chuyên đề. Quy trình và cách thức giám sát tiếp tục được đổi mới. Theo đó, để có thông tin chính xác trước khi giám sát, đoàn giám sát tiến hành khảo sát ngẫu nhiên nội dung công việc của đơn vị chịu sự giám sát báo cáo để tìm hiểu thực tế, từ đó phát hiện những hạn chế, bất cập trong việc triển khai, tổ chức thực hiện và quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị được giám sát. Xem xét hồ sơ lưu trữ để đánh giá vấn đề khách quan, chính xác, không lệ thuộc nhiều vào báo cáo giám sát, song vẫn có được những thông tin cần thiết phục vụ cho công tác giám sát.

Một buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tại huyện Lạng Giang
Ảnh: Dương Uyên

Sau giám sát, Thường trực, các Ban của HĐND huyện thường xuyên đeo bám, theo dõi đôn đốc việc khắc phục những hạn chế, thiếu sót và những kiến nghị được nêu trong báo cáo kết quả giám sát. Đối với những kiến nghị sau giám sát chậm được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng sẽ tổ chức tái giám sát và tiếp tục đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND gần nhất để làm rõ thêm trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết đã được chỉ ra.

Hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực và các Ban HĐND huyện Lạng Giang đã giúp cho các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Qua đó, góp phần giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội đặt ra cử tri quan tâm, cũng như những phát sinh mới từ thực tiễn; kiểm chứng lại tính đúng đắn, phù hợp của các quy định pháp luật áp dụng tại địa phương, những chủ trương, biện pháp mà nghị quyết HĐND huyện đã quyết nghị. Đồng thời, thấy rõ hơn những khó khăn, hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Không lệ thuộc vào báo cáo giám sát

Tuy nhiên, công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoạt động giám sát còn hạn chế, chưa tận dụng được kết quả giám sát của nhau. Một số thành viên các đoàn giám sát là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện công việc nhiều, khó bố trí và giành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát của HĐND. Thiếu các chế tài xử lý đối với việc cơ quan, đơn vị được giám sát không thực hiện khắc phục, sửa chữa các kiến nghị sau giám sát.

HĐND huyện Lạng Giang cho thấy, muốn giám sát đạt chất lượng, hiệu quả, trước hết phải chuẩn bị kỹ các điều kiện cho cuộc giám sát. Cần lựa chọn vấn đề giám sát phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, tránh dàn trải. Trong đó, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc như: Những chương trình, dự án, chính sách ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đa số Nhân dân; các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, cải cách thủ tục hành chính, ô nhiễm môi trường... Việc xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng được giám sát báo cáo phải cụ thể, rõ ràng, giới hạn mốc thời gian. Xem xét kỹ các báo cáo để phát hiện những hạn chế, bất cập hoặc mâu thuẫn trong báo cáo với tình hình thực tế; cần thiết phải thu thập nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau để giám sát, không lệ thuộc vào báo cáo giám sát.

Bên cạnh đó, xem xét lựa chọn và quyết định thời điểm giám sát trực tiếp phù hợp với đơn vị, địa phương được giám sát, tránh giám sát vào những thời điểm cấp ủy, chính quyền các địa phương đang tập trung thực hiện những công việc cấp bách như: Phòng chống lụt bão, thiên tai, diễn tập quân sự, giải phóng mặt bằng…

Hình thức, phương thức giám sát phải linh hoạt, bảo đảm thực chất, hiệu quả: Từ việc xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị đến tổ chức giám sát, khảo sát ngắn gọn, chất lượng, tránh cồng kềnh, rườm rà, gây khó khăn cho đơn vị; đổi mới việc xây dựng chương trình, kế hoạch, thời gian, các điều kiện khác phục vụ hoạt động giám sát cho linh hoạt, hiệu quả. Mời các cán bộ có chuyên môn am hiểu sâu rộng lĩnh vực giám sát tham gia cùng để nâng cao chất lượng phát hiện các vấn đề trong giám sát.

Thực tế cũng đặt ra yêu cầu, bên cạnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc khắc phục tồn tại, hạn chế đã được đoàn giám sát chỉ ra, nhất là việc đưa những nội dung chưa được giải quyết chất vấn tại kỳ họp HĐND gần nhất để làm rõ vai trò, trách nhiệm của đơn vị đã được chỉ ra sau giám sát; cần có chế tài quy định hình thức xử lý thỏa đáng nếu chủ thể bị giám sát cố tình chây ì kéo dài không thực hiện các nội dung đã được chỉ ra, gây bức xúc trong Nhân dân.

Bách Hợp