Lời Tòa soạn: Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, công tác đối ngoại đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài về “Công tác đối ngoại - nửa nhiệm kỳ nhìn lại”.
Đường lối đối ngoại được triển khai đồng bộ, bài bản trên thực tế
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, có thể thấy, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây. Đại dịch Covid-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thiên tai, động đất... diễn ra với tần suất cao hơn, gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, khu vực.
Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ..., kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại.
Trong bối cảnh đó, nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ (từ ngày 15-17.5.2023), Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thống nhất nhận định: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta, Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Và một trong những kết quả nổi bật đó là đường lối đối ngoại của Đại hội XIII đã khẩn trương được cụ thể hóa thành các Nghị quyết, Kết luận, Đề án, Chỉ thị... của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để triển khai một cách đồng bộ và bài bản trên thực tế. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc (tháng 12.2021) để thảo luận, đánh giá toàn diện về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị trong hơn 35 năm đổi mới. Đồng thời, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bàn các biện pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm trong những năm tới.
Quan trọng hơn, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là dịp để “các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, quyết tâm mới và xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, từng tổ chức và cá nhân trong hoạt động đối ngoại”.
Kết quả nổi bật thứ hai, đó là chúng ta tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, trọng tâm là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đến nay, đã có khoảng 170 hoạt động đối ngoại cấp cao, trong đó có 32 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt, hơn 80 cuộc điện đàm/hội đàm trực tuyến. Việt Nam cũng đã tham dự gần 30 hội nghị quốc tế trực tuyến, đồng thời, đón hơn 30 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước và nhiều tổ chức quốc tế. Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với 3 nước, nâng tổng số quốc gia chúng ta có quan hệ ngoại giao lên 192 nước. Quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Đặc biệt, thành công của các chuyến thăm, các cuộc điện đàm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10.2022) cùng các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới các nước láng giềng, các nước trong khu vực là minh chứng cho thành công của hoạt động đối ngoại trong nửa nhiệm kỳ qua.
Kết quả nổi bật nữa, như chia sẻ của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, là vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm tiếp tục được củng cố, nâng cao. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; trúng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025... Các nước đánh giá cao lực lượng gìn giữ hòa bình của nước ta ở châu Phi và tham gia tìm kiếm, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, “trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, chúng ta đã xử lý đúng đắn nhiều vấn đề quốc tế phức tạp tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC, tiểu vùng Mekong...”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" ("Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!"), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tùy cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt"!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp cho việc thực hiện “mục tiêu kép”
Một kết quả rất đặc biệt nữa đạt được trong bối cảnh chưa có tiền lệ, đó là ngoại giao kinh tế đã đóng góp trực tiếp và quan trọng vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 cũng như quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho thấy, ngoại giao vaccine đã vận động được khoảng 50% tổng số liều vaccine ngừa Covid - 19 Việt Nam nhận được cùng với nhiều thiết bị y tế từ bên ngoài, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỷ đồng), đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi chiến lược tiêm chủng, tạo cơ sở tiên quyết để chuyển sang thích ứng an toàn với Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế- xã hội.
Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, với điều kiện vô cùng khó khăn do có đường biên giới dài và diện giao thương rộng, cùng nhiều khu vực đô thị tập trung đông dân cư và cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế, như nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), là đã đưa Việt Nam trở thành “hình mẫu cho các nước đang phát triển” về phòng, chống đại dịch.
Và, ngay khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, ngoại giao kinh tế tiếp tục nắm bắt cơ hội các nước mở cửa trở lại cũng như xu hướng chuyển dịch đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các hiệp định thương mại tự do đã ký để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, nối lại xuất khẩu lao động... Những nỗ lực đó đã đóng góp cho thành tựu xuất nhập khẩu năm 2022 lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; thu hút hơn 22 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài...
Có thể khẳng định, đây là những kết quả rất rõ nét và cụ thể từ việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII trong nửa nhiệm kỳ qua.
Góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Cùng với đó, các hoạt động thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa tiếp tục góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã tập trung vận động, thu hút nguồn lực và kết nối kiều bào với quê hương; chăm lo, hỗ trợ kiều bào ta ổn định và phát triển ở sở tại. Đẩy mạnh bảo hộ công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và bảo đảm an toàn cho công dân ta ở nước ngoài.
Khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn triển khai sơ tán an toàn cho khoảng 6.000 người Việt Nam tại Ukraine và thành viên gia đình, tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.644 người về nước...; giải cứu, đưa về nước trên 2.000 người bị dụ dỗ, lừa đi làm việc ở Campuchia, Philippines; tiến hành bảo hộ, hỗ trợ thủ tục về nước cho trên 1.800 ngư dân bị các nước bắt giữ, xử lý.
Một kết quả nổi bật không thể không nhắc tới, đó là công tác đối ngoại đã góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đó, đã xử lý kịp thời, đúng đắn với các vụ việc xâm phạm chủ quyền biển đảo; thúc đẩy đàm phán phân định biển với các nước liên quan. Cùng với việc quản lý tốt đường biên giới trên bộ, tạo thuận lợi cho giao lưu và phát triển kinh tế- xã hội, đã kiên quyết, kiên trì, kịp thời xử lý các vụ việc biên giới đất liền; thúc đẩy đàm phán phân giới cắm mốc với Campuchia. Kiên quyết đấu tranh, xử lý tốt vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, góp phần giữ vững ổn định, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nhìn một cách tổng thể, có thể khẳng định rằng, công tác đối ngoại từ sau Đại hội XIII của Đảng ta đến nay đã được triển khai một cách chủ động, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại; phối hợp chặt chẽ giữa các trụ cột đối ngoại, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác, giữa đối ngoại cấp cao và đối ngoại các cấp, các ngành, giữa song phương và đa phương...
Đặc biệt, “thành tựu đối ngoại và ngoại giao của nước ta đã khẳng định bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam" dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, truyền thống, bản sắc văn hóa, ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.