Để trở thành người đại biểu của Nhân dân

Bài 1: Hiểu, thực hiện đúng các quy định về vận động bầu cử

- Thứ Bảy, 24/04/2021, 06:02 - Chia sẻ

Mỗi công dân, dù ở vị trí, cương vị công tác nào, khi được giới thiệu ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đều là một vinh dự lớn. Nhưng để "chiếm" được lòng tin, sự tín nhiệm của cử tri thì cần có những kỹ năng nhất định, trước hết là kỹ năng vận động bầu cử để cử tri tín nhiệm bỏ phiếu cho mình. Tác giả xin trao đổi một số kinh nghiệm thông qua một số bài viết về hoạt động này.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp năm 2015 (Luật Bầu cử), quy định những người được giới thiệu ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp (ứng cử viên) có quyền được vận động bầu cử; quy định cụ thể về nội dung, hình thức vận động, các nguyên tắc và những điều cấm trong thực hiện vận động bầu cử. Để thực hiện có kết quả hoạt động vận động bầu cử, trước hết ứng cử viên phải nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động này trong Luật Bầu cử.

Một cuộc TXCT, vận động bầu cử của ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Nguyễn Xuân

Thứ nhất, người được giới thiệu ứng cử có quyền được tiếp xúc với cử tri. Theo quy định, người được giới thiệu ứng cử sẽ được mời đến dự các hội nghị TXCT do Ủy ban Mặt trận các cấp tổ chức mà không phải tự mình "đi tìm" cử tri để vận động (Khoản 3, Điều 62); các cơ quan, tổ chức nơi có người được giới thiệu ứng cử có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho người ứng cử thực hiện quyền TXCT (Khoản 4, Điều 62); người ứng cử không phải chi phí cho hoạt động TXCT mà do ngân sách nhà nước bảo đảm (Khoản 5, Điều 62). Các hoạt động vận động bầu cử, TXCT được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Khoản 2, Điều 62)

Thứ hai, quá trình vận động bầu cử phải bảo đảm các nguyên tắc; "(1) Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. (2) Người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. (3) Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử" (Điều 63). Cần hiểu đúng nguyên tắc này, ứng cử viên không được sử dụng ảnh hưởng của mình hoặc dùng tiền bạc, vật chất để vận động; không được "lén lút" gặp gỡ cử tri, không được nói xấu hoặc hạ thấp uy tín ứng cử viên khác; không được nhờ người khác vận động.

Thứ ba, vận động bầu cử được thực hiện trong khung thời gian quy định. "Thời gian tiến hành vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ" (Điều 64). Ngày công bố danh sách chính thức ứng cử viên được quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật Bầu cử, chậm nhất 25 ngày trước ngày bầu cử. Như vậy, trước ngày đó, các ứng cử viên không được vận động bầu cử và phải kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu một ngày.  

Thứ tư, vận động bầu cử được thực hiện qua hai hình thức, trước hết, thông qua gặp gỡ, TXCT tại hội nghị TXCT ở địa phương nơi mình ứng cử. Ứng cử viên chỉ được gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các hội nghị do Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức, không được tự tổ chức hội nghị tiếp xúc, không tiếp xúc riêng lẻ với cử tri. Tại các hội nghị TXCT, ứng cử viên có trách nhiệm trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri (Khoản 2, Điều 66). Như vậy, ứng cử viên phải tự xây dựng cho mình một chương trình hành động với sự cam kết, lời hứa với cử tri nếu được bầu làm đại biểu; chuẩn bị ý kiến trao đổi với cử tri về những vấn đề cử tri quan tâm.

Vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Khoản 2, Điều 65). Nội dung thực hiện vận động bằng hình thức này được quy định cụ thể tại Điều 67: "(1) Người ứng cử ĐBQH trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng Bầu cử quốc gia. (2) Người ứng cử đại biểu HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử (nếu có). (3) Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử. (4) UBND cấp tỉnh tổ chức đăng tải chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Thứ năm, ứng cử viên không được vi phạm những điều cấm trong vận động bầu cử. (1) Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác. (2) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. (3) Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. (4) Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri (điều 68). Những điều cấm trên đây là để bảo đảm cho hoạt động vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng.

Các ứng cử viên khi thực hiện quyền vận động bầu cử cần nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan. Nếu vi phạm những quy định trên đây, ứng cử viên khác hoặc cử tri có quyền kiến nghị đến cơ quan phụ trách bầu cử xem xét, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử (quy định tại Điều 60).

Lương Anh Tế - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương