Giám sát việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Bài 1: Mở rộng quy mô, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 09:13 - Chia sẻ
​​​​​​​Kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, sau gần 2 năm thực hiện, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được phát triển thêm về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu... doanh số bán hàng tăng hơn so với trước. Các chủ thể đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức đăng ký thương hiệu, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm...

Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với Chương trình OCOP, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND, trong đó có một số chính sách hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình OCOP. Một số huyện cũng đã ban hành chính sách riêng để thực hiện chương trình. Với cơ chế lồng ghép vốn từ nhiều chương trình, dự án, trong 2 năm triển khai, tổng nguồn vốn huy động thực hiện trực tiếp chương trình OCOP hơn 668.372 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hỗ trợ chủ thể sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay để thực hiện chương trình.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phát hiện vi phạm, sai phạm đã được các cấp, các ngành quan tâm. Qua đó, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; phát hiện những cách làm sáng tạo, những mô hình hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm thực hiện đúng theo quy chế quản lý sản phẩm, hàng hóa. Qua kiểm tra, giám sát đã chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị thực hiện quy trình quản lý chất lượng đúng quy định.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện Chương trình OCOP giám sát thực tế tại huyện Vũ Quang

Ảnh: Lê Trang 

Nâng chất lượng các sản phẩm chủ lực

Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và các sản phẩm chủ lực của tỉnh trong nhiều năm qua. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hưởng ứng, nỗ lực của cộng đồng, các chủ cơ sở sản xuất, sau gần 2 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ; góp phần bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, 11/13 đơn vị cấp huyện của Hà Tĩnh đã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đều bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, có logo thương hiệu riêng, có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và mã vạch hoặc tem điện tử để truy xuất nguồn gốc; nhiều đơn vị sản xuất đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp bao bì, tem nhãn sản phẩm. Các tổ chức kinh tế tham gia chương trình hoạt động khá ổn định và phát triển, sản phẩm cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường...

Công tác quảng bá và xúc tiến thương mại được UBND tỉnh quan tâm thực hiện. Các sản phẩm OCOP đã được trưng bày tại các cửa hàng, điểm giới thiệu, bán sản phẩm, điểm dừng xe trong tỉnh và một số điểm ngoài tỉnh. Tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại và các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội thảo. Nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu đã được trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ trong hệ thống các cửa hàng phân phối hiện đại. Chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước được tỉnh quan tâm. Giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã tổ chức 9 cuộc xúc tiến thương mại với sự tham gia của 103 sản phẩm. Qua đó, các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh từng bước được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Qua giám sát cho thấy, cơ bản các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp về KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. UBND tỉnh đã chú trọng triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn 2018-2020, có 722 sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được hỗ trợ thiết kế, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; qua đó làm tiền đề phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Sau khi thực hiện chương trình, các sản phẩm chủ lực của địa phương đã được phát triển thêm về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu... qua đó doanh số bán hàng tăng hơn so với trước. Năng lực, trình độ, nhận thức của các chủ thể sản xuất từng bước được nâng lên, mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức đăng ký thương hiệu, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm...

THÀNH LÊ