HĐND với việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương

Bài 1: Cần được đặc biệt quan tâm

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:16 - Chia sẻ
Với mô hình nhà nước tam quyền không phân lập như Việt Nam, việc kiểm soát quyền lực nhà nước lại càng phải quan tâm. Trong đó, vai trò của HĐND trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương được hiểu ở cả 2 nội dung là kiểm soát việc thực thi quyền lực do Nhân dân ủy quyền cho cá nhân đại biểu và cơ quan dân cử; kiểm soát quyền lực của các cơ quan, đơn vị được phân công sử dụng quyền lực nhà nước trong thực thi công tác quản lý nhà nước trên phạm vi địa phương.

Kiểm soát để không bị lạm quyền

Quyền lực nhà nước là của Nhân dân, chỉ Nhân dân mới có chủ quyền đối với quyền lực nhà nước. Nhưng Nhân dân ủy quyền cho các đại biểu của mình và giám sát đại biểu đó trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước. Nhân dân làm chủ bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp (thông qua các đại biểu, các cơ quan dân cử). Cơ quan dân cử lại bầu ra bộ máy quản lý hành chính nhà nước và bộ máy đó cũng thực thi quyền lực nhà nước theo sự phân công của pháp luật. Một vấn đề mà bất cứ kiểu nhà nước nào cũng đặt ra là việc kiểm soát quyền lực nhà nước như thế nào để tổ chức, cá nhân được giao quyền lực không lạm quyền, sử dụng quyền không đúng dẫn đến tha hóa. Với mô hình nhà nước tam quyền không phân lập như Việt Nam, việc kiểm soát quyền lực nhà nước lại càng phải quan tâm.

Do đó, để kiểm soát quyền lực nhà nước, ở nước ta đã xây dựng các phương thức, quy trình, quy định và các thiết chế liên quan đến quyền lực nhà nước, gắn kết chặt chẽ với nhau hợp thành một chỉnh thể. Bằng cách đó, việc kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của Nhà nước, cơ quan, nhân viên nhà nước trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước (phòng ngừa và triệt tiêu mọi sự tha thóa và thoái hóa quyền lực…), bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực thi theo Hiến pháp, pháp luật, đúng mục đích, trên cơ sở nhu cầu và ý nguyện của Nhân dân. 

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật được ban hành điều chỉnh quan hệ kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương theo hướng tăng cường kiểm tra, giám sát của trung ương, gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao cho chính quyền địa phương mỗi cấp. Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và các văn bản pháp luật khác đã xác lập thể chế pháp lý về kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương tương đối đầy đủ, đồng bộ. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ có thẩm quyền kiểm soát đối với chính quyền cấp tỉnh, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp trên kiểm soát đối với chính quyền địa phương cấp dưới; HĐND đối với UBND cùng cấp. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ đề cập tới việc vai trò của HĐND trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương.

Một hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh với Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố

Ảnh: L. Thành 

Hai nội dung cần được kiểm soát

Vai trò của HĐND trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương được hiểu ở cả 2 nội dung là kiểm soát việc thực thi quyền lực do Nhân dân ủy quyền cho cá nhân đại biểu và cơ quan dân cử; kiểm soát quyền lực của các cơ quan, đơn vị được phân công sử dụng quyền lực nhà nước trong thực thi công tác quản lý nhà nước trên phạm vi địa phương.

Để kiểm soát việc thực thi quyền lực của cá nhân đại biểu HĐND và HĐND, Hiến pháp và các luật đã quy định khá rõ. Có thể tóm tắt là đại biểu HĐND và HĐND hoạt động chịu sự kiểm tra, giám sát của các chủ thể: Nhân dân hay nói cách khác là cử tri đã bầu ra đại biểu HĐND, ủy quyền cho đại biểu HĐND và HĐND thực thi quyền lực của Nhân dân ở địa phương và chính cử tri luôn theo dõi, giám sát quá trình thực thi quyền lực đó; Quốc hội và HĐND cấp trên đối với HĐND cấp dưới; Chính phủ đối với HĐND tỉnh và UBND cấp trên đối với HĐND cấp dưới. Đại biểu HĐND với các cơ quan của HĐND cùng cấp và ngược lại.

Nội dung thứ 2, vai trò của HĐND và đại biểu HĐND đối với việc kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương. Có thể nói theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các luật chuyên ngành đã quy định khá rõ những thẩm quyền của các đại biểu HĐND và HĐND để kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương. Nội dung kiểm soát việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước của chính quyền địa phương gồm: Kiểm soát việc tổ chức (bầu, miễn nhiệm, bãi miễn đại biểu HĐND các cấp; bầu, miễn nhiệm, bãi miễn các chức danh cho HĐND bầu, gồm người đứng đầu các Ban của HĐND và Chủ tịch UBND, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND). Kiểm soát hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND. Kiểm soát hoạt động của UBND và Chủ tịch UBND. Kiểm soát quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính quyền địa phương và người có thẩm quyền. Kiểm soát việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật. Kiểm soát việc thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của chính quyền địa phương.

Có thể tóm tắt các thẩm quyền đó vào các nhóm vấn đề: Bầu và bãi nhiệm các chức danh thuộc HĐND và UBND; làm chủ tịch Hội đồng tuyển chọn thẩm phán tòa án, bầu Hội thẩm nhân dân; quyết định các chính sách để thực thi Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; giám sát các cơ quan đơn vị, cá nhân trong việc thực thi quyền lực nhà nước trong phạm vi lãnh thổ địa phương quản lý; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

ĐOÀN ĐÌNH ANH