Hoạt động của HĐND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016 - 2021

Bài 1: Đồng thuận cho phát triển

- Thứ Bảy, 27/03/2021, 05:22 - Chia sẻ
Chính từ việc kết hợp linh hoạt các phương thức nghiên cứu tài liệu, giám sát chuyên đề, khảo sát thực tế; lựa chọn những nội dung quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tác động trực tiếp đến người dân để tổ chức khảo sát, giám sát thu thập thông tin phục vụ hoạt động thẩm tra... chất lượng các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016 - 2021 ngày càng được nâng cao, không chỉ mang tính phản biện mà còn có tính xây dựng, thuyết phục cao. Đây là yếu tố quan trọng giúp nhiều nghị quyết HĐND ban hành nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Không chỉ mang tính phản biện

Trên thực tế, vai trò của Thường trực, các Ban HĐND, UBND và các cơ quan khác tham gia xây dựng dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình, tài liệu trình tại kỳ họp được đặc biệt chú trọng. Nhất là đối với các nghị quyết về xây dựng các chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Sơn La Khóa XIV

Từ yêu cầu thực tế, tiềm năng của tỉnh, định hướng phát triển vùng, tổ chức đoàn cán bộ của tỉnh đi học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh về các nội dung liên quan; trên cơ sở đó nghiên cứu sâu, đề xuất, lựa chọn vấn đề cần được tập trung lãnh đạo trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành kết luận về định hướng phát triển. Căn cứ kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Sơn La chủ động phối hợp UBND tỉnh thống nhất nội dung trình kỳ họp để có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng chính sách và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo để xây dựng nghị quyết; phân công các Ban HĐND chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo để cùng tham gia từ bước xây dựng dự thảo đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết. Công tác TXCT theo chuyên đề để tham khảo ý kiến của các cơ quan hoặc địa phương về nội dung sẽ ban hành nghị quyết được chú trọng. Khi cần thiết, tổ chức làm thí điểm việc thực hiện trước khi ban hành nghị quyết để sơ kết đánh giá, bổ sung ban hành cho phù hợp.

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh. Đây là cơ sở để các Ban HĐND tỉnh đề xuất nội dung giám sát, khảo sát nhằm thu thập thông tin từ thực tiễn phục vụ hoạt động thẩm tra các nghị quyết trình kỳ họp. Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh chủ động khảo sát thực tế tại địa phương, đơn vị (không đợi đến khi tiến hành bước thẩm tra) về sự phù hợp của chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp; đánh giá việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn và kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc. Các Ban HĐND kết hợp linh hoạt các phương thức nghiên cứu tài liệu, giám sát chuyên đề, khảo sát thực tế; lựa chọn những nội dung quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tác động trực tiếp đến người dân để tổ chức khảo sát, giám sát thu thập thông tin phục vụ cho công tác thẩm tra. Đến bước thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh thực tế chỉ là bước rà soát, kiểm tra lại và có ý kiến chính thức trước khi trình kỳ họp…

Có thể khẳng định, chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND các cấp ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ được quan điểm của Ban, không chỉ mang tính phản biện mà còn có tính xây dựng, tính thuyết phục cao. Báo cáo thẩm tra khẳng định rõ những nội dung đồng tình hay không đồng tình, những vấn đề chưa thống nhất, còn có ý kiến trái chiều với cơ quan trình dự thảo, những căn cứ, lý lẽ vì sao chưa thống nhất và đề xuất giải pháp, phương án điều chỉnh cụ thể... giúp Chủ tọa định hướng thảo luận, là một kênh quan trọng giúp đại biểu HĐND nắm được những vấn đề cần tập trung thảo luận, các giải pháp cần xem xét, cân nhắc kỹ trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành 400 nghị quyết. Trong đó, có 32 nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến kích đầu tư phát triển trên các lĩnh vực; giải quyết một số vấn đề xã hội và hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Nhiều nghị quyết ban hành nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điển hình, về phát triển kinh tế: Nghị quyết về chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chuyển đổi từ trồng cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; trồng phát triển sản xuất, tiêu thụ, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; cơ chế, chính sách phát triển một số lĩnh vực trên địa bàn; cơ chế hỗ trợ thực hiện làm đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, thu gom rác thải... ở các địa bàn xã, bản khó khăn. Về văn hóa, du lịch, đời sống, giáo dục và y tế có những chính sách như: Hỗ trợ nấu ăn bán trú cho học sinh; khuyến khích nâng cao chất lượng dạy và học; hỗ trợ túi thuốc y tế bản; chính sách phòng chống và kiểm soát ma túy; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; khuyến khích bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh...

Để đánh giá chính xác tiến độ, kết quả và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, giám sát. Trên cơ sở đó, kịp thời phát hiện và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết hoặc đề xuất với HĐND sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Mai Phương