PHÁT TRIỂN VIỆT NAM: TẦM NHÌN, ĐỔI MỚI VÀ KHÁT VỌNG NĂM 2030 - 2045

Bài 1: Định vị chiến lược quốc gia trong thế giới đương đại

- Thứ Năm, 22/10/2020, 06:49 - Chia sẻ
LTS: Từ ngày 20.10 vừa qua, dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được công bố để lấy ý kiến Nhân dân. Để chuyển tải ý kiến đóng góp vào dự thảo, từ số báo này, Báo Đại biểu Nhân dân mở chuyên mục “Góp ý dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”. Rất mong sự tham gia, đóng góp của bạn đọc.

Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, là văn hóa, trên nền tảng chính trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghĩa là văn hóa, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng, để vươn tới Văn hóa theo nghĩa viết hoa. Đó là logic phát triển Việt Nam từ năm 1930 trong tầm nhìn tới năm 2030 - một trăm năm Đảng Cộng sản Việt Nam! Đó là con đường XHCN hiện thực Việt Nam từ năm 1945 tới năm 2045 - một trăm năm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam!

Trên con đường ấy, cần nắm lấy những gì? 

Phải chăng là kiến tạo tầm nhìn, định vị chiến lược, phát triển đất nước phồn vinh, bền vững; bảo vệ độc lập, tự chủ, thống nhất quốc gia; hòa mục, hội nhập quốc tế; xây dựng, chỉnh đốn Đảng dẫn dắt Dân tộc tiến cùng nhân loại? 

Phải chăng cần một triết lý Văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, để Quốc gia Tự tôn - Mỗi người Tự trọng - Dân tộc Tự cường - Tổ quốc Phồn vinh?   

Và, phải chăng, tất cả nhằm xây dựng nước Việt Nam Độc lập, thống nhất, công nghiệp, hiện đại, phồn thịnh, hùng cường, văn hiến, giữ vị thế xứng đáng trên trường quốc tế?                  

Nghĩa là nhìn lại và trông tới từ cội nguồn chủ nghĩa yêu nước, những bước xuyên qua kinh tế thị trường định, bằng chính trị XHCN, thông qua công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, để tới Văn hóa, tức là chủ nghĩa xã hội, và đó là con đường phát triển tự nhiên của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển tương lai của loài người. 

*

*       *

Nhìn lại sau gần 35 năm đất nước đổi mới trên con đường XHCN, từ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhưng sự nghiêm khắc thừa nhận từ Đại hội XII của Đảng chỉ rõ “… Đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện… nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục…”. Bước vào năm 2020, thực tiễn “… đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta”.  

Rõ ràng, thời kỳ mới cấp bách đòi hỏi chúng ta ngẫm thời cuộc lớn, soát xét mình, mở rộng tầm nhìn, chuẩn bị hành trang, tiếp tục chủ động và kiên định đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ, không thể rụt rè, do dự hay chờ đợi, cầu toàn. Toàn bộ công việc hệ trọng đó càng đòi hỏi chúng ta về tầm nhìn mới, trước sứ mệnh mới, với mục tiêu mới, bằng sự chuẩn bị toàn vẹn thực lực mới và hành động với phương lược hành động mới, chủ động nắm lấy thời cơ. Vì, thời cơ, lúc này, chính là lực lượng trong sự phát triển của quốc gia dân tộc, khi thời đại không chờ đợi chúng ta. 

Nhìn khái lược, ở đây, có 4 loại vấn đề rường cột mà chúng ta nhất định phải nắm lấy:   

Trước tiên, đó là định vị chiến lược quốc gia trong thế giới đương đại.

 Chúng ta đang sống và hành động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ chuyển hóa khôn lường, đặt ra thách thức hoặc là tụt hậu tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt lên ngang tầm thời cuộc, làm chủ vận mệnh của chính mình, mà một khi dừng lại hoặc đứng im cũng chính là tụt hậu. Một sự rung chuyển của thế giới lập tức gây chấn động tới mọi quốc gia, dân tộc hoàn cầu. Tất cả phải được chủ động tiên liệu để tìm đối sách phù hợp. Nếu không định vị được mình trong thế giới, trước hết trong khu vực, nhất định sẽ bị động và cầm chắc đứng ngoài cuộc hội nhập toàn cầu.

Hơn nữa, ở khía cạnh khác, tưởng sống như trong một “thế giới phẳng”, nhưng chúng ta không ít lúc lại rơi vào vùng không phẳng. Sự không phẳng được hiện diện bằng sự phân biệt đối xử của các cường quốc, các khu vực phát triển tự cho mình cái quyền chi phối các nước khác, bắt họ phải “quỳ gối” hoặc lâm vào vòng lệ thuộc; là khi các thế lực bành trướng lăm le xâm lấn các quốc gia, dân tộc khác, để thỏa tham vọng bá quyền. Nên đối với chúng ta, nguy cơ tụt hậu lại càng đe dọa khủng khiếp. Và, chính vì thế, hơn 20 năm trước, tháng 1.1994, Đảng ta tiên lượng và cả dân tộc đang nỗ lực không ngừng vượt lên vùng không phẳng ấy. Tự mình phải vượt ra khủng hoảng (dù toàn cục hay cục bộ), quyết tâm trở nên phú cường và mạnh mẽ; đồng thời, không thể không vượt lên mình, thậm chí đoạn tuyệt với cả “những ưu điểm nhưng kéo quá dài” một cách dũng cảm, để định vị chỗ đứng mới của đất nước. Đi theo cách cũ, kinh nghiệm cũ dù rất quý báu nhưng chỉ là hữu hạn, và rốt cuộc cùng lắm chỉ lẽo đẽo đi sau các quốc gia, dân tộc khác mà thôi. Đó tiếp tục là một thách thức. Hơn nữa, thách thức mới lại đang đến từ tương lai, và cơ hội cũng song hành với thách thức. Chỉ có nhìn như vậy mới đủ thực lực để phát triển độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, hội nhập quốc tế. 

Do đó, một cách tự nhiên, sự lựa chọn tất yếu đổi mới chính trị trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ chính là sự ưu tiên đổi mới trước hết hiện nay. Có thể nói, đây là làn sóng phát triển thứ tư trong lịch sử phát triển của đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng. Nói cách khác là, nhịp đổi mới thứ hai kế tiếp sự ưu tiên đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế là nhịp đổi mới thứ nhất, trong hơn 30 năm qua, khi đã đúng về tầm nhìn chính trị chiến lược và sự định vị đất nước ở tầm chiến lược. Nhìn lại lịch sử đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, nhịp độ xây dựng và phát triển đất nước là những bước sóng chu kỳ với biên độ dao động khoảng 30 năm, kể từ khi Đảng ra đời (tháng 2.1930) tới nay. Nếu nhịp sóng thứ nhất với 30 năm đầu (1930 - 1960), qua hai kỳ Đại hội của Đảng: Đại hội I (tháng 3.1935), Đại hội II (tháng 2.1951), chúng ta giành chính quyền, lập quốc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, từng bước tiến hành cuộc cách mạng dân chủ, tới nhịp sóng thứ hai, với 4 kỳ Đại hội của Đảng, khoảng gần 30 năm (1960 - 1986), bắt đầu từ Đại hội III (tháng 9.1960), Đại hội IV (tháng 12.1976), Đại hội V (tháng 3.1982), và nhịp sóng thứ ba tròn 30 năm (1986 - 2016).

Dự báo nhịp sóng thứ tư sẽ tròn 30 năm (2016 - 2045), khi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm. Có thể hình dung, nếu giai đoạn 30 năm đổi mới đầu tiên từ 1986 - 2016 là cuộc nỗ lực thức dậy về tư duy, đổi mới về cơ chế, chủ động trong hội nhập toàn cầu thì giai đoạn 30 năm đổi mới tiếp theo tới năm 2045 sẽ được định hình bởi những cố gắng phi thường của cả dân tộc đột phá về đổi mới tầm nhìn chiến lược, trỗi dậy toàn diện, đồng bộ sức mạnh dân tộc, thâu thái sức mạnh thời đại xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và bền vững, với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường và phồn vinh, giữ vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Hiện nay hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng là, chỉ phát triển toàn diện, bền vững chúng ta mới có tiếng nói thực sự, khi bước chân nhân loại không chờ đợi sự do dự hay chập chờn của bất cứ ai, khi cuộc cạnh tranh toàn cầu luôn tiềm ẩn sự “mất còn” tức khắc, sự “chìm nổi” khó đoán trước về vị trí của bất cứ nước nào trong cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu và không có bất cứ quốc gia, dân tộc nào là ngoại lệ. Chúng ta chỉ có một lợi thế cạnh tranh duy nhất là, đi sau. Liệu có thể bứt phá lên hay bị tụt hậu? Khi tụt hậu là đứng ngoài “sân chơi” toàn cầu hóa, nếu không nói là vô hình trung rơi vào vòng lệ thuộc mới, là tự biến mình thành “sân sau” của người khác, thậm chí mãi mãi! Do đó, nếu chúng ta không định vị chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa dân tộc mình, đất nước mình, nhất định sẽ càng khó tìm được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, và càng khó có cơ hội góp phần mình cùng nhân loại xây dựng thế giới. Đó là vận mệnh quốc gia, là danh dự của dân tộc! Xin nhắc lại, đứng trong thế giới, chúng ta phải vì thế giới và cho thế giới, đó là phương pháp tốt nhất để định vị đất nước! 

Kinh nghiệm của thế giới hai thế kỷ qua cho thấy, thế giới càng toàn cầu hóa thì vấn đề dân tộc đối với mỗi quốc gia càng nổi lên như một mệnh đề quan thiết. Do đó, xử lý vấn đề dân tộc vì sự phát triển toàn cầu và chủ động tiên lượng nắm lấy tổng thể sự vận động toàn cầu để giải quyết cụ thể, thiết thực những công việc của dân tộc phải và đang trở thành mệnh lệnh hành động song trùng một cách tự nhiên hiện nay.

Định vị chiến lược đất nước, tới lượt nó, không có con đường nào khác tốt hơn là, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, phải trở thành động lực căn bản và to lớn đối với tiến trình phát triển của đất nước, trong tương lai. Đó cũng là cách nhìn tới tận chân trời nhưng hành động… dưới chân mình. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta một bài học lớn, khi Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”; và rằng: “Trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ở từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi Đảng Cộng sản và Đảng công nhân… Dân tộc Việt Nam chẳng hạn phải vạch ra những phương pháp và những biện pháp riêng của mình”. Buông lơi, coi nhẹ điều đó là cầm chắc sự thất bại từ nền móng. 

Vì thế, trong ba thập kỷ tới, vị thế của quốc gia - dân tộc Việt Nam ở đâu? Phải chăng nhìn tổng thể, trong 25 năm tới, vào năm 2045, trước mắt năm 2030, với công cuộc không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam XHCN độc lập tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, một nước công nghiệp, hiện đại phát triển, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển bằng phương thức rút ngắn, với bản lĩnh Việt Nam; nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng rất mực thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế; thành viên của thế giới nhân văn, hòa bình và tiến bộ trong chỉnh thể toàn vẹn hoàn cầu. Nếu không như thế, chúng ta sẽ rất khó vượt lên trên con đường dân tộc đã chọn trong một thế giới không phẳng đương đại. Định vị chính trị chiến lược đất nước hiện nay, hơn lúc nào hết, là xử lý hài hòa, mềm dẻo, quyền biến nhưng kiên quyết, rõ ràng và dứt khoát điều tối giản đó!

Nói khái quát, đó là danh hiệu Việt Nam, bắt đầu từ chỗ đứng Việt Nam trong thế giới. Đó là sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa mang tầm chiến lược hiện nay. Đó là sự định vị chiến lược, lòng tin chính trị mang tầm chiến lược của đất nước trong thế giới đương đại. 

Đó cũng chính là sự đòi hỏi và hiện thân về tầm nhìn chính trị chiến lược Việt Nam, trong toàn bộ công việc đổi mới chính trị hiện nay!

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản