Hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021

Bài 1: Dấu ấn trong hoạt động giám sát, thẩm tra

- Thứ Hai, 14/06/2021, 06:36 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù phạm vi hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế và ngân sách rộng, liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đơn vị, địa phương nhưng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình đã tích cực tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề và đạt nhiều kết quả; chủ động phối hợp xây dựng các báo cáo thẩm tra có chất lượng, làm cơ sở để đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến.

Phần lớn kiến nghị qua giám sát được khắc phục

Trong nhiệm kỳ, hoạt động giám sát chuyên đề của Ban tập trung vào những vấn đề lớn, đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm như: Tình hình thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh; hoạt động của các khu công nghiệp, khu Kinh tế trên địa bàn; tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 trên địa bàn; tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 - 2020; tình hình thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020…

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình họp thông qua dự thảo Báo cáo thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh - ẢNH VĂN DUYÊN
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình họp thông qua dự thảo Báo cáo thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh 
Ảnh: VĂN DUYÊN

Để thực hiện tốt các cuộc giám sát chuyên đề, Ban đã chuẩn bị chu đáo việc lập kế hoạch, đề cương báo cáo của đối tượng giám sát… tùy theo nội dung mời lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn tham gia. Các cuộc giám sát đều chú trọng xem xét thực tế, kiểm tra, đối chiếu nhằm kết luận vấn đề chính xác... Các báo cáo giám sát chuyên đề của Ban đều được trình bày tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Trong đó, đã đi sâu phân tích, đánh giá rõ những kết quả nổi bật, tồn tại, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước ở các cấp, ngành, các địa phương. Đồng thời, kiến nghị tới các cấp, các ngành nhằm tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Phần lớn kiến nghị của Ban qua các cuộc giám sát đã được UBND tỉnh, các ngành, địa phương tiếp thu, có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực. Đó là, tỷ lệ thu gom xử lý rác thải ngày càng cao, quy hoạch quản lý chất thải rắn được quan tâm, những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp đã đi vào nền nếp; tăng cường giám sát các đơn vị hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy các dự án đầu tư tăng cao; các dự án chậm tiến độ nay cơ bản đã đi vào hoạt động; hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, công tác hướng dẫn, trợ giúp doanh nghiệp ngày càng được chú trọng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bảo đảm đúng quy trình, tiến độ; đã thu hồi nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả...

Cơ sở quan trọng để đại biểu thảo luận, cho ý kiến

24 báo cáo, 161 dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình tại 20 kỳ họp. Có thể thấy, số lượng các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết cần thẩm tra tại các kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình tương đối nhiều, thuộc các lĩnh vực khác nhau, thời gian thẩm tra ngắn nhưng Ban đã triển khai hoạt động thẩm tra khoa học, luôn quan tâm nâng cao chất lượng.

Quá trình thẩm tra, Ban luôn chủ động, tham gia ngay từ đầu với các ngành được UBND tỉnh giao tham mưu xây dựng, giúp các cơ quan này kịp thời điều chỉnh, nhằm bảo đảm sự thống nhất và nâng cao chất lượng văn bản dự thảo. Đối với những nghị quyết trung và dài hạn, phạm vi rộng, chuyên môn sâu, Ban đã tổ chức khảo sát trực tiếp, mời các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia. Nhờ vậy, các ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ban đã cung cấp cho đại biểu HĐND tỉnh nhiều thông tin khoa học và thực tiễn; là cơ sở quan trọng để HĐND thảo luận, thống nhất trước khi thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Qua thẩm tra, Ban đã phát hiện những nội dung chưa đúng quy định của pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, kiến nghị dừng hoặc điều chỉnh dự thảo nghị quyết và đã được UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn được phân công soạn thảo nghị quyết tiếp thu, điều chỉnh.

Cụ thể, trong lĩnh vực ngân sách: Thu ngân sách còn thiếu bền vững, tỷ trọng thu tiền sử dụng đất còn cao trong khi một số khoản thu liên tiếp hàng năm đều không đạt dự toán…; đề nghị phân bổ ngân sách ngay từ đầu năm đối với các nguồn sự nghiệp; yêu cầu làm rõ nguyên nhân và giải pháp hạn chế việc chuyển nguồn ngân sách hàng năm còn quá lớn; đề nghị giảm tỷ lệ tạm ứng Quỹ phát triển đất không đúng quy định. Trong chi ngân sách vẫn còn một số khoản chi chưa bảo đảm theo quy định; đề nghị chỉ đạo quyết liệt việc thu hồi nợ đọng thuế và hạn chế phát sinh nợ mới. Trong đầu tư công, tránh phân bổ manh mún, dàn trải mà tập trung cho những dự án trọng điểm, cần thiết.

Trong lĩnh vực kinh tế: Đề nghị điều chỉnh 297,82ha đất rừng sản xuất tại lưu vực hồ chứa nước Phú Vinh sang đất rừng phòng hộ nhằm bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Đồng Hới; không chuyển mục đích rừng phòng hộ để thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật bãi tắm Khe Chuối giai đoạn 2 tại xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới để bảo vệ “Rừng cây Mẹ Nghèng”; đề nghị làm rõ và kiểm điểm, xử lý những tổ chức, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đề nghị có biện pháp kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thuê đất, khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật, vi phạm cam kết, nợ tiền thuê đất, tiền thuế và phí kéo dài. Đề nghị khi thực hiện các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới phải dành tỷ lệ ít nhất 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định...

MAI NGUYỄN