Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan dân cử

Bài 1: Công nghệ khai thông “điểm nghẽn”

- Thứ Năm, 26/08/2021, 03:57 - Chia sẻ
“Hơn bao giờ hết, đại dịch Covid-19 đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với các quốc gia cần đổi mới quản trị đất nước, điều chỉnh chính sách và những mục tiêu phát triển, trong đó có yêu cầu về chuyển đổi kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế số nhằm kịp thời ứng phó với đại dịch, duy trì phát triển kinh tế - xã hội ổn định”. Nội dung được Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong mở đầu phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA - 42 cũng chính là công việc đang được các cơ quan dân cử chủ động, tăng cường áp dụng để khai thông những “điểm nghẽn” trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại, Quốc hội, HĐND các cấp đã kịp thời chuyển từ các kỳ họp trực tiếp sang trực tuyến để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm chất lượng; tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin TXCT qua hình thức trực tuyến, qua mạng xã hội, tổng đài và điện thoại… để không “đứt gãy” mối liên hệ với cử tri. Việc kịp thời, mạnh dạn ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin, công nghệ số đã khai thông những “điểm nghẽn” trong hoạt động của cơ quan dân cử trước tác động lớn của dịch bệnh, vì lợi ích của cử tri và Nhân dân.

Hội nghị tiếp xúc trực tuyến giữa cử tri với những người ứng cử ĐBQH Khóa XV Đơn vị bầu cử số 1 TP. Hà Nội
Ảnh: Đăng Khoa

Những thay đổi lịch sử

Trước yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Quốc hội Khóa XIV đã có quyết định lịch sử khi lần đầu tiên tổ chức họp bằng hình thức trực tuyến, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn. Theo đó, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV là kỳ họp đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam hơn 70 năm qua khi lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp trực tuyến (đợt 1) qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Mặc dù lần đầu tiên họp trực tuyến song không khí thảo luận, tranh luận của các ĐBQH vẫn diễn ra sôi nổi. Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này.

Thành công kỳ họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội đã “mở đường” cho HĐND các tỉnh, thành những nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tổ chức các kỳ họp trực tuyến đầu tiên trong lịch sử. Từ bỡ ngỡ ban đầu đến nay, hình thức họp trực tuyến đã trở nên khá thông dụng. Tất nhiên, đó là cả một quá trình nỗ lực và điều dễ nhận thấy là những địa phương đó đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đầu tư trang thiết bị cho đại biểu để thực hiện mô hình kỳ họp không giấy, việc chuyển đổi phương thức từ họp từ trực tiếp sang trực tuyến có thể áp dụng gần như ngay lập tức và vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Là địa phương duy nhất trên cả nước đến nay chưa có ca nhiễm nào trong cộng đồng từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, mới đây nhất, lần đầu tiên HĐND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Kỳ họp thứ 3 (Kỳ họp chuyên đề) bằng hình thức trực tuyến. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê: Việc tổ chức kỳ trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian vật chất, phát huy lợi thế, tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại, tiến tới kỳ họp không giấy, nhất là tiếp tục đa dạng hóa hơn nữa các hình thức hoạt động của HĐND để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng trong năm 2021 là cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khi làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thành công trên nhiều phương diện của cuộc bầu cử không thể thiếu vai trò đặc biệt quan trọng của việc tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu. Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBBC thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết: Trong bối cảnh phát triển nhanh, rộng khắp của công cuộc chuyển đổi số, từ cuộc bầu cử nhiệm kỳ sau, cần thiết phải tăng cường ứng dụng CNTT và các ứng dụng số trong việc lập, rà soát danh sách, phát thẻ cử tri, xác nhận cử tri đi bầu; trong tuyên truyền, vận động bầu cử, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu phù hợp... nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, chính xác, tiện dụng và an toàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai phức tạp có thể xảy ra.

Không để “đứt gãy” mối liên hệ với cử tri

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, hầu hết những hoạt động chưa thiết yếu đều được tạm dừng để tập trung vào mục tiêu cao nhất là chống dịch, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết. Tuy nhiên, không thể vì thế mà gác lại việc tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị chính đáng, cấp thiết của cử tri để kịp thời đôn đốc giải quyết. Không thể để “đứt gãy” mối liên hệ với cử tri, nhất là trong thời điểm các ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vận động bầu cử, nhiều nơi đã có những cách làm hay, tận dụng lợi thế của CNTT, như: TXCT thông qua hình thức trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến; thông qua mạng xã hội và thậm chí là tận dụng lợi thế của hệ thống truyền thanh cơ sở; thông qua tổng đài và điện thoại…

Bên cạnh đó, một số địa phương có điều kiện, HĐND đã thiết lập tổng đài tiếp nhận ý kiến cử tri như thành phố Hồ Chí Minh; đường dây “nóng” như HĐND một số tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An… Điển hình, để hoạt động phù hợp với bối cảnh số lượng các ca nhiễm tăng cao, song song với đó là các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai trên địa bàn vẫn còn có những ý kiến cử tri băn khoăn, bức xúc, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị và phản ánh của cử tri qua tổng đài 1022 kể từ 0 giờ ngày 16.7.2021. Qua tổng đài 1022, Thường trực HĐND thành phố đã, đang tiếp nhận được những kiến nghị, phản ánh của cử tri về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Qua đó, HĐND đã tiếp thu, tổng hợp chuyển tới UBND, các ban, ngành liên quan xem xét và triển khai ngay các giải pháp hiệu quả hơn trong phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt là tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ cũng như các chính sách hỗ trợ của thành phố.

HỒNG HẠNH - PHƯƠNG NHUNG