Chọn nhân sự - Lựa nhân tài: Kiến tạo Chiến lược phát triển nhân tài quốc gia

Bài 1: Chọn đúng người - cái gốc bảo đảm sức mạnh và uy tín của Đảng

- Thứ Năm, 01/10/2020, 08:30 - Chia sẻ
LTS: Thực tiễn lịch sử 90 năm thành lập của Đảng ta xác tín: Cùng với đường lối chính trị đúng, nhân tố quyết định thành công đường lối của Đảng chính là đội ngũ cán bộ, trước hết đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp và bộ máy tổ chức tương xứng. Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài: “Kiến tạo Chiến lược phát triển nhân tài quốc gia” của TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

1-Thách thức phát triển đất nước và vấn đề nhân tài trong tầm nhìn năm 2030 - 2045 

Xem khắp lịch sử phát triển của thế giới, tối thiểu trong 100 năm nay, càng không thể không thấy một cách không nhầm lẫn rằng: Mọi con đường phát triển của các quốc gia hùng cường thường hội tụ ở ba nhân tố: Con người - Thể chế - và Công nghệ. 

Xem khắp trong lịch sử chính trị thế giới, rộng ra mấy trăm năm, thì chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo quốc gia - V.I.Lênin viết như vậy. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo.       

Thực tiễn lịch sử 90 năm qua, nhất là 75 năm cầm quyền của Đảng xác tín: Sau khi có đường lối chính trị đúng, nhân tố quyết định thành công của đường lối chính là đội ngũ cán bộ, trước hết đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp và bộ máy tổ chức tương xứng. 

Do đó, từ thực tiễn đổi mới 35 năm qua, tiếp tục đổi mới và đột phá nhằm xây dựng cho kỳ được đội ngũ người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, doanh nghiệp đồng thời là đội ngũ thủ lĩnh ở các phương diện này gánh vác trách nhiệm cầm quyền của Đảng, dẫn dắt đất nước, một trong những nhân tố căn bản làm nên thương hiệu quốc gia trở thành khâu đột phá then chốt, có ý nghĩa thành bại. Vì, đường lối chính trị phải được thực hiện trực tiếp và trước hết bởi đội ngũ người đứng đầu đồng thời là thủ lĩnh một cách xứng đáng và ngang tầm, với tư duy mới về đảng cộng sản cầm quyền, về chiến lược phát triển đất nước, về sự vận động và xu thế phát triển của thế giới ngày nay… nhằm định vị chiến lược quốc gia, tạo nên sức mạnh, uy tín và thương hiệu xứng đáng của đất nước trong thế giới.

Đến lượt việc đột phá xây dựng đội ngũ dẫn dắt quốc gia, nói cách khác là đội ngũ người đứng đầu các cấp, trước hết là cấp chiến lược, dù lãnh đạo hay quản lý, phải nhằm tạo dựng kỳ được rường cột của bộ máy tổ chức các cấp một cách tổng thể, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đội ngũ lãnh đạo, quản lý nói riêng và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nói chung tương dung, ngang tầm với đường lối chính trị, thực tế đất nước và thời đại. Nói cách khác, khi có đường lối chính trị đúng, thì đồng thời việc cơ bản tiếp theo là, chọn đúng người dẫn dắt Đảng, đất nước, vì “chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo” và quản trị quốc gia, nếu không nói là quyết định thành công của công việc cầm quyền dẫn dắt và phát triển quốc gia. Đó là cái gốc bảo đảm sức mạnh và uy tín của Đảng, nhân tố có ý nghĩa sự thành bại công cuộc cầm quyền của Đảng hiện nay và tương lai; rộng ra là vị thế, sức mạnh, uy tín quốc gia.

Trước yêu cầu đó, thách thức đó, không thể do dự, cần kíp phải kiến lập Chiến lược Phát triển nhân tài quốc gia, tối thiểu trong tầm nhìn năm 2030 và xa hơn - năm 2045.

Thành bại của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ những thập kỷ sắp tới, nằm ở chính chỗ căn bản nhưng hết sức nan giải này.

 2- Từ nhận diện công việc lãnh đạo, quản lý đất nước… nghĩ về phương cách tụ hội tinh hoa, xây dựng đội ngũ nhân tài 

Bất kỳ quốc gia nào, dù ở thể chế nào, suy cho cùng không thể không được dẫn dắt bởi đội ngũ tinh hoa, với hai loại công việc lãnh đạo và quản lý mà họ đảm trách mang tầm sứ mệnh. 

Sự lãnh đạo xuất hiện bất kỳ khi nào một người hoặc tổ chức cố gắng để tác động hoặc chi phối hành vi của một cá nhân, một nhóm người hay rộng hơn là đất nước, bất kể điều kiện, hoàn cảnh nào. Sự quản lý, đó là quá trình làm việc cùng với và thông qua các cá nhân, các nhóm xã hội và những nguồn lực khác (như thiết bị, vốn, công nghệ...) để đạt được những mục đích của tổ chức. 

Về sự lãnh đạo, cũng có thể vì mục tiêu của chính người lãnh đạo hoặc những mục tiêu của ban lãnh đạo hoặc những mục tiêu của đối tượng hoặc nhóm đối tượng, và những mục tiêu này cũng có thể "đồng dạng" hoặc không "đồng dạng" với mục tiêu của tổ chức. Sự quản lý được áp dụng cho các tổ chức (dù đó là doanh nghiệp, cơ quan giáo dục hay tổ chức chính trị, quân đội, thậm chí là gia đình); và để thành công, các tổ chức này đòi hỏi những nhà quản lý phải có những kỹ năng giữa cá nhân con người với nhau. 

Vậy rằng, về bản chất, sự lãnh đạo là một khái niệm rộng hơn sự quản lý.

Diễn đạt một cách khái quát, có tính hình tượng, nếu những nhà lãnh đạo chế ngự hoàn cảnh - những ngoại vi không ổn định, bất thường, mơ hồ và đôi khi có vẻ chúng chống lại, thậm chí hạ gục chúng ta, nếu chúng ta lơ là - thì những nhà quản lý lại phục tùng, thậm chí quy phục, đầu hàng hoàn cảnh. Nếu nhà quản lý trông nom thì một nhà lãnh đạo đổi mới. Nếu nhà quản lý là một bản photocopy thì nhà lãnh đạo là bản gốc. Nếu nhà quản lý làm nhiệm vụ duy trì thì nhà lãnh đạo có trọng trách phát triển. Nếu nhà quản lý tập trung vào hệ thống và cấu trúc thì nhà lãnh đạo tập trung vào con người. Nếu nhà lãnh đạo xây dựng lòng tin thì nhà quản lý nặng về kiểm soát. Nếu nhà quản lý có tầm nhìn ngắn hạn thì nhà lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn. Nếu nhà quản lý đòi hỏi như thế nào và khi nào thì nhà lãnh đạo đòi hỏi cái gì và tại sao. Nếu nhà quản lý cần sự noi gương và làm theo thì nhà lãnh đạo phải cần sự bắt đầu và sáng tạo...

Vị thế, vai trò dẫn dắt quốc gia khó ai thay thế, trước hết thuộc về đội ngũ tinh hoa dù lãnh đạo hay quản lý chính là ở đó, quyết định bởi đó. Đây là nhân tố căn bản, nguồn lực căn bản và trung tâm trong các nguồn lực cầm quyền của Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trước hết phải thực sự bao gồm những phần tử ưu tú nhất của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc. Cấp ủy các cấp, ban lãnh đạo các cấp chính quyền, ban lãnh đạo quản trị doanh nghiệp… phải thực sự là những cơ quan tinh hoa nhất của Đảng, Nhà nước và dân tộc. Đặc biệt là, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải là tấm gương chính trị thực sự toàn diện nhất, mạnh mẽ nhất và ưu tú nhất. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mang tầm chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; mặt khác, đẩy nhanh việc trí thức hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên - nhu cầu, nhân tố quyết định trực tiếp bổ sung chất lượng và tạo các nguồn lực cầm quyền của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sức mạnh và tahnh danh dân tộc. Người xưa dặn: “Cầu trị lấy nhân tài làm gấp”. Tiếp tục chỉnh đốn, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược xứng đáng bao gồm các nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng, tấm gương về nhân cách chính trị, văn hóa và liêm chính; đội ngũ tham mưu tinh nhuệ và trung thành; đặc biệt là đội ngũ cán bộ đứng đầu bộ máy các cấp của Đảng, Nhà nước thật sự là những người ưu tú, tinh hoa.

Tất cả nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết từ trong Đảng, một cách đồng bộ, thật sự tinh hoa và chuyên nghiệp. Về kiến tạo, rèn luyện, giáo dục và tự giáo dục liêm sỉ và đức hạnh của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đội ngũ những người đứng đầu, xin nhắc lại ý tưởng của người xưa, cách đây dù gần 2400 năm, về đạo đức và liêm sỉ: Trên mà không chính thì dưới có chính cũng thành ngụy, người hiền lành cũng biến thành kẻ gian tà. Và, cách đây hơn 200 năm, lời chiêm nghiệm và khuyên răn của tiền nhân vẫn mang ý nghĩa thời sự đối với chúng ta: Dân chủ là chế độ chính trị khó nhất, vì nó đòi phải có dân trí thật cao, nhưng người ta thường quên nâng cao dân trí của chính mình, khi nắm được chủ quyền; và, một cách tự nhiên, nếu người ta chà đạp công lý thì đó chính là sự sỉ nhục đức hạnh hàng đầu của người cầm quyền. Điều đó cảnh tỉnh những biểu hiện của thói “kiêu ngạo cộng sản”, “đầu óc ông tướng, bà tướng”, “vua con”... đang là “huyệt điểm chí tử” hiện nay trong việc tập hợp và sử dụng nhân tài ở không ít cán bộ, đảng viên giữ trọng trách quốc gia ở các cấp và trên các phương diện.

Đây chính là công việc trước hết và sau cùng của nhân tài chiến lược quốc gia.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản