Vừa bảo vệ dữ liệu cá nhân, vừa phát triển kinh tế số

Bài 1: Chấm dứt thu thập dữ liệu cá nhân tùy tiện

- Thứ Ba, 06/04/2021, 08:51 - Chia sẻ
Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Khi được ban hành, đây sẽ là văn bản đầu tiên có giá trị pháp lý chi tiết, toàn diện nhất về vấn đề này và đặt nền tảng quan trọng cho nền kinh tế số. Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo đã khá hoàn chỉnh; bên cạnh đó, có một số điểm cần xem xét thêm để vừa bảo vệ được dữ liệu cá nhân, vừa thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Với những quy định trong dự thảo nghị định, doanh nghiệp không còn được thu thập dữ liệu cá nhân của công dân tùy tiện như hiện nay. Công dân cũng có công cụ và hành lang pháp lý cần thiết để bảo vệ các thông tin về đời tư của mình.

Làm rõ dữ liệu nhạy cảm 

Theo đại diện Bộ Công an, hiện nay tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp và mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các vi phạm pháp luật. Không ít doanh nghiệp thu thập dữ liệu cá nhân tùy tiện và bán thông tin cho bên thứ ba. Do vậy, dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được xây dựng từ yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan.

Theo dự thảo Nghị định, dữ liệu cá nhân là dữ liệu về cá nhân hoặc liên quan đến việc xác định hoặc có thể xác định một cá nhân cụ thể và được chia làm 2 loại cơ bản và nhạy cảm.

Cụ thể, dữ liệu cá nhân cơ bản gồm: Họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu; giới tính; số điện thoại; số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội; tình trạng hôn nhân; dữ liệu phản ánh hoạt động hoặc lịch sử hoạt động trên không gian mạng...

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm: Quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, dữ liệu về di truyền, tình trạng giới tính, xu hướng tình dục, sinh trắc học; tình trạng giới tính; tài chính; vị trí địa lý thực tế của cá nhân ở quá khứ và hiện tại; các mối quan hệ xã hội dữ liệu cá nhân về đời sống…

Đáng chú ý, dự thảo nhấn mạnh 8 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; chỉ được xử lý đúng với mục đích đã đăng ký, tuyên bố về xử lý thông tin cá nhân; chỉ được thu thập trong phạm vi cần thiết để đạt được mục đích đã xác định; chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; được bảo mật trong quá trình xử lý dữ liệu… Đặc biệt, nguyên tắc cá nhân nêu rõ: chủ thể dữ liệu được biết và nhận thông báo về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình.

 Dự thảo cũng yêu cầu không tiết lộ dữ liệu cá nhân của người khác trong trường hợp đây là dữ liệu cá nhân nhạy cảm; làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu. Trường hợp được xử lý dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu gồm: theo quy định của pháp luật; vì lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; được pháp luật quy định là khẩn cấp, nguy cơ đe dọa tới tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cho chủ thể dữ liệu hoặc sức khỏe cộng đồng; phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật;...

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Điều hành Công ty Luật Inteco nhìn nhận, Nghị định được ban hành sẽ hướng dẫn chi tiết và cụ thể các vấn đề liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, giúp cho chủ thể dữ liệu có công cụ pháp lý để tự bảo vệ bản thân mình. Đồng thời, giúp cơ quan tư pháp có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai các hành động cụ thể để thực thi pháp luật, giúp các chủ thể khác trong xã hội xác định đúng giới hạn và phạm vi liên quan đến dữ liệu cá nhân để chấp pháp và tôn trọng quyền, lợi ích của người khác.

Với những quy định khá hoàn chỉnh và đầy đủ như trong dự thảo Nghị định, luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) cho rằng, việc ban hành Nghị định này sẽ nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý thông tin khách hàng. Các doanh nghiệp không còn được phép thu thập dữ liệu cá nhân của công dân một cách tùy tiện. Về phía người dân, Nghị định cũng cung cấp cho họ công cụ và hành lang pháp lý cần thiết để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình.

Nguồn: ITN

Băn khoăn về Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Để thực hiện được việc xử lý, bảo vệ và xử lý vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân..., dự thảo quy định thành lập Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đây là tổ chức trực thuộc Chính phủ, đặt tại Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), gồm không quá 6 thành viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm về pháp luật về vấn đề này.

Theo luật sư Ngô Văn Hiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh (HALF), xu hướng cải cách hành chính hiện nay là tinh giảm biên chế, thu gọn bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin... Vì vậy, nhân sự ban đầu của Ủy ban với 6 thành viên là phù hợp. Tuy nhiên, cần bổ nhiệm cán bộ có trình độ, có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt đồng thời kết hợp với việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, có chế độ đãi ngộ xứng đáng... Sau này, công việc nhiều có thể xem xét tăng thêm nhân sự.

Ở góc nhìn khác, luật sư Hà Huy Phong không chỉ băn khoăn về sự cần thiết của Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân mà còn lo ngại về sự chưa phù hợp giữa số lượng thành viên Ủy ban với khối lượng công việc khổng lồ của Ủy ban.

Cụ thể, Điều 24 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban có tới 17 khoản. Trong đó, đây sẽ là cơ quan triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân; cung cấp dịch vụ tư vấn, kỹ thuật, quản lý hoặc các dịch vụ chuyên biệt khác liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân; tiến hành nghiên cứu và thúc đẩy các hoạt động giáo dục liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo vệ quyền lợi của chủ thể dữ liệu, ngăn chặn mọi hành vi lạm dụng dữ liệu cá nhân.

Ủy ban này cũng sẽ thực hiện việc đánh giá, xếp hạng mức độ tin cậy về bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức và công bố trên Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phân loại dữ liệu và phân loại vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; ban hành các hướng dẫn bảo vệ dữ liệu cá nhân; giám sát, đánh giá sự phát triển công nghệ và thực tiễn thương mại có thể ảnh hưởng đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân; tiếp nhận hồ sơ đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm, hồ sơ đăng ký chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới…

Luật sư Hà Huy Phong nêu vấn đề: Thay vì thành lập một Ủy ban, nên chăng bổ sung chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân vào một cơ quan thực thi pháp luật nào đó ở tất cả các cấp, tương tự như hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác.

An Thiện