Ngăn chặn khai thác cát trái phép, cách nào?

Bài 1: "Cát tặc" hoành hành sau giãn cách

- Thứ Tư, 17/11/2021, 20:53 - Chia sẻ
Coi thường pháp luật, thách thức chính quyền, tận thu tài nguyên để trục lợi... đó là những biểu hiện thường thấy của hoạt động khai thác cát trái phép - một vấn đề hết sức nóng bỏng ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Đặc biệt, sau khi tình hình dịch giảm, nhiều tỉnh, thành phố đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, lợi dụng nhu cầu sử dụng cát do hoạt động xây dựng trở lại không ít đối tượng đã bất chấp thủ đoạn, vi phạm pháp luật, khai thác trái phép, tận thu cát trên các dòng sông.

Sông Hồng, sông Đà, sông Cầu, sông Đồng Nai... - những dòng sông có trữ lượng cát sỏi lớn cũng đồng thời là địa bàn nóng về tình trạng khai thác trái phép tài nguyên này. Khi cả nước từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hoạt động xây dựng kích hoạt trở lại cũng là lúc "cát tặc" đẩy mạnh hoạt động tại nhiều dòng sông từ Bắc đến Nam. 

Cát tặc lộng hành dòng sông Cầu đoạn qua xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

Những dòng sông “oằn mình” vì cát tặc

Theo phản ánh của nhiều người dân một số xã thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, thời gian gần đây, khúc sông Cầu chảy qua địa bàn huyện đã xuất hiện một số đối tượng hút bùn cát trái phép. Thủ đoạn các đối tượng là sử dụng phao, bè nổi và máy nổ cùng ống hút để hút bùn cát dưới lòng sông bơm lên các khoang tàu. Điều đáng nói, các đối tượng trên ngang nhiên hoạt động khai thác trái phép giữa ban ngày.

Ghi nhận của nhóm phóng viên tại khúc sông Cầu, thuộc địa phận xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trong những ngày gần đây cho thấy, tiếng máy nổ hút bùn cát rung chuyển cả một khúc sông. Khi được hỏi về tình trạng khai thác cát của các tàu, nhiều người dân 2 bên bờ xã Yên Lư không khỏi bức xúc và lo lắng: Từ sáng sớm, những chiếc phao có gắn máy nổ đã cắm vòi cỡ lớn sục hẳn xuống lòng sông, hút lên hàng trăm mét khối cát bùn mỗi ngày. “Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn những nhà dân sống gần bãi bồi không tránh khỏi sụt lún”, một người dân cho biết.

Tương tự, trên địa bàn sông Lô chảy qua địa phận tỉnh Phú Thọ, số đơn vị được cấp phép khai thác cát chỉ đếm trên đầu ngón tay, song thực tế, hoạt động khai thác cát tại đây trong thời gian qua diễn biến phức tạp, nhiều phương tiện tham gia khai thác cát không có biển kiểm soát, khai thác sát khu vực chân đê, bãi bồi và ngoài phạm vi mỏ được cấp phép khiến tình hình sạt lở bờ bãi xảy ra nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, khi thành phố nới lỏng việc kiểm soát dịch bệnh, các công trình xây dựng được phép hoạt động trở lại cũng là lúc "cát tặc" bắt đầu lộng hành khai thác trái phép, tận thu nguồn cát lòng sông khiến nhiều nơi xảy ra tình trạng đất đai, hoa màu của người dân ven sông bị cuốn xuống lòng sông, gây bức xúc trong dư luận và người dân sống ven các lưu vực sông.

Tình trạng khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông chảy qua Hà Nội luôn phức tạp, bởi địa bàn có nhiều con sông lớn với trữ lượng cát, sỏi lớn. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như thường hoạt động hút cát về đêm, cho người cảnh giới.

Đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Hà Nội

 

Nguồn lợi lớn khiến "cát tặc" bất chấp

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng “cát tặc” gia tăng, tận thu tài nguyên trái phép từ các dòng sông thời gian gần đây là do nguồn lợi quá lớn. Cụ thể, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp khai thác kinh doanh cát, giá cát san nền bình quân 50.000 - 100.000 đồng/khối, cát xây dựng có giá lên đến gần 200.000 đồng/khối. Nếu được cấp phép khai thác, các doanh nhiệp phải có nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước. Với khối lượng khai thác lậu của các tàu lên tới hàng trăm, hàng nghìn khối thì nguồn lợi thu về của những đối tượng khai thác lậu là rất lớn. Vì thế, dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát nhưng hoạt động khai thác cát lậu vẫn nhức nhối.

Theo nguồn tin từ Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Hà Nội cung cấp từ vụ bắt ổ nhóm khai thác cát trái phép trên sông Đà do Đội 3 Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP. Hà Nội và Công an huyện Ba Vì phối hợp cho thấy, giá cát sỏi sau giãn cách tăng cao, cụ thể giá cát đen lên đến 43.000 đồng/m3. Số cát khai thác trái phép được tàu hút bơm lên ngay tại 2 bãi tập kết sát bờ sông với giá 6 triệu đồng/tàu mà không hề có bất cứ hóa đơn chứng từ gì. Nhân với giá thành nêu trên sẽ thấy chủ bãi có thể kiếm được lợi nhuận lớn.

Bình luận về vấn đề này, ông Phùng Quang T - một người dân sinh sống ở xã Chu Phan, huyện Mê Linh, Hà Nội bày tỏ: Đoạn sông Hồng thuộc khu vực xã Chu Phan thường xuyên diễn ra nạn "cát tặc" vì nơi đây giáp ranh với một số xã của tỉnh Vĩnh Phúc. Người dân thường xuyên thấy có những con tàu không số hiệu nghiễm nhiên hút cát dưới lòng sông. Nếu chính quyền địa phương cho ra quân kiểm tra, xử lý thì xong rồi đâu lại vào đấy. Việc khai thác cát cũng khiến cho hệ sinh thái ở đây bị ảnh hưởng, còn người dân thì quá khổ và bức xúc bởi vận chuyển cát rơi vãi và bụi gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe.

Hải Thanh