Pháp luật về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Lịch sử luật pháp quốc tế về bệnh truyền nhiễm

- Chủ Nhật, 06/12/2020, 06:48 - Chia sẻ
Trên thế giới, việc kinh qua vô số đại nạn dịch bệnh trong quá khứ đã giúp thế giới đưa kinh nghiệm vào cuộc sống và củng cố nhiều luật nhằm đối phó với các căn bệnh truyền nhiễm, chống lại sự lây lan nhanh chóng và dập tắt chúng.

Phản ứng chính sách từ “Cái chết đen”

Những nỗ lực sớm nhất nhằm hệ thống hóa các phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh đã được nảy sinh do mối đe dọa dai dẳng của bệnh dịch hạch ở châu Âu hồi thế kỷ XIV, cách đây khoảng 600 năm. Lúc đó, biện pháp kiểm dịch (cách ly những người đã tiếp xúc với bệnh, nhưng không có triệu chứng của bệnh) đã được sử dụng rộng rãi để kiểm soát bệnh dịch hạch. Kể từ sau đại dịch mang tên "Cái chết đen" khiến 1/3 dân số châu Âu thiệt mạng, những người có đủ khả năng rời khỏi các thành phố bị dịch hạch hoành hành thường rút về sống ở nông thôn. Cuộc di cư khỏi các thành phố trên mặc dù có thể cứu một số người khỏi bị phơi nhiễm, nhưng ngược lại nó cũng góp phần làm lây lan dịch bệnh. Sau "Cái chết đen", nhiều thành phố nhỏ cấm nhập cảnh những ai chạy trốn khỏi các thành phố ổ dịch. Ở vùng nông thôn nước Italy, một linh mục Công giáo từng viết thư cho Vatican yêu cầu ra sắc lệnh cho phép các tu viện đóng cửa đối với các nạn nhân và người tị nạn của bệnh dịch hạch. Thay vào đó, Giáo hội coi bệnh dịch hạch là sự trừng phạt đối với tội lỗi của con người và chỉ thị các giáo sĩ cấp thấp hơn trên khắp châu Âu mở cửa tu viện để chăm sóc và cứu trợ người bệnh.

	Đại dịch hạch, còn gọi là Cái chết đen, ở châu Âu vào thế kỷ XIV đã hệ thống hóa các phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh truyền nhiễm Nguồn National Geographic
Đại dịch hạch, còn gọi là Cái chết đen, ở châu Âu vào thế kỷ XIV đã hệ thống hóa các phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh truyền nhiễm
Nguồn National Geographic

Khi bệnh dịch hạch hoành hành ở Anh năm 1665, Chính phủ hoàng gia đã phải rời thành phố. Thị trưởng và các ủy viên hội đồng thành phố ở lại và được giao trách nhiệm điều hành thành phố qua cơn dịch bệnh. Các biện pháp cách ly và kiểm soát dịch bệnh được áp dụng. Nhiều cơ sở kinh doanh, không gian công cộng, nhà hàng và quán trọ đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, các nhà thờ vẫn mở cửa, khiến hiệu lực của các luật y tế không mấy hiệu quả. Chính quyền thành phố đã phải quy định hoạt động mai táng, hình sự hóa việc vứt xác xuống sông Thames. Một số nhà trọ bị nhiễm dịch hạch và nhà ở công cộng được lệnh phải đốt cháy. Khi bệnh dịch thoát khỏi khu vực bị phong tỏa của London đến làng Eyam, dân làng đã cách ly những người bệnh và cách ly cả làng. Gần 75% cư dân sống tại đây tử vong, nhưng những ngôi làng xung quanh phần lớn tránh được khỏi dịch bệnh.

Các luật thường mâu thuẫn - kết quả của sự thiếu hiểu biết về sự lây truyền bệnh - đã chứng minh hiệu quả chống lại bệnh dịch hạch rất hạn chế. Mặc dù chưa bao giờ bùng phát dịch ở London sau trận Đại hỏa hoạn năm 1666, nhưng bệnh dịch hạch vẫn tiếp tục phát sinh định kỳ ở các thành phố châu Âu cho đến cuối thế kỷ thứ XVIII. Thực tế, sự biến mất của bệnh dịch hạch không phải là chiến thắng cho luật về bệnh truyền nhiễm và nhiều khả năng là kết quả của việc giảm số lượng véc tơ của nó như sự suy giảm của quần thể chuột đen và bọ chét mang mầm bệnh dịch hạch. Khi bệnh dịch tả tấn công châu Âu vào những năm 1830, các quan chức đã lấy ví dụ lịch sử về các biện pháp y tế công cộng và luật được ban hành để chống lại bệnh dịch hạch làm nền tảng.

… đến những thay đổi đáng kể từ đại dịch tả

Nguồn gốc của các luật liên quan đến bệnh truyền nhiễm hiện đại thường được bắt nguồn từ đại dịch tả ở châu Âu từ năm 1829 - 1851. Từ năm 1816 - 1826, đại dịch tả lây lan qua Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Quốc. Ba năm sau khi đại dịch lắng xuống ở Trung Quốc, nó đã kịp vươn tới nhiều khu vực của châu Âu. Năm 1831 và 1832, bệnh tả bùng phát thành dịch ở một số thành phố lớn của lục địa già. Năm 1849, nó lại lần nữa tràn qua nhiều thành phố châu Âu và sau đó là Mỹ. Nhiều nhà sử học lưu ý rằng, khoảng thời gian đó là thời kỳ nhập cư và các hoạt động giao thương, buôn bán đang phát triển nhanh chóng, một tình huống nguy hiểm khiến cho bệnh truyền nhiễm càng dễ dàng lây lan. Các nghiên cứu  khoa học và y học hiện đại mới xuất hiện, nhưng kiến ​​thức khoa học về bệnh dịch đạt được tiến bộ rất hạn chế trong thế kỷ trước. Chính vì vậy, nạn đại dịch tả đã thúc đẩy sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực y học, y tế công cộng và đặc biệt là pháp luật liên quan đến bệnh truyền nhiễm.

Năm 1954, bác sĩ người Anh John Snow, người được mệnh danh là ông tổ dịch tễ học, đã xác định nguồn cung cấp nước công cộng bị ô nhiễm là nguồn gốc của dịch tả. Ông ủng hộ mạnh mẽ những thay đổi căn bản về vệ sinh và an toàn nước, đồng thời thuyết phục chính quyền thành phố London chấp thuận xây dựng hệ thống nước mới và ban hành luật bảo vệ nguồn cung cấp nước. Luật vệ sinh, được ủng hộ trong bối cảnh phong trào vệ sinh và sức khỏe cộng đồng phát triển mạnh, đã giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tả và các bệnh lây truyền qua đường nước khác.

Năm 1851, Hội nghị về vệ sinh quốc tế lần thứ nhất đã được tổ chức tại Paris, Pháp. Việc xác định và phòng ngừa bệnh tả là mối quan tâm hàng đầu của những người tham dự. Đại dịch tả đã thúc đẩy ngoại giao giữa các quốc gia. Anh và Pháp đều cử các quan chức y tế công cộng đến các học viện y tế và bệnh viện ở nước ngoài để nghiên cứu về căn bệnh này và các phương pháp điều trị khả thi. Các luật về bệnh truyền nhiễm và vệ sinh tỏ ra hiệu quả ở một nơi thường được áp dụng ở những nơi khác. Từ năm 1851 đến năm 1900, 10 hội nghị về vấn đề vệ sinh quốc tế đã được tổ chức để thảo luận về các tác động quốc tế của bệnh truyền nhiễm. 8 công ước quốc tế đã được soạn thảo, mặc dù chỉ một số ít được các chính phủ quốc gia thông qua để có hiệu lực.

Linh Anh