Hỗ trợ doanh nghiệp sau làn sóng Covid-19 thứ 4

Bài 1: “Không biết trụ nổi mấy tháng nữa”

- Thứ Ba, 15/06/2021, 08:11 - Chia sẻ

Làn sóng Covid-19 thứ 4 như “cú đấm bồi” vào các doanh nghiệp đang suy kiệt sau những đợt dịch trước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3). Những liều thuốc “cấp cứu” như vậy liệu đã đủ với doanh nghiệp lúc này?

Cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, như nhiều doanh nghiệp du lịch khác, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế châu Á Thái Bình Dương (APT Travel) khấp khởi hy vọng về sự hồi phục vì kỳ nghỉ lễ 30.4 đang đến gần, sau đó là cao điểm du lịch hè. Thế nhưng dịch bùng phát trở lại làm đóng băng các hoạt động.“Cứ đà này không biết chúng tôi còn trụ nổi được mấy tháng nữa”, ông Đài bày tỏ.

Nguy cơ phá sản hàng loạt

Hiện doanh nghiệp của ông Đài đã phải cắt giảm quá 2/3 tổng số nhân viên cùng các văn phòng đại diện. Dù vậy, ông tự nhận "vẫn còn may mắn" khi nằm trong số 30% doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô còn trụ được tới giờ. 

Có điều dịch vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc. Điều đó đồng nghĩa, ngay cả với những doanh nghiệp còn quỹ dự phòng thì bây giờ cũng đang phải dùng đến những đồng tiền cuối. “Nếu Chính phủ không sớm có chính sách hỗ trợ dài hơi, doanh nghiệp du lịch tiếp tục phá sản hàng loạt”, ông Đài nhận định.

Tương tự, dịch Covid-19 bùng phát đang bào mòn thêm sức chống chịu của doanh nghiệp vận tải. Đại diện Công ty TNHH Minh Thành Phát (đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt chuyên chạy tuyến Lào Cai - Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ 2 - 3 xe trong tổng số khoảng 100 xe còn chạy để duy trì tuyến. Doanh thu mỗi chuyến khoảng 2 triệu đồng, không đủ bù chi phí vận hành lên tới 6 - 7 triệu đồng/chuyến, chưa kể lo trả lãi ngân hàng, thuê trụ sở, thực hiện chính sách cho người lao động… Nguồn tiền dự phòng đã cạn, doanh nghiệp này đã tính đến phương án gán nợ xe để trả ngân hàng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền xác nhận, hiện doanh thu và sản lượng của các hãng vận tải chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch. Thậm chí, có những doanh nghiệp, hợp tác xã đang đứng trên bờ vực phá sản vì buộc phải dừng hoạt động do trong vùng dịch. Hiệp hội đã gửi kiến nghị lên Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp song đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể.

Tổng hợp báo cáo của các doanh nghiệp gửi về Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, lần bùng phát dịch thứ 4 khiến doanh nghiệp vừa phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ các lần dịch trước như việc mất cân đối thu - chi diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, lĩnh vực, vừa phải đối mặt với một khủng hoảng mới. Đó là các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn tức thời.

Bà Thủy phân tích, ở lần bùng dịch thứ 3 cách đây ít lâu, khó khăn trên đã xuất hiện nhưng phạm vi hẹp và trong thời gian ngắn, còn lần này phạm vi ảnh hưởng rộng với mức độ nghiêm trọng hơn. Các hiệp hội dệt may, điện tử, da giày, chế biến gỗ... có nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp phía Bắc cùng hiệp hội logistics, vận tải đều đang đối mặt với hàng loạt nguy cơ khi liên tục có các khu công nghiệp, tuyến đường nằm trong khu vực bị phong tỏa, cách ly, yêu cầu giãn cách xã hội khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng loạt. Thêm vào đó, các doanh nghiệp này còn phải chi trả số tiền không nhỏ cho các chi phí phát sinh liên quan tới phòng chống dịch như xét nghiệm cho nhân viên, tổ chức các khu cách ly dã chiến, tái cấu trúc các cung đường vận chuyển hàng hóa… khiến áp lực nặng nề hơn rất nhiều.

Một vấn đề nữa mà cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc đều đang lo lắng đó là “thiếu sức đề kháng” để chống chọi với dịch Covid-19. Hiện, chưa có các chương trình, kế hoạch để tiêm vaccine trên diện rộng cho người lao động trong các doanh nghiệp, trong khi đây lại là lực lượng bảo đảm thành công cho mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang lo phí chồng phí khi TP Hồ Chí Minh sẽ thu phí cảng biển từ ngày 1.7
Nguồn: ITN

Nỗi lo phí chồng phí

Trong bối cảnh đang cạn kiệt dòng tiền do Covid-19, các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành logistics, xuất nhập khẩu, vận tải đang đứng trước nguy cơ phí chồng phí.

Theo đó, từ ngày 1.7 tới, Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND TP. Hồ Chí Minh về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố có hiệu lực. Mức thu phí áp dụng đối với hàng xuất nhập khẩu container 20 feet là 250.000 đồng, container 40 feeet là 500.000 đồng, hàng rời và hàng lỏng là 15.000 đồng/tấn. Đáng chú ý, nếu hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài địa bàn thành phố sẽ áp dụng mức phí gấp đôi. Các doanh nghiệp cho rằng, điều này sẽ càng tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề.

Tương tự, tại Hải Phòng đã thu phí này từ năm 2017 với mức tương đương. Năm ngoái, thành phố đã giảm phí cảng biển xuống 8% đối với hàng nguyên container và 12,5% đối với hàng rời, hàng lỏng từ ngày 1.8 đến 31.12.2020. Tuy nhiên, trong năm nay, thành phố chưa có chính sách điều chỉnh giảm.

Trước nguy cơ phí chồng phí cùng những khó khăn đang phải gánh chịu, các doanh nghiệp rất trông chờ các chính sách hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ. Trong đó, “cách hỗ trợ tốt nhất lúc này là không làm phát sinh các chi phí mới”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp nói. Bởi hiện các đối tác lớn của doanh nghiệp trong ngành như Vinasolar, Canon đã ngừng sản xuất; Toyota Viet Nam, Nitory thì hoạt động cầm chừng dưới 50% công suất khiến sản lượng của các doanh nghiệp logistics giảm hơn 60% so với tháng trước.

Thêm vào đó, các hãng tàu vẫn thiếu vỏ container đóng hàng xuất đang gây tác động kép tiêu cực đến hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy và dòng tiền của doanh nghiệp. “Thêm bất cứ phí nào lúc này cũng khiến doanh nghiệp càng lao đao, kiệt sức”, ông Hiệp nhấn mạnh.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đan Thanh