Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Làm gì để nền kinh tế cất cánh?

Bài 1: “Đôi chân” của nền kinh tế

- Thứ Tư, 05/05/2021, 06:41 - Chia sẻ
Lời Tòa soạn: Để thực hiện khát vọng “cất cánh”, xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã hoạch định thì phải trả lời được những câu hỏi lớn “bao giờ cất cánh, cất cánh từ đâu và cất cánh như thế nào”? Đó chính là tư duy, là chiến lược phát triển, là quyết sách chính trị, là lực lượng hữu hình và vô hình, cũng chính là mệnh lệnh phát triển và bứt phá của kinh tế Việt Nam. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài “Làm gì để nền kinh tế cất cánh” của TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Từ thực tiễn phát triển của lịch sử cho thấy, tầm nhìn - thể chế và lực lượng là ba nhân tố cơ bản quyết định thành công. Trong suốt hai thập kỷ qua, Việt Nam ở chừng mực nào đó mới “dịch vụ hóa” nền kinh tế chứ chưa “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” một cách đồng bộ. Đó là hậu quả trực tiếp khiến cho nhiều mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020 chưa đạt được, nghĩa là các mục tiêu phát triển đã chậm thêm tối thiểu 10 năm. Vì, phương thức đi của nền kinh tế chưa được xác định rõ ràng. Vậy nền kinh tế phải “đi” bằng “đôi chân” như thế nào?

Nguồn: ITN

Lấy biển là tương lai để phát triển bền vững quốc gia

Thực tiễn cho thấy, chúng ta chưa thực sự xem thế kỷ XXI là “thế kỷ của đại dương”. Mãi tới ngày 9.2.2007, “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” mới ra đời. Thực tiễn cũng cho thấy, chúng ta coi một trong những quốc sách hàng đầu là phát triển nông nghiệp là đúng, song chưa có kế sách chiến lược gắn với biển, kinh tế biển và phát triển biển. Đầu tư cho các lĩnh vực nông nghiệp và biển trong tổng đầu tư ngân sách quốc gia chưa thực sự ngang tầm. Chẳng hạn, nhìn trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2017, vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng gần 390.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 5,69% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Chúng ta chọn tới 19 ngành công nghiệp làm mũi nhọn nhưng các ngành này lại rất ít liên quan một cách tương xứng với biển, kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp. Do đó, công nghiệp hóa trên các lĩnh vực quốc sách này đã không tiến bước như mong đợi.

Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương. Là một quốc gia biển, Việt Nam không thể không đứng vững trên lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh này. Là một quốc gia nông nghiệp, với 100 triệu dân, thì “nông vi bản” phải vững mạnh và gắn chặt với biển, làm “đường băng” để đất nước cất cánh. Đó phải là chiến lược phát triển mang tầm nhìn thế kỷ, không chỉ về kinh tế mà rộng và sâu hơn mệnh hệ tới chính trị là độc lập chủ quyền quốc gia và an sinh xã hội căn bản.

Từ xuất phát đó và từ thực tiễn, cái “chân” thứ nhất của nền kinh tế quốc gia phải chăng là phát triển xứng tầm kinh tế biển: hướng ra biển, phát triển biển và lấy biển là tương lai để phát triển toàn diện, mạnh mẽ và bền vững quốc gia?  

Có thể nói, đây là một tất yếu phát triển mang tầm chiến lược của đất nước cho cả trăm năm sau. Tiếc rằng, hơn hai thập kỷ gần đây, chúng ta mới dành sự chú ý và đầu tư một cách tương đối hệ thống, mạch lạc cho vấn đề này về mặt thực tiễn với việc ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 vào ngày 9.2.2007. Trong khi đó, các nước có biển và thậm chí không có biển ở khu vực và trên thế giới đã đi trước nhiều bước mạnh mẽ.

Không hướng ra biển, dựa vào biển, bảo vệ biển và phát triển bền vững biển thì không chỉ là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bị buông lơi mà nền kinh tế đất nước, trực tiếp là kinh tế biển sẽ chỉ có những bước đi ngắn hạn, thậm chí khập khiễng. Những vấn đề nóng bỏng trên Biển Đông và chủ quyền bất khả xâm phạm của chúng ta ở đây hơn 40 năm qua và mấy năm gần đây đã cho thấy sự bức thiết mang tầm chiến lược phát triển biển gắn với an ninh biển trong chiến lược vươn ra thế giới từ biển và bằng biển của đất nước. Đó là tiền đồ quốc gia bước ra thế giới, cũng là “yết hầu” đất nước để thu hút, thâu thái văn minh ngã tư Biển Đông từ một phần ba thế giới.

Coi nhẹ biển, kinh tế biển và phát triển biển là đi vào ngõ cụt trong việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp tương xứng với tiềm năng gắn với phát triển kinh tế biển và an ninh biển. Nói như Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi khẳng định chủ quyền Biển Đông từ hơn 500 năm trước, trong bài Cự Ngao Đới Sơn, rằng: “Vạn lý Đông minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình” (Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình).

Kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển phải gắn bó thành chỉnh thể

Nói xác đáng, xét trong tính chỉnh thể, xa rời biển, lãng phí biển, tách kinh tế biển với kinh tế nông nghiệp, xét trên mọi chiều cạnh dù kinh tế, văn hóa hay an ninh, quốc phòng, đều là sai lầm. Vì không chỉ cái “chân” thứ nhất đã bị coi chưa tương xứng, có mặt phát triển thụt lùi mà cái “chân” thứ hai của nền kinh tế quốc gia, vô hình cũng bị tự phong bế! Chẳng hạn, chưa bao giờ như bây giờ, mới đây, tới nước ngọt cũng trở thành “con bài chính trị”, “mặc cả chính trị”, khi tình trạng mặn hóa đe dọa Đông Nam Á, trong đó có nước ta. Do đó, để phát triển một nền nông nghiệp tinh hoa lúc này và trong cả thế kỷ XXI không thể không là một nền nông nghiệp công nghiệp hóa, phát triển tương dung và hài hòa với tình trạng biến đổi khí hậu. Những hệ lụy của biến đổi khí hậu như bão lũ thất thường, nước biển dâng, mặn xâm nhập rất sâu gây nên tình trạng “mặn hóa” và thảm trạng sa mạc hóa đất nông nghiệp… đang lan khắp duyên hải miền Trung và Tây Nguyên và cả đồng bằng sông Cửu Long.

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong kịch bản biến đổi khí hậu đã được công bố năm 2016, xác định nguy cơ ngập úng với mực nước biển dâng 100cm đến năm 2100. Theo đó, với kịch bản trên, khoảng 17,8% diện tích thành phố Hồ Chí Minh; 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nguy cơ bị ngập; cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao. Riêng với vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên thực tế, hiện có chỗ hạ, chỗ nâng đan xen, đặc biệt một số khu vực ở các tỉnh Long An, An Giang nâng lên rõ rệt. Trong khi đó, khu vực tỉnh Bạc Liêu hạ nhiều nhất… Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, trên 400 nghìn người dân Việt Nam có thể rơi vào tình trạng đói nghèo cùng cực do các hệ quả ngoài ý muốn liên quan tới biến đổi khí hậu với những hệ lụy của nó đối với kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp…

Dù theo kịch bản nào cũng rất đáng lo ngại.

Do đó, an ninh môi trường sinh thái trong phát triển nông nghiệp nói riêng, rộng ra là một nền kinh tế phù hợp với phát triển kinh tế nông nghiệp gắn bó hữu cơ với biển, kinh tế biển và phát triển biển phải được đặt ra cấp bách và giải quyết đồng bộ mang tầm chiến lược và hiệu quả. Chỉ có như vậy mới có một nền nông nghiệp bền vững, bảo đảm chiến lược an ninh lương thực bền vững cho 100 triệu người, rộng ra là bảo đảm an ninh kinh tế, nền móng của an ninh chính trị, an ninh quốc phòng; mới nói tới đẳng cấp của nền nông nghiệp xanh; mới xác lập được lợi thế cạnh tranh, mà rất lâu nay chúng ta chưa làm được như mong muốn và ngang tầm lợi thế của một quốc gia nông nghiệp, một đất nước của biển và dứt khoát phải trở thành cường quốc biển.

Theo đó, liệu chúng ta có thể không cấp bách cơ cấu lại ngành nông nghiệp mà không gắn với biển? Không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong phát triển biển và phát triển nền nông nghiệp? Không tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản, hải sản sau thu hoạch nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu? Không sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường và không mở rộng, phát triển thị trường từ nông nghiệp và biển hay không? Chúng ta phải bằng mọi giá giữ chất lượng và chữ tín các sản phẩm từ nông nghiệp, từ nuôi trồng, khai thác và phát triển biển; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn cả vùng cao tới miền biển; sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, hải sản và sớm lấy lại “thẻ xanh” của Ủy ban châu Âu (EC) về thủy sản.

Nhìn vào cơ cấu nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020, khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% so với cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,20%; 42,03%; 10,23%... Dự báo năm 2025, mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình đạt từ 3 - 3,5%, có thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới… từ khai thác, nuôi trồng thủy sản và canh tác nông nghiệp. Thực tế và mục tiêu đó càng cho thấy kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, hơn bao giờ hết, cấp bách gắn bó thành chỉnh thể và tất yếu trở thành “đôi chân” để đất nước nhịp bước vững vàng và hội nhập thế giới. Đó phải là sự lựa chọn và phát triển song hành, cân đối, hài hòa và hiệu quả từ nền móng để đất nước phát triển, bứt tốc và có thể cất cánh. 

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản