Áp lực tuyển sinh

- Thứ Năm, 27/08/2020, 05:24 - Chia sẻ
Nếu như trong môi trường kinh doanh bình thường, doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực có thể cạnh tranh với nhau một cách sòng phẳng, dưới mọi góc độ, mọi "mặt trận" thì trong lĩnh vực giáo dục, việc cạnh tranh giữa các trường cũng không kém phần "gay cấn", "khốc liệt" - nếu coi đây là một loại hàng hóa. Thế nhưng với đặc thù là "hàng hóa đặc biệt" nên việc này diễn ra "âm thầm" hơn. Hiếm khi xảy ra việc cạnh tranh không lành mạnh, và khi điều này xảy ra sẽ có tác động rất lớn đến xã hội.

Cũng bởi vậy mà dư luận đang xôn xao về một "đoạn gièm pha" lẫn nhau giữa hai trường đại học ở miền Trung, với mục đích chính là "kéo" thí sinh về phía mình. Thực tế này không phải lần đầu mới xảy ra, nhất là khi một mùa tuyển sinh mới đang chuẩn bị bắt đầu với khá nhiều yếu tố đặc biệt như dịch bệnh dẫn đến lịch học, thi tốt nghiệp THPT gián đoạn; phải chia làm hai đợt thi... Mức độ chính xác của những thông tin này như thế nào chưa được kiểm chứng, nhưng rõ ràng đã ảnh hưởng rất lớn đến lựa chọn của thí sinh, cũng như uy tín của các trường.

Nhu cầu học tập luôn chính đáng. Các trường cạnh tranh tuyển sinh cũng không có gì sai. Vấn đề ở đây chính là cách làm. Thông thường trong kinh doanh bao gồm các hoạt động sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và bán cho khách hàng để thu về nguồn lợi nhuận. Kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục là việc học tập, truyền thụ các kiến thức, kỹ năng từ người này sang người khác; là việc đầu tư, phát triển và cung cấp các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục. Khác với hình thức truyền thống, kinh doanh giáo dục sẽ lấy người học làm trung tâm, và nhà trường sẽ phải chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho công việc học tập, tiếp thu kiến thức. Vậy nên, trước khi thực hiện tuyển sinh, các trường phải biết được điều kiện, khả năng, chất lượng đào tạo của mình như thế nào, từ đó mới tính đến việc tuyển sinh bao nhiêu, lựa chọn "nguyên liệu đầu vào" như thế nào. Đáng tiếc, những yếu tố này đến nay vẫn còn có trường chưa thực hiện, chưa xác định được hoặc biết nhưng cố tình "bỏ qua" để thực hiện tuyển sinh, dẫn đến hệ quả tất yếu là chất lượng đào tạo không bảo đảm, thậm chí đôi khi "vỡ trận".

Một cách sòng phẳng, với cơ chế tự chủ như hiện nay, các trường đại học nói riêng và các bậc học khác nói chung muốn tồn tại thì phải nâng cao chất lượng giảng dạy để có "sản phẩm" chất lượng. Có nâng cao được chất lượng giảng dạy thì mới thu hút được học sinh, sinh viên. Bài học vẫn còn nguyên giá trị là vừa qua, có trường đại học vì tuyển sinh ồ ạt, tuyển vượt chỉ tiêu, vượt năng lực đào tạo... nên chỉ trong một ngày, vị phó hiệu trưởng đã ký 7 quyết định buộc thôi học với 3.439 sinh viên đang theo học hệ liên thông từ cao đẳng lên đại học và từ trình độ trung cấp lên đại học...

Kinh doanh thông thường đã khó, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục còn khó hơn bội phần bởi sản phẩm của giáo dục là con người. Vì vậy, đòi hỏi đầu tiên với mỗi trường là phải lựa chọn được đầu vào. Vậy nhưng cũng không thể vì áp lực năm nay phải tuyển được bao nhiêu chỉ tiêu mà bất chấp tất cả. Hãy cạnh tranh lành mạnh bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín của mình. Khi đó việc tuyển sinh hàng năm sẽ không còn là áp lực.

Linh Trang