Áp dụng giáo dục kỷ luật tích cực

- Thứ Tư, 09/09/2020, 05:25 - Chia sẻ
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Thông tư là quy định “biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực”.

Quy định này của dự thảo Thông tư được đánh giá là một trong những bổ sung mới so với quy định hiện hành của Thông tư số 08/TT năm 1988 của Bộ Giáo dục hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông. Theo Thông tư 08, tùy mức độ vi phạm khuyết điểm mà học sinh phải chịu những hình thức kỷ luật: khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ; đuổi học 1 năm. Đây là những hình thức kỷ luật cứng rắn, góp phần xây dựng nền nếp, kỷ cương trong nhà trường. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này trên thực tế có lúc chưa thực sự mang lại hiệu quả giáo dục. 

Sự việc xảy ra tại Trường THCS Ngô Quyền, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh trước đây là một ví dụ. Một học sinh của trường chỉ vì có lời lẽ xúc phạm một nhóm nhạc ở Hàn Quốc trên mạng mà bị trường bắt phải đọc bản kiểm điểm rồi quay clip đưa lên trang cộng đồng của trường, điều này khiến dư luận bức xúc. Liệu biện pháp này có thể giúp các em có thể tốt hơn không khi bị áp dụng hình thức kỷ luật như vậy trước toàn trường, trước cộng đồng mạng? Với lứa tuổi các em, biện pháp này rất khó để giúp các em bình tĩnh nhìn nhận hành vi của mình là thiếu chuẩn mực, từ đó để sửa chữa sai lầm, mà thay vào đó là các em sẽ xuất hiện tâm lý xấu hổ, tự ti.

Trước những khuyết điểm của học sinh, bên cạnh việc giáo dục qua nhắc nhở, động viên, không ít các giáo viên đã dùng các biện pháp trừng phạt đối với học sinh: mắng học sinh trước lớp, đánh bằng thước kẻ, bắt học sinh quỳ, úp mặt vào tường, hay đứng vào góc lớp để tất cả các bạn trong lớp nhìn vào. Tâm lý giáo dục “yêu cho roi, cho vọt” dường như đã trở thành một biện pháp giáo dục con trẻ không chỉ ở môi trường giáo dục mà còn ở cả gia đình và xã hội. Điều đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm các em mất đi sự tự tin, giảm ý thức kỷ luật. Nghiêm trọng hơn, chính hình thức kỷ luật này vô hình trung để lại “vết thương” trong tâm hồn, khiến các em trở nên xa lánh, đối kháng với thầy cô, sợ đến trường, đến lớp.

Để thay đổi biện pháp giáo dục thông qua hình thức kỷ luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 08. Theo đó, việc phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường khi học sinh mắc lỗi sẽ được bãi bỏ. Theo dự thảo thông tư mới, không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh. Đồng thời, đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh.

Cụ thể, giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm. Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như: viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của nhà trường và các quy định khác của pháp luật liên quan đến khuyết điểm của học sinh.

Dự thảo Thông tư cũng quy định hình thức kỷ luật đối với học sinh phổ thông gồm: khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm, tuy nhiên, không áp dụng các hình thức này đối với học sinh cấp tiểu học.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, không phải hình thức kỷ luật rắn mới mang lại hiệu quả giáo dục học sinh. Với các em, khi mà nhân cách và nhận thức chưa thực sự đầy đủ, thì biện pháp giáo dục hiệu quả nên hướng đến đó là giáo dục kỷ luật tích cực. Đó là việc giáo dục phải dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh; không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi quy định Thông tư 08 theo hướng đưa ra các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực là rất cần thiết. Việc sửa đổi bảo đảm phát huy được mục đích của biện pháp giáo dục, đó là giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm. Do đó, việc coi hình thức kỷ luật học sinh phải mang nặng tính “trừng phạt” cần sớm được xóa bỏ.

Song Hà