Áp dụng biện pháp chuyên môn chống dịch chưa có tiền lệ

- Thứ Hai, 25/10/2021, 20:37 - Chia sẻ
Trước tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, Việt Nam buộc phải áp dụng các phương án phòng, chống dịch quyết liệt hơn. Theo đó, trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ lần đầu tiên đã được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh và bước đầu đã ghi nhận kết quả khả quan, đưa cả nước trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài tại nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo. Đời sống, sức khoẻ người dân bị ảnh hưởng nặng nề và tác động tiêu cực tới mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với đó, số ca nhiễm bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn cũng gây quá tải hệ thống y tế, nhất là tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

 Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ đã được áp dụng vào thực tiễn chống dịch đợt thứ 4
Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ đã được áp dụng vào thực tiễn chống dịch đợt thứ 4

Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiều chủ trương, biện pháp với tinh thần trách nhiệm rất cao, từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc.

“Trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta. Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế, xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vaccine, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cụ thể, các Bộ, ngành liên quan đã áp dụng linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp từ giám sát, truy vết nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh... tổ chức cách ly được điều chỉnh, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly của từng địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp cách ly lần đầu tiên được triển khai trong phòng, chống dịch trên toàn quốc.

Về điều trị, ngành y tế đã và đang triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị tại nhà, kết hợp Đông - Tây y. Cùng với đó, tập trung toàn lực để điều trị giảm tử vong, thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến; phân tầng điều trị; trang bị hệ thống oxy y tế, huy động sự tham gia của y tế tư nhân. Đặc biệt, việc thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn được xem là giải pháp đột phá, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong. 

Thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine

Đối với công tác chuẩn đoán, xét nghiệm, có thể thấy, các địa phương đã từng bước tăng cường tập trung, năng lực xét nghiệm nâng cao rõ rệt. Công tác huy động, điều phối các lực lượng hỗ trợ từ các địa phương chuyên nghiệp hơn, đạt hiệu quả cao. Việc kết hợp hiệu quả phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT- PCR; thực hiện việc gộp mẫu cũng làm tăng tốc độ xét nghiệm và giảm chi phí, từ đó chủ động tầm soát lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao.

Năng lực đội ngũ phòng chống dịch ngày một nâng cao

“Với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả, tạo sự chủ động trong việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch” - Bộ trưởng nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, mặc dù xuất phát điểm chậm, song, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vaccine của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam. Chiến dịch đã huy động thành công tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước, ở Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, công an, quân đội, công lập và khu vực tư nhân cùng vào cuộc.

Hiện, vaccine đã được phân bổ theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch; thực hiện tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em… mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động. Kết quả tiêm chủng đóng vai trò quan trọng, quyết định để thực hiện tiến trình phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine để sớm tiến tới mục tiêu bao phủ vaccine Covid-19.

Hoàng Yến