Ảnh hưởng của giá xăng dầu

- Thứ Hai, 01/11/2021, 05:58 - Chia sẻ
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên thế giới tăng nhanh nhưng sản lượng khai thác không tăng tương ứng dẫn tới nguồn cung bị thắt chặt. Vì vậy, giá xăng dầu tăng cao và Việt Nam cũng phải hứng chịu cú đòn này. Riêng trong tháng 9, giá xăng tăng 4 lần liên tiếp, nếu tính cả năm qua thì tổng mức tăng của giá xăng trong nước đã lên tới gần 10.000 đồng/lít.

Giá xăng tăng mạnh đang gây sức ép lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà cả nhà quản lý. Cụ thể, giá xăng dầu ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế nước ta?

Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành cập nhật cho năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ sử dụng xăng dầu chiếm trong tổng chi phí trung gian khoảng 9%; 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và chiếm trong tổng giá trị sản xuất 6,4%. Trường hợp giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến tổng chi phí trung gian tăng 0,82%, lúc đó chỉ số giá sản xuất (PPI) của cả nền kinh tế tăng khoảng 0,58%. Khi đó, giá cả thị trường sẽ bước vào một chu kỳ tăng mới, nguy cơ giá cả hàng hóa tăng mạnh là điều có thể dự đoán. Trong trường hợp không thể tăng giá bán (do khách không chấp nhận) nhưng giá xăng dầu vẫn tăng trong chi phí đầu vào các ngành kinh tế sẽ làm GDP giảm 2,02%. 

Hầu hết các ngành trong nền kinh tế đều chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là ngành vận tải và du lịch. Khi ngành vận tải vừa “nhúc nhắc” đôi chút nhờ tình hình dịch bệnh Covid-19 tạm thời lắng xuống và nền kinh tế đang cố gắng hồi phục thì lại hứng chịu “cú đấm” giá xăng dầu tăng cao khiến khả năng vực dậy càng mong manh.

Tỷ lệ xăng dầu chiếm trong chi phí trung gian của toàn ngành vận tải khoảng 64% và chiếm trong giá trị sản xuất khoảng 43,8%; riêng với vận tải đường bộ và đường thủy, tỷ lệ đầu vào là xăng dầu trong giá trị sản xuất chiếm trên dưới 50%. Trường hợp giá xăng dầu tăng 10%, chỉ số giá sản xuất của nhóm ngành vận tải có thể tăng 3,2%, trong đó vận tải đường bộ tăng 4,5% - 5%. Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành, trong trường hợp không thể tăng giá, giá trị tăng thêm của vận tải đường bộ sẽ giảm rất sâu. Cụ thể, giá trị tăng thêm của vận tải hành khách giảm 11,3%; vận tải hàng hóa giảm trên 20%...

Đáng nói là, vận tải là ngành kinh tế huyết mạch của nền kinh tế. Nền kinh tế sử dụng đầu vào là dịch vụ vận tải chiếm trong tổng chi phí trung gian khoảng 2% và chiếm trong tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế 1,2%. Và hơn 2 tuần qua, dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh nhưng một số địa phương vẫn có những quy định rất ngặt nghèo và thái quá đối với hoạt động vận tải. 

Những tính toán và lập luận nêu trên cho thấy, nếu không thực sự quan tâm đến nhóm ngành vận tải thì nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng suy trầm khó tưởng tượng được. Không những thế, giá xăng dầu tăng mạnh có thể đe dọa sự ổn định của kinh tế vĩ mô - thành tựu và cũng là mục tiêu Quốc hội, Chính phủ luôn hướng đến - do áp lực lạm phát. Kéo theo đó, tiến trình phục hồi kinh tế hậu Covid sẽ càng thách thức và khó khăn hơn.

TS. Bùi Trinh