Vaccine Sputnik V

An toàn và hiệu quả từ thực tế tiêm chủng

- Thứ Hai, 27/09/2021, 15:37 - Chia sẻ
Nằm trong khuôn khổ hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Vabiotech và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV vaccine và Sinh phẩm số 1 Vabiotech đã chính thức công bố sản xuất thành công lô vaccine phòng Covid-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam.

Cơ chế vaccine vector phối hợp

Sputnik V là vaccine phòng Covid-19 được phát triển bởi Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh học Quốc gia Gamalaya của Liên bang Nga. Chủ nhiệm đề tài là tiến sĩ Denis Logunov, Phó Viện trưởng, Chủ nhiệm Trung tâm Thí nghiệm Vi sinh Tế bào.

Về công nghệ, vaccine Sputnik V được phát triển dựa trên vector virus, tương tự như vaccine Covid-19 của AstraZeneca, Janssen của Johnson & Johnson, Convidecia của CanSino và 1 vaccine Covid-19 do Vabiotech H đang phát triển. Được biết, Vector là những virus vô hại đã được chỉnh sửa để vô hiệu hóa khả năng sao chép. Từ đó, các nhà khoa học tiếp tục thêm vào virus này một gene biểu hiện protein gai của virus Covid-19, các vector virus tái tổ hợp cuối cùng được tiêm vào cơ thể.

Vaccine Sputnik V do Việt Nam sản xuất sẽ được dùng tiêm chủng toàn dân
Vaccine Sputnik V do Việt Nam sản xuất sẽ được dùng trong tiêm chủng toàn dân
Nguồn: ITN

Với gene biểu hiện protein gai của virus mang theo, vector virus sẽ kích thích hệ miễn dịch nhận diện được protein gai của virus, từ đó sinh ra các kháng thể và huy động các tế bào miễn dịch chống lại chúng. Bản thân vector virus an toàn, không thể khiến chúng ta mắc Covid-19 hoặc bệnh do vector virus gây ra.Vector virus chỉ đóng vai trò vận chuyển vật chất di truyền, và bản thân vật chất di truyền này không thể tích hợp được vào bộ gene người.

Theo các nhà khoa học Nga, điểm khác biệt giữa vaccine Sputnik V với các loại vaccine vector virus khác là Sputnik V là một vaccine vector phối hợp. Vaccine sử dụng tới 2 vector virus Ad26 cho thành phần hay mũi tiêm đầu tiên và Ad5 cho thành phần hay mũi tiêm thứ hai. Trong khi các loại vaccine cùng công nghệ khác chỉ sử dụng một vector virus cho cả 2 mũi như AstraZeneca sử dụng vector virus ChAdOx1, Janssen của Johnson & Johnson sử dụng Ad26, Convidecia của CanSino sử dụng Ad5.

Vì vậy, có thể coi 2 liều vaccine Spunik V là 2 loại vaccine khác nhau hoặc 1 loại vaccine kép. Các nhà khoa học Nga gọi đó là một sự kết hợp đột phá, độc đáo và duy nhất trên toàn cầu. Việc tiêm 1 vaccine khác loại ở mũi thứ 2 sẽ giúp hệ miễn dịch củng cố khả năng nhận diện và chống lại virus Covid-19. Kết hợp 2 loại vector virus cho 2 mũi tiêm sẽ khắc phục được khuyết điểm của vaccine dựa trên công nghệ này, đó là sự miễn dịch sẵn có trong quần thể với chính vector sẽ làm yếu khả năng bảo vệ của vaccine.

Thêm vào đó, sử dụng cùng 1 loại vector virus cho 2 liều cũng có thể dẫn đến hiện tượng cơ thể phát triển phản ứng miễn dịch chống lại chính virus vector sau mũi tiêm thứ nhất rồi tiêu diệt nó ở mũi tiêm thứ hai. Trong khi vaccine kết hợp hai vector khác nhau sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra hiện tượng này.

Ít tác dụng phụ

Khi quyết định phát triển vaccine Covid-19 theo công nghệ vector virus, các nhà khoa học đã tham chiếu tới hơn 70 nghiên cứu và 250 thử nghiệm lâm sàng chứng minh sự an toàn của công nghệ này. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III cho thấy, hiệu quả của vaccine Sputnik V đạt được là 91,6%. Điều này đặt Sputnik V lọt vào top 3 vaccine Covid-19 hiệu quả nhất, ngang hàng với vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna có hiệu quả ban đầu lần lượt là 95% và 94,1%.

Vaccine Sputnik V sử dụng 2 vector virus Ad26 và Ad5
Vaccine Sputnik V sử dụng 2 vector virus Ad26 và Ad5
Nguồn: ITN

Vaccine Sputnik V đã được tiêm đại trà tại Nga và một số quốc gia. Hiện đã có 70 nước trên thế giới phê duyệt Vaccine Sputnik V. Dữ liệu cho thấy vaccine Sputnik V có khả năng phòng ngừa Covid-19 lên tới 97,6% và cung cấp sự bảo vệ 100% chống lại các trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng. Kết quả từ thực tế chỉ ra sự an toàn và hiệu quả thậm chí vượt xa mong đợi.

Chiến dịch tiêm chủng trên 2,8 triệu người Argentina cũng cho thấy kết quả tương tự. Không có bất kể trường hợp tử vong nào sau khi tiêm vaccine Sputnik V. Đa phần các tác dụng phụ của vaccine ở mức nhẹ. Tương tự, tại Belarus, RDFI dẫn nguồn từ Bộ Y tế nước này cho biết, sau chiến dịch tiêm chủng hơn 860.000 liều vaccine Sputnik V, không có trường hợp gặp tác dụng phụ hay tử vong nào được ghi nhận. Hiệu quả bảo vệ của vaccine là 97,2%.

Cũng theo RDFI, Bộ Y tế Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất (UAE) không quan sát thấy bất kể trường hợp tác dụng phụ dẫn đến nhập viện hay tử vong nào sau khi 81.000 người dân nước này được tiêm vaccine Sputnik V, hiệu quả của vaccine là 97,8% sau mũi thứ hai.

Tại Serbia, khoảng 750.000 người dân cũng đã được tiêm vaccine Sputnik V. So sánh với 3loại vaccine khác cũng đã được tiêm ở Serbia là Sinopharm, Pfizer và AstraZeneca, Thứ trưởng Bộ Y tế Serbia, Mirsad Jerlek nhận định Sputnik V là 1 trong 2 loại vaccine có tác dụng phụ nhẹ nhất.

Hoàng Yến