An toàn là yêu cầu hàng đầu khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân

- Thứ Bảy, 07/11/2009, 00:00 - Chia sẻ
ĐBNDO- Hôm nay, 7.11, QH thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là dự án lớn và lần đầu tiên được triển khai xây dựng ở Việt Nam. PV ĐBND đã trao đổi với VIỆN TRƯỞNG (VT) VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM PGS.TS VƯƠNG HỮU TẤN về vấn đề này.

PV: Tại kỳ họp QH lần này, Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được đặt lên bàn nghị sự để QH cho ý kiến. Vậy đâu là lý do để đưa ra quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào thời điểm này, thưa Ông?

VT VƯƠNG HỮU TẤN: Năng lượng điện hạt nhân đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhân loại. Điện hạt nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp điện lực thế giới. Đối với nhiều quốc gia, điện hạt nhân chính là động lực cho quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Tổng công suất lắp đặt của điện hạt nhân là một chỉ số phản ánh thực lực và trình độ tổng hợp về kinh tế, công nghiệp và khoa học kỹ thuật của một quốc gia. Hiện nay, trên 400 tổ máy điện hạt nhân đã được vận hành ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, cung cấp 17% sản lượng điện của toàn thế giới. Hiện có hơn 50 quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã đề nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giúp đỡ xây dựng và thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân.

Ở Việt Nam lý do đầu tiên để xây dựng nhà máy điện hạt nhân là nhu cầu về năng lượng và đã có sự chuẩn bị lâu dài cho chương trình điện hạt nhân đầu tiên với tổng công suất 4.000MW. Dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ đi vào vận hành phát điện thương mại vào năm 2020. Việc trình QH ở thời điểm này là hợp lý, sau khi đã có sự chuẩn bị khá lâu về vấn đề này.

PV: Theo Ông, để Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đem lại hiệu quả cao thì yếu tố cần và đủ ở đây là gì ?

VT VƯƠNG HỮU TẤN: Theo tôi, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần phải quan tâm đến hai yếu tố: an toàn và kinh tế. An toàn phải được đặt trong tất cả các khâu từ lựa chọn địa điểm, thiết kế, cho đến xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa, trong đó các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật, khuôn khổ pháp lý, quản lý và nguồn nhân lực đều phải được quan tâm đầy đủ. Các vấn đề này đã được đặt ra trong Báo cáo đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như trong chiến lược và kế họach tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Còn xét về phương diện kinh tế thì tất cả phải được đặt lên bàn cân để làm sao giá điện hạt nhân phải cạnh tranh được với giá điện từ các nguồn khác. Trong dự án mà chủ đầu tư đã trình thì điện hạt nhân có khả năng cạnh tranh tốt với các loại điện năng từ nhiên liệu nhập khẩu như than, khí, dầu...

PV: Vậy để bảo đảm an toàn khi vận hành nhà máy việc lựa chọn công nghệ nên tính toán theo hướng nào, thưa Ông ?

VT VƯƠNG HỮU TẤN: Hiện nay trên thế giới, ba công nghệ được dùng phổ biến nhất là lò nước sôi, lò nước áp lực và lò nước nặng áp lực, trong đó, có tới 80% nhà máy điện hạt nhân trên thế giới sử dụng công nghệ lò nước sôi và lò nước áp lực. Đa số các lò đang vận hành trên thế giới là lò thế hệ II và một số lò thế hệ III. Hiện nay, phần lớn các lò phản ứng đã đưa vào kế họach xây dựng của các nước là thuộc thế hệ III và III+. Thế hệ III và III+ có ưu thế hơn về an toàn, cụ thể là xác xuất xảy ra sự cố nghiệm trọng làm nóng chảy vùng hoạt của lò phản ứng nhỏ hơn hàng trăm đến hàng ngàn lần so với lò phản ứng thế hệ II và II+, xác xuất để xảy ra sự cố làm rò rỉ phóng xạ ra môi trường gần như bằng không. Lò phản ứng thế hệ III và III+ cũng có ưu thế về sử dụng hiệu quả nhiên liệu hạt nhân. Do vậy, đối với Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nên xem xét lựa chọn lò phản ứng thế hệ III và III+ để vừa có độ an toàn cao và cũng đem lại hiệu quả về kinh tế.
Ngoài ra, việc lựa chọn công nghệ, theo tôi, nên đi theo xu hướng đơn công nghệ nhà máy điện hạt nhân, vì việc lựa chọn đơn công nghệ sẽ đem lại lợi ích lớn trong bảo hành, bảo trì, sửa chữa cũng như đào tạo nhân lực, quản lý về mặt pháp quy. Đi theo một loại công nghệ cũng sẽ giúp Việt Nam giảm giá thành đầu tư khi tận dụng khả năng đàm phán với đối tác cung cấp với một số lượng lớn các tổ máy điện hạt nhân.

PV: Còn về vấn đề quản lý chất thải phóng xạ sẽ được xử lý như thế nào, thưa Ông?

VT VƯƠNG HỮU TẤN: Điện hạt nhân là một ngành năng lượng có trách nhiệm cao đối với xã hội về quản lý chất thải vì mọi chất thải phóng xạ của điện hạt nhân được quản lý và giám sát chặt chẽ, không để phát tán ra môi trường như các loại chất thải của các loại nhiệt điện khác.

Hiện nay, có hai loại chất thải phóng xạ, một là loại thải hoạt độ thấp và trung bình, và loại chất thải hoạt độ cao sống dài. Loại chất thải hoạt độ thấp và trung bình đã được quản lý bằng các công nghệ tiên tiến và được các nước trên thế giới áp dụng và chúng ta cũng sẽ làm như vậy. Chất thải đó cũng đã có tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, chúng được xử lý, đóng gói trong các thùng chứa và lưu trữ tạm thời trong cơ sở hạt nhân - trong lò phản ứng, sau này khi có "nghĩa địa" quốc gia sẽ chuyển ra đó để cất giữ lâu dài. Biện pháp thích hợp là chôn cất trong các kho ở dưới mặt đất ở độ sâu vừa phải, chừng vài ba chục mét trong khoảng thời gian được ước lượng là khoảng 300 năm.

Chất thải phóng xạ hoạt độ cao sống dài thực chất là nhiên liệu đã cháy trong lò phản ứng. Chúng có thể xem là chất thải phóng xạ, nhưng cũng có thể xem là một nguồn nhiên liệu vì trong nó có chứa U-235 chưa cháy hết và Pu-239 tạo ra trong lò phản ứng. Ngoài một số nước áp dụng công nghệ tái chế để thu hồi U-235 và Pu-239, còn lại phần lớn các nước áp dụng biện pháp lưu giữ tạm thời bên trong nhà máy trong thời gian từ 3 năm đến 10 năm tùy theo phương pháp lưu giữ.

Cho tới nay đối với nhiều nước, biện pháp bảo quản các thanh nhiên liệu đã cháy trong bể nước là phương thức duy nhất được chấp nhận và được cấp phép để bảo quản và lưu giữ tạm thời các thanh nhiên liệu đã cháy tại lò phản ứng. Các thanh nhiên liệu đã cháy sau đó sẽ được chuyển tiếp đến lưu giữ tập trung tại khu vực riêng trong khoảng 30 – 50 năm. Theo kinh nghiệm của các nước đã phát triển điện hạt nhân, việc tìm kiếm xây dựng bãi thải chứa chất thải hoạt độ cao dài ngày hay tái xử lý các thanh nhiên liệu đã cháy sẽ đặt ra sau vài chục năm phát triển điện hạt nhân, nên chúng ta còn thời gian để nghiên cứu và lựa chọn giải pháp cho vấn đề này.

PV: Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, trong số các công việc cần chuẩn bị cho chương trình điện hạt nhân thì nguồn nhân lực là một hạ tầng quan trọng, cần phải được quan tâm đi trước một bước. Vấn đề này đến nay đã được tiến hành như thế nào, thưa Ông ?

VT VƯƠNG HỮU TẤN: Để vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 4.000 MW cần khoảng 2.000 người cho tất cả các loại thiết bị công nghệ của nhà máy, trong đó nhân lực trực tiếp liên quan đến lò phản ứng hạt nhân khoảng 10-20%. Còn nhân lực để vận hành các thiết bị công nghệ khác ngoài lò phản ứng thì Việt Nam đã có kinh nghiệm trong vận hành các nhà máy nhiệt điện. Do đó, vấn đề nhân lực quan tâm chỉ là nhân lực hạt nhân trực tiếp vận hành lò phản ứng hạt nhân, quản lý an toàn bức xạ, quản lý chất thải phóng xạ. Tuy nhiên, nhân lực vận hành sẽ được đào tạo thông qua hợp đồng với nhà thầu. Số nhân lực này Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có kế họach chuẩn bị để khi hợp đồng được ký kế sẽ gửi đi đào tạo theo kế hoạch.

Vấn đề cần quan tâm bây giờ là chuẩn bị nhân lực trình độ cao cho các chủ thể khác nhau tham gia trong chương trình điện hạt nhân. Số lượng nhân lực này không nhiều nhưng cần được đào tạo bài bản. Do đó, theo tôi vấn đề ở đây là các chủ thể khác nhau như chủ đầu tư, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và cơ quan nghiên cứu triển khai cần tuyển chọn một số cán bộ có năng lực và sớm gửi đi đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình khác nhau, tuỳ theo vị trí công tác của cán bộ trong chương trình điện hạt nhân để các cán bộ này có thể tham gia ngay vào các công việc của dự án sau khi QH phê duyệt chủ trương đầu tư.

PV: Xin cám ơn Ông! 

Trần Hiếu thực hiện