An sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên

- Thứ Hai, 30/08/2021, 06:59 - Chia sẻ
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến đôn đốc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Được biết, tính đến ngày 26.8, đã có hơn 13,5 triệu người lao động được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.
	Tính đến ngày 26.8, đã có hơn 13,5 triệu người lao động được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 26.8, đã có hơn 13,5 triệu người lao động được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.
Nguồn: ITN

Góp phần tạo dựng niềm tin

Theo chia sẻ của Chánh văn phòng Bộ Lao động, Thương  binh và Xã hội Vũ Xuân Hân, nhiều địa phương đã chủ động sáng tạo và mở rộng các đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai xong gói hỗ trợ đợt 1 và đang triển khai gói hỗ trợ đợt 2, đặc biệt là mô hình "túi an sinh xã hội", bảo đảm người dân có mức sống tối thiểu, không bị thiếu đói. Tỉnh Bình Dương cũng hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động, mở rộng đối tượng người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhiều hình thức hỗ trợ rất sáng tạo được triển khai như ATM gạo, rau, siêu thị 0 đồng, xe hàng 0 đồng, siêu thị hạnh phúc, chuyến xe hạnh phúc, triệu bữa cơm... đã góp phần tương trợ, san sẻ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết ngày 26.8, cả nước có gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động. Hơn 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt; hỗ trợ cho gần 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động được hỗ trợ; gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng...

Đánh giá về việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc triển khai tương đối đồng bộ, khẩn trương và nhiều nơi đạt kết quả tốt. Tất cả những điều này đã tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, giúp người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, thực hiện nghiêm giãn cách "ai ở đâu ở đó". Qua đó, niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc phòng, chống dịch ngày càng tăng.

Phải làm hết trách nhiệm

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, mục tiêu Đảng, Nhà nước đề ra trước hết là làm sao kiềm chế, hạn chế, tiến tới đẩy lùi được dịch bệnh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là huy động toàn xã hội chăm lo cho người nghèo, người yếu thế; bảo đảm cuộc sống không có ai thiếu ăn, thiếu mặc nhưng chính sách nhà nước phải đóng vai trò nòng cốt. Do đó, các địa phương cần quan tâm tới những vấn đề trọng điểm của công tác an sinh xã hội trong thời điểm này như việc làm, đời sống của người lao động. 

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc triển khai các chính sách vẫn còn nhiều hạn chế mà trong đó có một số nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, yêu cầu giãn cách, khó khăn nguồn lực… nhưng cũng có yếu tố chủ quan. Tư tưởng trông chờ, ngại việc, ngại khó, sợ trách nhiệm vẫn hiện hữu ở một số bộ phận cán bộ. Nhiều nơi còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh, cán bộ thực thi còn thờ ơ với công việc... 

“Tại sao có nhiều chính sách rất rõ ràng; thủ tục, điều kiện thông thoáng nhưng vẫn chậm vào cuộc sống? Điều này đòi hỏi chúng ta không được né tránh trách nhiệm và đây là điều rất cần phải suy nghĩ. Tới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường kiểm tra đôn đốc, dự kiến lập 20 đoàn kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn cùng các địa phương. Đồng thời, các địa phương cần chủ động tiếp cận doanh nghiệp như cách làm của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương; chủ động đến tận doanh nghiệp, xem họ vướng mắc ở đâu để cùng tháo gỡ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong nhóm 12 chính sách của Nghị quyết 68, vẫn còn một số chính sách như chi trả, hỗ trợ người lao động ngừng việc chưa được nhiều tỉnh, thành thực hiện. Nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần rà soát ngay kết quả thực hiện 12 chính sách hỗ trợ này, để tìm phương án giải quyết vướng mắc trong thời gian ngắn nhất. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, biểu dương những mô hình, cá nhân thực hiện tốt chính sách trên các phương tiện truyền thông...

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương