Ấn Độ và cuộc khủng hoảng vaccine

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:39 - Chia sẻ
Sau khi xuất khẩu hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 ra nước ngoài, Ấn Độ đột ngột thiếu nguồn cung vaccine do số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng vọt 40 ngày qua, khiến hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng quá tải.
Công nhân đóng gói các hộp vaccine tại Viện Huyết thanh Ấn Độ
Nguồn: The New York Times

Tình hình cấp bách

Hôm 18.4, Ấn Độ xác nhận kỷ lục mới về số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày là 261.500 ca. Quốc gia Nam Á này đang là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới với hơn 15 triệu người mắc kể từ khi dịch bùng phát năm 2020, trong đó gần 176.000 người đã tử vong.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại vùng Thủ đô New Delhi đang diễn biến căng thẳng. Chính quyền thành phố đang chuyển đổi khu tổ hợp thể thao và một cơ sở từng là làng vận động viên của Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung thành bệnh viện dã chiến để điều trị số lượng bệnh nhân tăng nhanh chưa từng thấy. Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal cho biết, theo các kịch bản trước đây, hệ thống y tế thành phố có thể điều trị 100 - 150 ca dương tính SARS-CoV-2 một ngày. Tuy nhiên, con số thực tế ngày 17.4 đã lên tới 24.000 bệnh nhân chỉ trong 24 giờ. Vì thế tình trạng thiếu giường điều trị là tất yếu.

Trước tình hình đó, một loạt biện pháp siết chặt nguồn lực nhằm phục vụ nhu cầu trong nước đã được đưa ra. Chính phủ Ấn Độ ngày 18.4 đã ban hành lệnh cấm sử dụng oxy vào mục đích công nghiệp nhằm huy động tổng lực cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là một trong nhiều biện pháp khẩn cấp của Ấn Độ nhằm giải quyết tình hình dịch Covid-19 đang rất cấp bách.

Bên cạnh đó, không chỉ nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng bằng vaccine sản xuất trong nước, Ấn Độ còn nhanh chóng thay đổi quy định để có thể nhập khẩu vaccine, dù trước đó từng khước từ vaccine ngoại. "Chúng tôi hy vọng và mời các nhà sản xuất vaccine Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và những hãng khác sẵn sàng đến Ấn Độ càng sớm càng tốt", Vinod Kumar Paul, quan chức y tế cấp cao của chính phủ, phát biểu hôm 13.4. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ nhập khẩu vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga từ tháng này để cung cấp cho 125 triệu dân. Tính đến tuần này, Ấn Độ đã sử dụng hơn 108 triệu liều vaccine.

Ảnh hưởng đến thế giới

Tình hình trớ trêu tại "cường quốc vaccine" của thế giới được cho là không chỉ cản trở cuộc chiến chống đại dịch ở nước này, mà còn ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng tại hơn 60 quốc gia thu nhập thấp hơn, chủ yếu thuộc châu Phi, trong vòng nhiều tháng.

Cơ chế Covax, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Vaccine và Tiêm chủng toàn cầu (GAVI), đặt mục tiêu bảo đảm sự tiếp cận vaccine công bằng trên khắp thế giới nhưng lại đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung cấp từ Ấn Độ - nơi được coi là công xưởng dược phẩm của châu Á. Trong tháng 4 này, Ấn Độ mới chỉ xuất khẩu khoảng 1,2 triệu liều vaccine. Đó chỉ là con số nhỏ so với 64 triệu liều đã được chuyển ra nước ngoài từ cuối tháng 1 đến tháng 3.2021, trong đó 10 triệu liều là tặng không cho các quốc gia đối tác.

Một nguồn thạo tin về chiến lược vaccine của Ấn Độ cho biết, những liều vaccine có sẵn hiện nay có thể được sử dụng ở trong nước khi New Delhi đối mặt với “tình huống khẩn cấp”, bởi Ấn Độ “không có cam kết nào với các nước khác”. Bộ Ngoại giao Ấn Độ, phụ trách các thỏa thuận vaccine với nước ngoài, tuần trước cũng cho biết, nhu cầu trong nước có thể làm thay đổi mức độ xuất khẩu vaccine.

Một quan chức y tế của Liên Hợp Quốc liên quan tới việc phân phối vaccine ở châu Phi nói rằng: “Quá phụ thuộc vào một nhà sản xuất là mối lo ngại lớn”. Giám đốc Cơ quan ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi John Nkengasong trước đó nói rằng, việc trì hoãn nguồn cung ứng từ Ấn Độ có thể sẽ là thảm họa. Tình trạng thiếu hụt vaccine ngay lập tức đã được ghi nhận ở một số nước tham gia chương trình Covax, đặc biệt là các nước châu Phi.

Thiếu hụt vaccine do đâu?

Theo các chuyên gia, những sai lầm dẫn đến nguy cơ thiếu vaccine cho thế giới hiện nay bao gồm sự chậm trễ của Ấn Độ và Covax trong việc chốt đơn hàng, thiếu đầu tư vào sản xuất, thiếu nguyên liệu thô và đánh giá thấp nguy cơ Covid-19 bùng phát tại Ấn Độ.

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã cam kết cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cho những quốc gia thu nhập thấp và trung bình, với gần một nửa trong số đó vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, họ lại đối mặt áp lực từ việc đáp ứng nhu cầu của các nước khác như Anh, Canada và Ảrập Xêút, trong bối cảnh sản xuất vaccine của AstraZeneca trên toàn cầu đang gặp phải một số vấn đề.

Trong khi đó, Mỹ cũng áp dụng các biện pháp hạn chế, chỉ cung cấp thiết bị chủ chốt và nguyên liệu thô cho các hãng vaccine trong nước, khiến hoạt động của SII bị sụt giảm, làm chậm mục tiêu nâng sản lượng vaccine hàng tháng từ 70 triệu hiện nay lên 100 triệu liều.

Sự do dự trong việc đặt hàng vaccine của chính phủ Ấn Độ cũng là rào cản lớn đối với năng suất của SII. Theo hai nguồn tin, chính phủ Ấn Độ đã mất nhiều tháng để thảo luận mức giá cuối cùng cho mỗi liều vaccine, chốt đơn hàng đầu tiên khoảng hai tuần sau khi cơ quan quản lý dược phẩm phê duyệt vaccine AstraZeneca. Có thời điểm SII không còn chỗ chứa những liều vaccine đã được sản xuất. “Đây là lý do chúng tôi quyết định không đóng gói quá 50 triệu liều mỗi lần, bởi biết rằng nếu chuẩn bị nhiều hơn, chúng tôi sẽ phải tích trữ trong kho", Giám đốc điều hành SII Adar Poonawalla cho biết hồi tháng 1.

Một nguồn tin tiết lộ, ngay cả bây giờ, Chính phủ Ấn Độ vẫn chỉ mua vaccine từ SII khi có nhu cầu, thay vì thống nhất lịch trình cung cấp vaccine dài hạn hơn. SII còn đề nghị chính phủ hỗ trợ hơn 400 triệu USD để tăng năng suất, nhưng chưa nhận được cam kết nào.

Covax cũng không cho phép giao hàng của SII đến các nước, cho đến khi chúng được WHO "bật đèn xanh" hồi giữa tháng 2. Nguồn tin liên quan tới cơ chế Covax cho biết, sự trì hoãn này khiến SII không thể sản xuất hàng chục triệu liều vaccine trong giai đoạn từ tháng 10.2020 - 2.2021 dù họ hoàn toàn khó khả năng làm điều đó.

Theo thỏa thuận với Ấn Độ, chương trình Covax sẽ mua hơn 1 tỷ liều từ SII và dự kiến nhận được 100 triệu liều vào tháng 5. Tuy nhiên, chương trình tới nay mới nhận được chưa đến 20 triệu liều. Bên cạnh đó, SII còn dự kiến chịu trách nhiệm sản xuất hàng triệu liều vaccine của hãng Novavax cho Covax.

Dù đang tích tực tìm thêm nhà cung cấp, nhưng GAVI cũng thừa nhận rằng, họ vẫn phải dựa vào các nhà sản xuất của Ấn Độ - chiếm tới 60% nguồn cung toàn cầu và bày tỏ hy vọng SII sẽ tiếp tục vận chuyển vaccine cho Covax trong tháng 5. Tuy nhiên, tổ chức này hôm 14.4 thừa nhận cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến quá trình này. "Chúng tôi hiểu mức độ dữ dội của đại dịch ở Ấn Độ hiện nay, nhưng vẫn hy vọng và mong đợi những chuyến hàng sẽ được nối lại sớm nhất có thể", GAVI cho biết.

Ấn Độ ban đầu đặt mục tiêu đến tháng 8 sẽ hoàn thành tiêm chủng cho 300 triệu người có nguy cơ cao nhất, tương đương hơn 20% dân số 1,35 tỷ người của nước này. Tuy nhiên, việc Ấn Độ hiện đã trở thành vùng dịch lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ với 15 triệu ca mắc, khiến chính phủ nước này phải nâng mục tiêu tiêm chủng lên 400 triệu dân và có thể còn mở rộng.

Đạt Quốc