“An cư thì mới lạc nghiệp”

- Thứ Ba, 16/11/2021, 05:25 - Chia sẻ
Để giảm và chấm dứt làn sóng người dân, lao động tự ý di cư từ vùng dịch phức tạp về quê, phải nhanh chóng tiêm phòng cho dân; quan tâm công tác khoanh vùng, dập dịch, chủ động khống chế dịch bệnh; sớm mở lại trường học, nhất là với cấp mẫu giáo và tiểu học. Đặc biệt, cần giải pháp để người lao động “an cư lạc nghiệp”. Chỉ khi có chỗ ở ổn định thì người lao động mới yên tâm, gắn bó lâu dài.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về nhà sau giờ tan ca. Ảnh Lan Mai
Công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về nhà sau giờ tan ca.
Ảnh Lan Mai

Đó là những “hiến kế” của cử tri trước làn sóng người lao động rời TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương - Vấn đề đã được đặt ra, cơ bản làm rõ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội Khóa XV.

Suy xét kỹ trách nhiệm từ hai phía

Theo cử tri Lê Đức Thái, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An: Về phía cử tri chúng tôi nhận thấy vấn đề làn sóng người lao động rời TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, đánh giá về khía cạnh nguyên nhân chủ quan phải suy xét kỹ từ hai phía, trách nhiệm của Nhà nước và của cả người dân.

Cũng như ý kiến của cử tri Thái, nhiều cử tri cho rằng, trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị ở địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn còn có những cá nhân, địa phương, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ngành, lĩnh vực chưa sâu sát, quyết liệt dẫn đến có những lỗ hổng trong công tác phòng, chống dịch dẫn đến xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Kiểm điểm, cách chức nhưng tất cả đã không nhanh bằng sự lây lan và nguy hiểm của dịch bệnh. Sự bất lực của một số mắt xích” trong chỉ huy phòng, chống dịch cùng với yếu tố khách quan như nhiều người lao động là công nhân ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam nơi ở ổn định không có, hầu hết ở nhà thuê, con cái học hành bị ảnh hưởng do dịch bệnh nhà trường đóng cửa… Đặc biệt là lực lượng lao động tự do không biết bấu víu vào đâu; các chính sách hỗ trợ triển khai chậm, nhiều đối tượng chưa thuộc diện được hỗ trợ, ở lại dịch bệnh nguy hiểm.

Một nguyên nhân nữa cũng cần thấy rõ đó là các giải pháp phòng, chống dịch khi bùng phát mạnh mẽ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam được đưa ra cũng có những vấn đề chưa phù hợp, chủ yếu mang tính thích ứng còn để chủ động đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội thì có nơi có thời điểm chưa rõ nét; khi dịch xảy ra trên diện rộng có nơi chính quyền và ngay cả doanh nghiệp cũng lúng túng trong cách ứng phó. Ngay như tại TP. Hồ Chí Minh, từ việc hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng đã có những sự nhầm lẫn, lúng túng.

Về trách nhiệm của công dân, có thể thấy rất rõ phần lớn người dân ý thức rất cao trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch cũng như những khuyến cáo của ngành y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, gây rất nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đó cũng là nguyên nhân không chỉ gây dịch bùng phát mạnh mà còn gây nên những bất ổn trong xã hội, để kẻ xấu lợi dụng, kích động ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị của địa phương, đất nước.

Phải làm cho người dân “an cư”

Theo cử tri Lê Văn Huân, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk: Việc đầu tiên phải làm được đó chính là nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Có thể thấy, những chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam đã đi đúng hướng. Chiến lược vaccine và 5K, cùng với đó là khoanh vùng, dập dịch, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh là những chỉ đạo đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, việc tiêm phòng vaccine ở Việt Nam đã đạt con số ấn tượng (một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao trên thế giới).
Cử tri Huân cho rằng, giải pháp trước mắt và quan trọng nhất để ổn định cuộc sống, giảm và chấm dứt làn sóng người dân, lao động tự ý di cư từ vùng dịch phức tạp về quê đó chính là phải nhanh chóng tiêm phòng cho dân. Tiếp đó là quan tâm công tác khoanh vùng, dập dịch, chủ động khống chế dịch bệnh. Đó cũng là tiền đề để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới - cử tri hiến kế.

  Nhiều cử tri cũng tán thành với giải pháp trong phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng ngày 11.11.2021 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định đó chính là vấn đề cần sớm mở lại trường học, nhất là với cấp mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần công nhân có con nhỏ. Việc mở lại trường học không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết vấn đề lao động.

Một vấn đề nữa cử tri đặc biệt quan tâm đó chính là giải pháp để người lao động “an cư lạc nghiệp”. Sở dĩ có nhiều lao động tự ý bỏ việc về quê giữa bão dịch, phần lớn họ là lao động tự do, không có nhà ở, đang ở trọ, tạm bợ. Để người lao động an cư thì phải có chỗ ở cố định. Vấn đề xây dựng nhà ở xã hội không phải là mới nhưng có lẽ trong giai đoạn hiện nay cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Việc này cần có sự phối hợp giữa chủ doanh nghiệp với chính quyền trong việc chăm lo cho đời sống người lao động. Chỉ khi có chỗ ở ổn định, an cư thì người lao động mới yên tâm, mới lạc nghiệp, gắn bó lâu dài.