Linh hoạt thực hiện “nhiệm vụ kép”

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 21:20 - Chia sẻ
Chia sẻ bên hành lang Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021 Chính phủ trình ra Quốc hội có nhiều điểm nổi bật. Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, tính linh hoạt lại càng được đề cao trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vaccine và phương châm “4 tại chỗ”…

- Đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát với mức độ nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh và diễn biến hết sức phức tạp. Đại biểu đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng, tính linh hoạt cũng như chất lượng điều hành của Chính phủ thời gian qua?

-Thời gian qua Chính phủ vận dụng linh hoạt thông điệp về mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân tin tưởng. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ             
 Ảnh: Quang Đức

Nhờ quyết tâm cao, chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hạn chế được phần nào sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, phát huy được truyền thống yêu nước, tương thân tương ái, đoàn kết hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn, duy trì ổn định và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội. Niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố, tăng cường.

- Có thể khẳng định, dịch bệnh vẫn đang là mối lo lớn nhất hiện nay và việc phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” sẽ vẫn còn nhiều khó khăn?

Trước những đợt bùng phát dịch bệnh, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về “mục tiêu kép” theo tôi là rất sát sao và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã áp dụng phù hợp và tạo được sự chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, dự báo dịch bệnh còn có thể kéo dài và được dự báo ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, chính vì vậy, thực hiện mục tiêu kép không có nghĩa là hai mục tiêu có sự ưu tiên ngang nhau, mà linh hoạt mới là phù hợp nhất. Như thông tin cả nước đón nhận hàng ngày mấy hôm nay, rõ ràng phòng chống dịch vẫn nên là ưu tiên số 1. Khi dịch bệnh được kiểm soát và người dân có khả năng miễn dịch cộng đồng khi đó phát triển kinh tế mới có thể bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tận dụng những cơ hội thúc đẩy sản xuất kinh doanh, những nơi nào đủ điều kiện an toàn sản xuất kinh doanh vẫn nên được đẩy mạnh.

- Trong bối cảnh khó khăn như vậy, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng 3,82% trong 6 tháng đầu năm. Và thực tế lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

-Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,64%, dù chưa đạt được chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, nhưng cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2020 (1,82%) là kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tăng trưởng nông nghiệp đạt mức 3,82% tăng lần lượt 0,48% và 0,36% so với các kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và kịch bản tại thời điểm quý I.2021. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt mức 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; so với cùng kỳ năm 2020 ngành nông nghiệp tăng 3,96%. Vì vậy, tôi cho rằng, nhận định đó là hoàn toàn chính xác, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 như hiện tại, thời gian tới chúng ta nên tập trung đầu tư và khai thác lợi thế của ngành nông nghiệp.

Sức khỏe, sự an toàn của nhân dân, của xã hội là tài sản lớn nhất
Sức khỏe, sự an toàn của nhân dân, của xã hội là tài sản lớn nhất                Ảnh: LÊ TÙNG

Cách đây không lâu, nhiều ý kiến lo lắng cho xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam nhưng trên thực tế thì cả năm 2020 và đầu năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp diễn ra tương đối thuận lợi. Điều này biểu hiện ở việc nhiều mặt hàng nông sản đạt giá trị "tỷ đô" và vào được chuỗi cung ứng của các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, Australia, châu Âu, Mỹ… Nhiều mặt hàng được đánh giá cao như vải thiều, xoài, nhãn, vú sữa…

Điều đáng mừng hơn là chúng ta đã thiết lập được chuỗi giá trị từ khâu thu hoạch, đóng gói và vận chuyển đến thị trường muốn tiêu thụ. Ví dụ mặt hàng vải thiều của một số địa phương ở phía Bắc, để có được vụ vải thành công như vừa qua, Bộ NN - PTNT và Bộ Công thương đã vào cuộc rất nhanh, phối hợp với tỉnh, huyện, xã, nắm bắt rõ nhu cầu từ địa phương, kịp thời giải quyết các nhu cầu đó. Đặc biệt trong mùa dịch, chúng ta vẫn đưa thương nhân nước ngoài đến được vùng vải để tiếp cận nguồn hàng, vừa thúc đẩy bán hàng vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Theo tôi, thời gian tới cần tập trung và có kế sách cho lĩnh vực nông nghiệp, sẵn sàng cho việc giải quyết sinh kế, việc làm cho người dân chịu tác động do đại dịch Covid – 19. Hay như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là cần phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhà nước và các thành phần kinh tế cần đầu tư để vừa tăng gia sản xuất, vừa tạo dự trữ về hàng hóa thiết yếu, vừa giải quyết được sinh kế, việc làm cho người dân, làm bệ đỡ cho nền kinh tế, bù đắp cho một số ngành đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid – 19.

Xin cám ơn đại biểu!

Nam Anh