Bên cạnh dầu mỏ, Trung Quốc quan tâm tới hướng đi mới với Trung Đông

- Thứ Tư, 01/02/2023, 18:36 - Chia sẻ

Cho đến nay, thương mại dầu mỏ vẫn là mối quan tâm lớn nhất của Trung Quốc đối với Trung Đông. Nhưng sự háo hức gần đây của Trung Quốc trong việc đầu tư vào công nghệ, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng đang mở ra những chiều hướng hợp tác mới cho mối quan hệ nhiều tiềm năng này.

Từng bước mở rộng lĩnh vực hợp tác

Trong những năm qua, các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) luôn đứng đầu trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong bối cảnh nước này đặc biệt tăng cường an ninh năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với các quốc gia vùng Vịnh. Gần đây, Trung Quốc cũng quan tâm hơn đến xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển viễn thông, vốn là những lĩnh vực quan trọng đối với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc. Bằng cách đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực quan trọng ở các nước GCC, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của một số quốc gia vùng Vịnh. Trong tương lai gần, Bắc Kinh hy vọng sẽ mở rộng sự hiện diện hiện có với các nước trong khu vực, đặc biệt là sau khi ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này bị thu hẹp đáng kể.

Nhờ cách tiếp cận lấy kinh tế làm trung tâm của Bắc Kinh, khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và các nước vùng Vịnh đã tăng vọt trong những năm qua. Bắc Kinh đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của khu vực và là đối tác thương mại hàng đầu của các nước GCC, với con số lên tới 330 tỷ USD vào năm 2021. Bắc Kinh đã thay thế Washington trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Đông vào năm 2010.

Bên cạnh đó, một đặc điểm khiến Trung Quốc nổi bật so với các đối tác đói năng lượng khác. Không giống như thái độ phân cực của Hoa Kỳ trong khu vực, Bắc Kinh đã có thể thiết lập quan hệ ngoại giao suôn sẻ với nhiều quốc gia Trung Đông bằng cách tập trung vào sự hiểu biết đôi bên cùng có lợi và thái độ không can thiệp.

Mối quan hệ ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc với các nước vùng Vịnh cũng đã tạo ra những cơ hội mới cho các nền kinh tế dựa vào dầu mỏ trong khu vực. Đại đa số các quốc gia GCC phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ nhưng lại có tham vọng loại bỏ nền kinh tế của họ khỏi nhiên liệu hóa thạch. Bằng cách hợp tác với Bắc Kinh, các nước GCC có thể đa dạng hóa nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, các nước Ảrập mong muốn mở rộng hợp tác với Trung Quốc về chuyển giao công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh đó, đầu tư hiện tại của Trung Quốc vào khu vực dự kiến ​​sẽ còn tăng hơn nữa. Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào Trung Đông đã giảm trong vài năm qua, nhưng tổng đầu tư vào các quốc gia MENA (Trung Đông và Bắc Phi) đã đạt 213,9 tỷ USD từ năm 2005 đến năm 2021. Ảrập Xêút là nước nhận đầu tư lớn nhất của Trung Quốc trong số các quốc gia MENA, nhận 43,47 tỷ USD từ năm 2005 đến năm 2021.

Tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc ở Trung Đông thay đổi đáng kể nếu xét về mặt đa dạng hóa kinh tế. Ví dụ, trong 15 năm qua, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Ảrập Xêút đã được phân bổ rộng rãi vào công nghệ, năng lượng tái tạo và hạt nhân, tài chính, hậu cần, sản xuất vũ khí và truyền thông. Tính đa dạng hóa kinh tế như vậy mang lại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều đòn bẩy hơn để thúc đẩy quan hệ với Trung Đông.

Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước vùng Vịnh dự kiến ​​sẽ chuyển sang một giai đoạn mới sau hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Ảrập đầu tiên được tổ chức vào ngày 9.12.2022 tại Riyadh. Tại hội nghị này, quan hệ giữa Trung Quốc và Ảrập Xêút đã được nâng lên một tầm cao mới trong cả lĩnh vực chính trị và kinh tế. Hội nghị tập trung vào xây dựng năng lực và hành động tập thể, trong đó an ninh năng lượng, hạt nhân và năng lượng mới là những chủ đề được quan tâm hàng đầu. Hội nghị thượng đỉnh cũng nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng lương thực và biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 12.2022 - Tân Hoa Xã.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 12.2022. Ảnh: Tân Hoa Xã

Mối quan hệ cùng thắng

Mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra “Báo cáo về hợp tác Trung Quốc - Ảrập trong kỷ nguyên mới”, trong đó nhấn mạnh mối quan tâm của Trung Quốc đối với việc thúc đẩy sự phát triển chung và quan hệ đối tác cùng có lợi cho cả Trung Quốc và các nước GCC.

Báo cáo cũng nhấn mạnh chi tiết về mối quan hệ hợp tác của Trung Quốc với Trung Đông trong thập kỷ tới trong các lĩnh vực chính như nông nghiệp, đầu tư, tài chính và các ngành công nghệ cao. Cho dù Bắc Kinh có những động cơ thầm kín ở Trung Đông hay không, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Ảrập sẽ chuyển đổi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các quốc gia vùng Vịnh, mở ra những chiều hướng hợp tác mới trong mối quan hệ kinh tế của họ.

Những diễn biến gần đây giữa Trung Quốc và các nước vùng Vịnh cho thấy Bắc Kinh rất quyết tâm củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với thế giới Ảrập và mở rộng quan hệ kinh tế với các cường quốc khu vực ở Trung Đông. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đánh bật ảnh hưởng đã bén rễ lâu đời của Washington trong khu vực. Tuy nhiên, tình trạng bất đồng gần đây giữa các nhà lãnh đạo Ảrập Xêút và Tổng thống Mỹ Joe Biden về quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ càng thúc đẩy các nước GCC tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc để cân bằng lại ảnh hưởng của Washington trong khu vực.

Quốc Đạt