Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ

Củng cố hợp tác kinh tế và an ninh

- Thứ Ba, 24/05/2022, 06:00 - Chia sẻ

Ông Joe Biden vừa có chuyến thăm chính thức Nhật Bản trong 3 ngày trên cương vị Tổng thống Mỹ và có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Nhật hoàng Naruhito,  tiếp đó là Thủ tướng Fumio Kishida trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa họ, trong đó cả hai nhấn mạnh các quyết tâm trong nhiều vấn đề quan tâm chung.

Sáng kiến kinh tế mới

Theo Kyodo News, chuyến thăm Nhật Bản của ông chủ Nhà Trắng bắt đầu từ hôm 21.5 diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn và Trung Quốc theo đuổi nhiều chính sách quyết đoán ở khu vực. Thực tế, Trung Quốc và Triều Tiên đang là những vấn đề an ninh hàng đầu của cả Washington lẫn Tokyo.

Theo lịch trình, 23.5, Tổng thống Mỹ Biden gặp Nhật hoàng Naruhito tại Cung điện Hoàng gia trước khi họp với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Cùng ngày, ông chủ Nhà Trắng công bố một sáng kiến ​​lớn mới của Mỹ đối với thương mại khu vực, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) vì sự thịnh vượng và sẽ công bố sáng kiến kinh tế chính đầu tiên của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tăng hợp tác với các đối tác về các vấn đề chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn cho kinh tế số và cơ sở hạ tầng…

Cũng trong ngày 23.5, ngoài hợp tác nghiên cứu phát triển và sản xuất chất bán dẫn, Nhật Bản còn công bố tham gia vào khuôn khổ, trong đó sẽ đề cập đến các lĩnh vực hợp tác chính như thương mại, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn cho kinh tế số, cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch.

Tuy nhiên, việc tham gia của Tokyo vào IPEF sẽ không thay đổi quan điểm tiếp tục tìm cách Washington quay trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết. Tuy nhiên, Washington đã loại trừ việc quay lại và chắc chắn chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn tại Quốc hội Mỹ nếu họ cố gắng tham gia trở lại.

Năm 2017, Tổng thống Donald Trump khi ấy đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận, được gọi là Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào thời điểm đó, khiến Tokyo cảm thấy buồn lòng. Nhật Bản kể từ đó luôn tìm cách thuyết phục Mỹ tham gia trở lại.

Được Nhà Trắng thúc đẩy mạnh mẽ, IPEF được thiết kế để tạo ra một phạm vi kinh tế trong khu vực đang ngày càng bị Trung Quốc chi phối, với Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Singapore và Philippines là một trong những thành viên tiềm năng khác. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình nhận định, biện pháp này sẽ bị nhiều người trong khu vực coi là điểm dừng đáng thất vọng.

Sau đó, ngày 24.5, Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Kishida sẽ cùng các lãnh đạo trong nhóm Bộ tứ là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nhà lãnh đạo mới của Australia Anthony Albanese tham dự cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp lần hai. Bốn nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine cũng như các cách thức thúc đẩy một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”.

Giới chức Nhật hy vọng, các sự kiện sẽ giúp xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa ông Biden và ông Kishida. Lần gần nhất ông Biden thăm Nhật Bản là năm 2013, với tư cách Phó Tổng thống Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama.

Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Mối quan tâm an ninh

Tại Hội nghị Thượng đỉnh đang diễn ra, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ sử dụng các kế hoạch thúc đẩy chi tiêu quốc phòng và lập trường công khai thậm chí cứng rắn hơn đối với Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản và “đối thủ cạnh tranh chiến lược” duy nhất của Washington - như một cách thúc đẩy Tổng thống Biden nhận thức rõ ràng hơn và giải quyết các mối quan ngại của Tokyo.

Kế hoạch của Thủ tướng Nhật Bản được đưa ra sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào cuối tháng trước khuyến nghị Chính phủ tăng ngân sách quốc phòng của đất nước lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 5 năm trong bối cảnh “môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng”. Sự gia tăng ngân sách nhanh chóng và quy mô lớn như vậy sẽ đặt Nhật Bản ngang bằng với mục tiêu chi tiêu quốc phòng của các nước NATO, và đóng vai trò như một sự kiềm chế tiềm năng đối với Trung Quốc.

Theo truyền thông địa phương, tại cuộc gặp, Thủ tướng Kishida nói với Tổng thống Biden rằng ông dự định thúc đẩy đề xuất này. Đồng thời, ông cũng trình bày ngắn gọn về việc Nhật Bản có được “khả năng phản công”, vốn là khuyến nghị khác của LDP nhằm cải thiện khả năng răn đe của các đồng minh.

Hai đồng minh truyền thống còn dự kiến đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Phía Mỹ cũng sẽ nhấn mạnh việc duy trì cam kết kiên định trong việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm việc thông qua chính sách “răn đe mở rộng” - ám chỉ chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ các đồng minh của mình.

Nhiều người ở Tokyo ngày càng coi bất kỳ nỗ lực cứng rắn nào của Trung Quốc về Đài Loan - nơi chỉ cách đảo Yonaguni của Okinawa 110km - là trường hợp khẩn cấp đối với Nhật Bản. Đáp lại, Washington và Tokyo có khả năng tăng cường tuyên bố chung với ngôn từ chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc hơn, bao gồm cả hoạt động gần Okinawa và Đài Loan. Tuyên bố chung gần nhất của các nhà lãnh đạo hai bên, được Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Yoshihide Suga đưa ra vào tháng 4 năm ngoái, lần đầu tiên chỉ rõ những lo ngại về Đài Loan kể từ năm 1969. Chắc chắn, việc sử dụng ngôn ngữ mạnh hơn hiện nay sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Hôm đầu tuần, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng chỉ trích chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng nó được thiết kế “nhằm chia rẽ, kích động đối đầu và phá hoại hòa bình”. Theo ông, chiến lược này cuối cùng sẽ thất bại.

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ nhấn mạnh, sự hợp tác giữa các quốc gia chia sẻ “các giá trị phổ quát” đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực. Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo chung với tân Tổng thống Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm Hàn Quốc cuối tuần trước, ông Biden khẳng định các đồng minh phải làm sâu sắc hơn mối quan hệ của mình. 

Mỹ và Nhật Bản cũng thảo luận về việc chia sẻ mục tiêu và chiến lược an ninh của họ nhằm nỗ lực đối phó với các mối đe dọa tốt hơn. Nhật Bản sẽ sửa đổi Chiến lược An ninh quốc gia và hai văn kiện quan trọng khác của Chính phủ vào cuối năm nay, củng cố chính sách an ninh và ngoại giao của đất nước mặt trời mọc trước mắt.

Ngoài mối quan tâm tới Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản còn thảo luận về Triều Tiên. Theo Washington, Bình Nhưỡng vẫn sẵn sàng tiến hành vụ phóng tên lửa tầm xa, thử hạt nhân hoặc cả hai. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng họ sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào xảy ra.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết hôm Chủ nhật: “Nếu Triều Tiên hành động, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp trả. Nếu Triều Tiên không hành động, như chúng tôi đã nói nhiều lần, Triều Tiên có cơ hội bắt đầu đàm phán”. Dẫu vậy trên thực tế, mặc dù chính quyền Washington cho biết sẵn sàng mở cánh cửa ngoại giao với Bình Nhưỡng, nhưng những lời kêu gọi này vẫn chưa được Triều Tiên đáp lại.

Trong trường hợp không có bất kỳ cuộc đàm phán nào, Tokyo và Washington sẽ tiếp tục tăng các biện pháp trừng phạt, răn đe và đẩy mạnh thêm hợp tác ba bên với Seoul. Cả Thủ tướng Kishida và Tổng thống Biden dự kiến sẽ nhắc lại lời kêu gọi phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên trong bối cảnh nước này tiếp tục hàng loạt vụ thử vũ khí nhiều kỷ lục trong năm nay.

Ngọc Minh