Thanh tra, kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng

Tập trung những vấn đề cử tri quan tâm

- Chủ Nhật, 31/07/2022, 06:40 - Chia sẻ

Hoạt động thanh tra, kiểm toán thời gian qua đã phát hiện nhiều vi phạm trong các lĩnh vực, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Song số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được chuyển sang cơ quan điều tra còn ít, hiệu quả phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, viện kiểm sát chưa cao...

Ít kiến nghị xử lý hình sự

Năm 2021, qua triển khai hơn 6.700 cuộc thanh tra hành chính và hơn 188.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.925 tập thể và 4.286 cá nhân, ban hành 120.054 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4.103 tỷ đồng.

Còn theo tổng hợp sơ bộ đến 30.9.2021 đối với 96 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật không còn phù hợp. Ngoài ra, cơ quan này đã cung cấp 160 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các Đoàn ĐBQH, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Theo các chuyên gia, tuy được chú trọng và đạt những kết quả đáng ghi nhận như trên, nhưng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động thanh tra, kiểm toán chưa bao quát hết những ngành, lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, mới tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công và hệ thống ngân hàng thương mại. Hoạt động thanh tra, kiểm toán đột xuất hầu như chỉ được thực hiện khi vụ việc tham nhũng đã diễn ra nghiêm trọng trong một thời gian dài, dẫn đến việc khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn.

Điều đáng lưu ý là mặc dù qua thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm nhưng chủ yếu là xử lý hành chính, kỷ luật, số vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra và kiến nghị xử lý hình sự còn ít, chưa tương xứng với tính chất, mức độ tham nhũng hiện nay. Đơn cử trong năm 2020 Kiểm toán Nhà nước chuyển 5 vụ việc, 9 tháng đầu năm 2021 chỉ chuyển 1 vụ sang cơ quan cảnh sát điều tra. Năm 2021 ngành thanh tra chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 245 vụ, 182 đối tượng trên tổng số gần 195.000 cuộc thanh tra các loại.

Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hà Thanh, nêu nguyên nhân là do quy trình, chuẩn mực và phương pháp kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu. Mặt khác, tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước có chức năng riêng là kiểm tra tài chính quốc gia nên đội ngũ nhân lực ngoài chuyên ngành kiểm toán chưa được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, dẫn đến hạn chế trong nhận biết, phát hiện các dấu hiệu, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp.

Trong khi đó, việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát nhìn chung còn hạn chế. Hiện chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc thông báo cho các cơ quan chức năng nói chung, Kiểm toán Nhà nước nói riêng về kết quả điều tra, xử lý vụ việc.

Thanh tra, kiểm toán những vấn đề nóng, nổi cộm
Thanh tra, kiểm toán những vấn đề nóng, nổi cộm
Nguồn: ITN

Mở rộng lĩnh vực thanh tra, kiểm toán

Hiện, cơ chế phối hợp hiện tại giữa cơ quan thanh tra, điều tra đã cho phép cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án tham nhũng đối với các vụ việc đã tiến hành thanh tra nhưng cơ quan thanh tra không kiến nghị khởi tố. Song cơ quan điều tra lại gặp một số khó khăn khi tìm hiểu nội dung, thông tin về các vụ việc và các biện pháp mà cơ quan thanh tra đã thực hiện, ngoài trường hợp có đơn thư tố cáo về vụ việc thanh tra.

Ngược lại, có trường hợp vụ việc đã được cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố, song do tình tiết phức tạp nên cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định khởi tố, cá biệt có trường hợp kéo dài nhiều năm, dẫn đến sự tham gia của cơ quan thanh tra vào quá trình xem xét, xử lý bị hạn chế. Trong đa số trường hợp, các cơ quan thanh tra chưa thực hiện quyền yêu cầu cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát cấp trên xem xét vụ việc khi cơ quan điều tra cùng cấp quyết định không khởi tố vụ án.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, thực tế này cho thấy, cần quan tâm hoàn thiện cơ chế phối hợp xử lý giữa cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra, viện kiểm sát cũng như có các cơ chế bảo đảm thực thi hữu hiệu hơn. Đồng thời, có cơ chế chia sẻ, xử lý thông tin về tội phạm tham nhũng giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, viện kiểm sát bảo đảm bí mật, kịp thời, tránh bị động, chậm trễ cho công tác điều tra, xử lý.

Cùng quan điểm, một số ý kiến đề xuất, để tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, bên cạnh những lĩnh vực phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng đã diễn ra nhiều năm qua như quản lý, sử dụng tài chính công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu thì cần tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức và triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để tổ chức các hoạt động từ thiện…

Anh Dũng