Đầu tư dự án PPP

Doanh nghiệp tư nhân không mặn mà

- Chủ Nhật, 17/07/2022, 06:34 - Chia sẻ

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 được kỳ vọng tạo ra cú hích huy động vốn từ khu vực tư nhân vào các dự án hạ tầng, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, gần một năm rưỡi triển khai, các dự án PPP vẫn chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.

Doanh thu giảm so với dự kiến

Hiện, dư nợ của các dự án PPP giao thông khoảng 114 nghìn tỷ chiếm hơn 1% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tính đến cuối năm 2021 nợ xấu dự án PPP giao thông là 7,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ, tăng nhanh so với mức 5,7% giữa năm 2020 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao. Rủi ro tín dụng cao, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các chính sách quản lý rủi ro thanh khoản theo hướng siết chặt.

Nguồn VCCI

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được ban hành là cơ sở cho việc góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư, khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP dài hạn, nhiều rủi ro, quy mô lớn phát triển cơ sở hạ tầng một cách bền vững, lâu dài. Đây cũng là một bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư PPP tại Việt Nam. Đối với mô hình này, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao. Như vậy, nhà nước và người dân sẽ cùng nhận được những ưu thế từ mô hình hợp tác này.

Tuy nhiên, theo thống kê, tính đến nay có 3 dự án PPP chuẩn bị đầu tư (trong đó có 2 dự án dừng triển khai từ năm 2017); 12 dự án chưa chọn được nhà đầu tư (những dự án này hiện không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc đàm phán hợp đồng thất bại); 5 dự án đang triển khai xây dựng; 51 dự án đang vận hành khai thác; 1 dự án đã kết thúc hợp đồng.

Đại diện Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một số dự án trong giai đoạn chuẩn bị và lựa chọn nhà đầu tư phải chuyển từ PPP sang đầu tư công mặc dù Nhà nước đã đưa ra rất nhiều phương án hấp dẫn nhưng hiện vẫn không thể thu hút được các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, đối với các dự án PPP đã và đang triển khai, thời gian xây dựng tương đối nhanh, chất lượng công trình tốt, song doanh thu của các dự án giảm so với dự kiến. Cụ thể, 49 dự án có doanh thu thấp hơn dự kiến; 4 dự án chưa được thu phí hoặc phải dừng thu một trạm; có dự án chỉ thu được 13 - 15% dự toán, rất thấp; mức doanh thu trung bình chỉ khoảng 50 - 80% dự toán.

Giám đốc điều hành Văn phòng luật sư NH Quang & Cộng sự, Luật sư Nguyễn Hưng Quang nêu ví dụ, Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư 18.000 tỷ, trong năm 2021 ghi nhận doanh thu 5,3 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế đến 63,7 tỷ đồng, dự kiến doanh thu năm 2022 khoảng 76,1 tỷ đồng. Vậy làm thế nào để thu hút được các nhà đầu tư tư nhân? 

Các doanh nghiệp có năng lực không còn hào hứng với các dự án PPP (nguồn: INT)

Chưa có cơ chế bảo vệ đặc thù

Mặc dù, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã xây dựng một khuôn khổ pháp lý tương đối cho việc triển khai các dự án PPP, nhưng qua thời gian ngắn triển khai cho thấy nhiều quy định đã bộc lộ những hạn chế. Hiện, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều quy định chưa cụ thể, đầy đủ, rõ ràng và phù hợp khi lĩnh vực đầu tư dự án PPP xuất hiện nhiều nhóm quan hệ xã hội khác nhau về tính chất, quy mô, từ đó đã và đang gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng dự án.

Chánh Văn phòng PPP, Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Linh Giang nhận định, bên cạnh chính sách, còn nhiều vấn đề cần khắc phục để triển khai dự án PPP có hiệu quả. Đầu tiên, là thể chế, môi trường đầu tư, chính sách pháp luật và năng lực thực thi. Một trong những yếu tố quan trọng đó là tính khả thi nội tại của dự án. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng.

Cố vấn Pháp lý, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, PGS.TS. Dương Đặng Huệ cũng cho rằng, việc nhà nước chưa làm rõ cơ chế bảo vệ đặc thù đối với quyền kinh doanh công trình của các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các nhà đầu tư tư nhân e ngại khi tham gia vào các dự án PPP. Đơn cử, thời gian vừa qua đã có không ít hành vi cản trở việc lưu thông qua các trạm thu phí như dừng xe cản trở giao thông dù không có lý do chính đáng, thanh toán bằng tiền lẻ để kéo dài thời gian dừng xe, cử người ngồi đếm xe ở trạm thu phí… Đồng thời, hiện chưa xác định được quyền của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đối với tài sản là công trình dự án. Đây được xem là một bước lùi trong hoạt động lập pháp, ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Nguyễn Ngân