Sổ tay:

Điểm mặt nêu tên

- Thứ Ba, 19/04/2022, 05:28 - Chia sẻ
Với tốc độ phát triển thương mại điện tử mạnh mẽ hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với cơ quan chức năng là quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, nhất là khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỷ đồng, trong đó số thu từ một số tập đoàn lớn như Facebook được 521 tỷ đồng; Google 490 tỷ đồng; Microsoft 164 tỷ đồng. Riêng số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube, Apple... tính đến hết tháng 10.2021 là 498 tỷ đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế, các cá nhân trong nước nhận tiền trực tiếp từ Google, Facebook... thì phải có nghĩa vụ tự khai thuế. Nếu các đối tượng liên quan không chịu kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân, thì sẽ bị phạt gấp 1 - 3 lần số thuế phải đóng. Ngoài ra, các cá nhân trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí khi trốn nộp số thuế lớn có thể truy tố hình sự.

Ngoài các chế tài nêu trên, để góp phần chống thất thu thuế theo quy định, ngân hàng thương mại và các tổ chức thực hiện trung gian thanh toán có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mà không có cơ sở thường trú và không chủ động thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Vậy, nhưng quá trình triển khai cũng khiến không ít ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lúng túng. Bởi, có hàng nghìn lý do các bên đưa ra khi thực hiện lệnh chuyển tiền. Hơn nữa, chủ thể kinh doanh thương mại điện tử cố tình gian lận thuế khi sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch càng trở nên khó khăn.

Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2146/QĐ-BTC phê duyệt đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Đây được coi là động thái nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Thực hiện quyết định này, Tổng cục Thuế đã xây dựng đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế để triển khai thực hiện từ năm 2025 nhằm tăng cường, mở rộng chức năng cho ngành thuế. Theo đó, ngành thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các tổ chức nước ngoài; doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tuyến; doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng dụng; điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán, ứng dụng trung gian vận chuyển...

Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngành thuế cần xây dựng các công cụ phần mềm chuyên dụng trong tìm kiếm dấu vết, phát hiện và xử lý giao dịch thương mại điện tử có gian lận, vi phạm thuế; dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử trên thị trường, thu thuế, thông báo nghĩa vụ thuế với người dân; đồng thời điểm mặt chỉ tên các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm các quy định về thuế.

Phạm Hải