Cần thiết hoàn thiện pháp luật về quản lý địa giới hành chính

- Thứ Sáu, 15/07/2022, 06:17 - Chia sẻ

Thời gian qua, việc chia tách, sáp nhập, điều chỉnh, thành lập mới đơn vị hành chính các cấp được thực hiện tương đối nhiều, cùng với đó là việc tổ chức phân chia, cắm mốc, lập hồ sơ địa giới hành chính. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về quản lý địa giới hành chính ban hành khá lâu đã bộc lộ nhiều bất cập nhưng chưa được rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Chưa theo kịp thực tiễn

So với các lĩnh vực khác, số lượng các văn bản liên quan đến địa giới hành chính không nhiều, chủ yếu là quy định về chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trong từng giai đoạn phát triển và tình hình thực tế tại các địa phương. Những quy định này phần lớn nằm rải rác trong các văn bản dưới luật. Đơn cử, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch chỉ quy định những nguyên tắc trong thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính. Còn những quy định cụ thể, trực tiếp liên quan đến thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính lại chủ yếu ở Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, một số văn bản đã ban hành khá lâu, nhiều nội dung không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như Quyết định số 64B ngày 12.9.1981 của Hội đồng Bộ trưởng về điều chỉnh địa giới hành chính đối với những huyện, xã có địa giới chưa hợp lý; Chỉ thị số 364-CT ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã; Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 16.9.1994 của Chính phủ về quy định quản lý, sử dụng hồ sơ, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp…

Hiện, các địa phương đang triển khai thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 2.5.2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” nhằm giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp do lịch sử để lại và những phát sinh mới từ những sai sót trong quá trình lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp thực hiện theo Chỉ thị số 364. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp về kỹ thuật nhằm hoàn thiện hồ sơ địa giới hành chính các cấp, không chứa các nội dung về quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Quyết định số 513 quy định nguồn kinh phí triển khai thực hiện dự án tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là do ngân sách địa phương bảo đảm, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ những địa phương khó khăn, không tự cân đối được. Song nhiều địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách mà vẫn chờ đợi kinh phí hỗ trợ từ trung ương, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Hoàn thiện quy hoạch tổng thể

Theo ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, việc tổ chức đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm lịch sử truyền thống và các đặc trưng vùng miền, khả năng quản lý của các cấp chính quyền là yêu cầu thiết yếu để từng chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả. Vì vậy, cần rà soát tổng thể địa giới hành chính các cấp, đặc biệt là các đô thị để xác định mức độ hợp lý trong việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính thời gian qua, tránh tình trạng quy hoạch đô thị ở các địa phương không dựa trên Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”, ban hành văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng, cập nhật dữ liệu về địa giới hành chính làm cơ sở cho các hoạt động thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính thời gian tới theo hướng khoa học, hệ thống.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đến năm 2030 các đơn vị hành chính trong cả nước cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” tại Nghị quyết số 37-NQ/TW đóng vai trò tiền đề để gắn sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp để kịp thời có phương án, kế hoạch sắp xếp ổn định, lâu dài, gắn bó mật thiết với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, việc hoàn thiện pháp luật về quản lý địa giới hành chính các cấp cần phải tính đến các yếu tố đổi mới về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, giảm bớt thủ tục xây dựng ở các cấp chính quyền, thể hiện rõ nét hơn sự tham gia của người dân thông qua các quy định về lấy ý kiến Nhân dân về đề án xác lập, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh. Đồng thời, cần gắn chặt với cải cách hành chính, đặc biệt là tập trung xây dựng Chính phủ điện tử ở các cấp chính quyền địa phương.

Hải Vân