Xử lý rác thải của bệnh nhân F0 điều trị tại nhà

Quản lý lỏng lẻo, tăng nguy cơ lây nhiễm

- Thứ Bảy, 12/03/2022, 04:06 - Chia sẻ
Hiện nay, với tình hình số ca nhiễm Covid-19 ngày một tăng cao, các địa phương trên cả nước đã cho phép những ca mắc F0 không triệu chứng cách ly và điều trị tại nhà. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người mắc Covid-19 điều trị tại nhà cần phân loại rác thải y tế, xử lý đồ dùng để tránh nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay số lượng ca F0 điều trị tại nhà tăng nhanh thì công tác này đang bị lơ là, chủ quan.

Khi quy định bị xem nhẹ

Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã ban hành phương án 01/PA-UBND quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh từ điểm cách ly; quản lý, theo dõi khám và chữa bệnh tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 với những quy định rất cụ thể, chi tiết. Theo đó, tất cả các loại rác thải phát sinh của người nhiễm Covid-19 phải được coi là chất lây nhiễm. Chất thải phải được thu gom vào túi đựng lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi rồi cho tiếp vào một túi thứ hai và sau đó tất cả các túi đều phải được dán nhãn “Chất thải có nguy cơ lây nhiễm Sars-Cov-2”. Quy định là thế nhưng thực tế việc thực hiện của người dân lại không như vậy.

Rác thải sinh hoạt và rác thải F0 được tập kết chung, nhưng không được phân loại
Ảnh: Thái Yến

Hộ gia đình chị Hoàng Thị Lâm tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội đang có người F0 điều trị tại nhà. Theo chị Lâm, hàng ngày chị thu gom vào một túi, buộc lại sau đó để ở khu tập kết rác của thôn để nhân viên thu gom rác đến lấy. “Khi tôi chuyển ra thì rác được chuyển lên thùng xe cùng với rác sinh hoạt khác, tôi không biết là nhân viên thu gom có phân loại rác thải của F0 hay không”, chị Lâm băn khoăn. 

Tương tự, chị Cao Thị Thủy ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội cho biết, nhà tôi hiện có người mắc F0 đang điều trị tại nhà, hàng ngày tôi vẫn mang rác ra để ở vị trí quy định để nhân viên vệ sinh môi trường thu gom. Còn việc hướng dẫn thu gom và xử lý rác của F0 thì hiện nay gia đình tôi chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể.

Ở các khu chung cư thì quy trình thu gom, xử lý cũng không khá hơn. Tại khu chung cư Thăng Long Victory (Hoài Đức, TP. Hà Nội), gia đình chị Trương Thị Hồng Nhung cho biết, gia đình chị hiện đều bị F0 và cũng đang được cách ly điều trị tại nhà. Để hạn chế lây lan dịch bệnh, chị Nhung đã tham khảo trên mạng về cách xử lý rác thải của bệnh nhân F0 là phải có túi đựng riêng, nhưng hiện cả tòa nhà của chỉ có một đường ống chung để bỏ rác sinh hoạt và không có khu dành riêng cho rác thải của bệnh nhân F0, vì vậy tôi cũng không biết xử lý thế nào cho đúng quy định.

Tính đến ngày 1.3, cả nước có hơn 920.000 ca F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà. Với số lượng ngày càng tăng khi số ca mắc mới liên tục lập đỉnh, rác thải của các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà nếu không được xử lý đúng quy định thì có thể trở thành nguồn lây nhiễm bệnh. 

Nguy cơ lây lan dịch bệnh 

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy, bác sĩ Nguyễn Hải Yến cho rằng, mặc dù đã có quy định chung về xử lý rác thải của bệnh nhân F0 nhưng công tác thực hiện ở mỗi địa phương lại không giống nhau. Nhiều người được hỏi thì cho biết là không được hướng dẫn cách phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng của bệnh nhân F0 như thế nào trong suốt thời gian qua. Những rác thải của người F0 điều trị tại nhà nếu không được quản lý, xử lý đúng quy định có thể sẽ trở thành nguồn lây nhiễm cộng đồng rất cao.

Hơn nữa, khi số lượng rác thải của bệnh nhân F0 phát sinh lớn, các công ty môi trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn như không đủ nhân lực để thu gom rác thải; công tác phân loại rác thải chưa được triệt để dẫn tới số lượng rác phát sinh nhiều. 

Đáng quan tâm, hiện không khó để bắt gặp tình trạng nhân viên môi trường không đồ bảo hộ, không có xe chuyên dụng khi thu gom rác thải. Nhân viên môi trường trên địa bàn tổ dân phố số 2, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Lâm cho biết, trước kia trong thời gian thành phố cách ly tập trung thì tôi còn được mặc quần áo bảo hộ. Bây giờ bệnh nhân F0 cách ly ở nhà, số rác thải ít hơn nên cũng không có quần áo bảo hộ nữa. 

Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), chi nhánh Hoàn Kiếm Nguyễn Hữu Chiến cho biết, đơn vị đang bảo vệ môi trường sinh thái cho 16/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và bình quân mỗi ngày xử lý hơn 6.000 tấn rác thải. Song, trước tình trạng số lượng F0 ngày càng tăng và không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác xử lý rác thải của các gia đình có người bệnh F0 đang điều trị tại nhà nên cần phải có những giải pháp quyết liệt để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ với công nhân nói riêng và góp phần làm hạn chế dịch bệnh lây lan nói chung.

Như vậy, mặc dù đã có quy định cụ thể, chi tiết nhưng hiện nay, do số người mắc F0 tăng lên nhiều và cùng với việc chủ quan trong việc xử lý rác thải càng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời thì đây chính là một nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.

Thái Yến - Nguyễn Ngân