Bộ Công an tổ chức Hội thảo về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

- Thứ Hai, 14/03/2022, 16:51 - Chia sẻ
Chiều 14.3, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bằng hình thức trực tiếp ở điểm cầu Hà Nội, kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng chủ trì Hội thảo.

Cùng dự có: đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật; đại diện Ủy ban Dân tộc; cùng nhiều tướng lĩnh, sỹ quan QĐND, CAND, các chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực pháp luật; đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan; các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an...

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình hiện nay; trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xuất phát từ tình hình thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở nước ta trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương và chỉ đạo xây dựng 2 dự án luật liên quan đến giao thông đường bộ, bao gồm: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, thực tiễn cho thấy, số vụ tai nạn giao thông diễn ra trên tuyến giao thông đường bộ đã giảm nhưng chưa bền vững; các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hai nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho cả gia đình và xã hội. Phạm tội trên tuyến giao thông và nhiều loại tội phạm khác đang được các đối tượng khai thác, sử dụng gây thách thức không nhỏ đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ… Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thì vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp luật góp phần bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia; phòng, chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, sự phúc đáp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Quang cảnh Hội thảo 

Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các đại biểu tập trung luận giải, làm rõ những vấn đề thuộc về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, giao thông “động” trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Phân tích, đánh giá thực trạng tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam và sự tác động, ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng, sức khỏe đối với người tham gia giao thông. Phân tích đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới về xây dựng, ban hành Luật…

Tại Hội thảo, các đại biểu phân tích, làm sâu sắc luận cứ khoa học, thực tiễn cho việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên lĩnh vực giao thông đường bộ; là sự cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Hoàn thiện cơ sở pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự nói chung và trật tự, an toàn xã hội trên lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta trong tình hình hiện nay, mà còn là thể hiện trách nhiệm quốc gia trong thực thi các điều ước quốc tế mà sự Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội 

Có ý kiến phân tích, làm sâu sắc luận cứ thực tiễn phản ánh sự cần thiết và cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Nhiều tham luận đã đánh giá thực tiễn trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở một số địa phương cũng như yêu cầu khách quan thực tiễn đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp luật về lĩnh vực này, trong đó đề xuất xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

T. Thành