Vấn đề bản quyền vaccine trong cuộc chiến chống Covid-19

Đâu là chìa khóa?

- Chủ Nhật, 06/06/2021, 08:27 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên khắp thế giới, việc tiêm phòng vaccine trên quy mô toàn cầu được kỳ vọng là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn đại dịch. Sau một loạt câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc vaccine, sự bất bình đẳng giàu nghèo ngăn cản tiếp cận vaccine, các nhà lãnh đạo thế giới, G7, và nhiều tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã lên tiếng kêu gọi bãi bỏ bản quyền sáng chế vaccine nhằm tạo điều kiện cho đẩy mạnh sản xuất, cung ứng những phiên bản vaccine giá rẻ và cho rằng đây là chìa khóa trong dịch ở giai đoạn vaccine.

Bất bình đẳng vaccine

Dù đã cảnh báo nhiều lần nhưng thế giới tiếp tục chứng kiến tình trạng các nước nghèo bị bỏ lại sau trong cuộc đua tiêm chủng vaccine. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala tuyên bố, sẽ là “phi đạo đức” khi chỉ có 1,1/100 người dân châu Phi được tiêm vaccine trong khi ở Bắc Mỹ, tỷ lệ này là 40/100. Gần đây, nhiều tổ chức đã kêu gọi các nước giàu chia sẻ số lượng vaccine chưa dùng đến cho các nước nghèo và được một số nước như Tây Ban Nha hưởng ứng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Giới chuyên gia cho rằng, giải pháp mấu chốt phải là mở rộng sản xuất và chia sẻ bản quyền vaccine.

Quan điểm này được đưa ra giữa lúc WTO đang thảo luận về việc tạm miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine nhằm thúc đẩy hoạt động cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển.

Vì sao bản quyền đang là trở ngại lớn nhất?

Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan tới thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ được các quốc gia thành viên ký kết ngày 15.4.1994 và có hiệu lực từ ngày 1.1.1995. Theo đó, trong lĩnh vực sáng chế, TRIPS yêu cầu các quốc gia thành viên phải dành sự bảo hộ và thực thi quyền đối với sáng chế trong tất cả các lĩnh vực công nghệ, trong đó có lĩnh vực dược phẩm.

Bằng sáng chế vaccine được tạo ra nhằm ngăn chặn các đối thủ sao chép thành quả của một hãng dược và tung ra sản phẩm tương tự. Do đó, các phòng thí nghiệm nghiên cứu ra vaccine phòng Covid-19 đã bảo vệ bí mật thương mại của họ để ngăn chặn việc sao chép bất hợp pháp.

Đến nay, nhiều nhà máy sản xuất vaccine tại các nước đang phát triển, cũng như Chính phủ của họ đã yêu cầu các hãng dược phẩm lớn nắm giữ bản quyền vaccine Covid-19 chia sẻ bí quyết kỹ thuật để họ có thể sản xuất vaccine giá rẻ hơn phục vụ cho những nước nghèo kiềm chế đại dịch, nhưng đến nay chưa có hãng dược phẩm nào đồng ý.

Theo đó, tại Nam Phi, nhà máy Biovac cho biết, họ đã mất nhiều tuần đàm phán với một nhà sản xuất giấu tên và vẫn không có được hợp đồng. Ở Đan Mạch, nhà máy Bắc Âu ở Bavaria có năng lực dự phòng và khả năng sản xuất hơn 200 triệu liều nhưng cũng đang chờ tin từ nhà sản xuất vaccine Covid-19 để được cấp phép.

Ông Abdul Muktadir, chủ sở hữu nhà máy Incepta từng sản xuất vaccine ngừa viêm gan, cúm, viêm màng não, bệnh dại, uốn ván và sởi ở Bangladesh cho biết, nếu việc bỏ bản quyền vaccine có thể được thực hiện trong một sớm một chiều, mọi châu lục sẽ có hàng chục công ty có thể sản xuất những loại vaccine này.

Theo chuyên gia Davinder Gill - cựu Giám đốc phụ trách thuốc sinh học của Pfizer, việc bỏ bản quyền vaccine là điều quan trọng nhất. ông Gill nói với trang Business Standard rằng: “Nếu bỏ bản quyền vaccine, Ấn Độ sẽ làm rất tốt. Ấn Độ có khả năng, kinh nghiệm sản xuất thuốc và vaccine. Nếu không chuyển giao công nghệ, có thể sẽ lâu hơn, các công ty Ấn Độ có thể phát triển được”.

Nguồn: ITN

Dỡ bỏ bằng sáng chế, điều đó có nghĩa là gì?

Yêu cầu dỡ bỏ bằng sáng chế vaccine không phải là mới. Từ ngày 2.10 năm ngoái, Ấn Độ và Nam Phi đã đưa ra yêu cầu theo hướng này với WTO song không thành công. Lập luận rằng: “Nhiều báo cáo cho thấy quyền sở hữu trí tuệ cản trở hoặc có nguy cơ cản trở việc cung cấp kịp thời các sản phẩm y tế với giá phải chăng cho bệnh nhân”, hai nước này đề nghị dỡ bỏ rào cản về sở hữu trí tuệ cho đến khi “công tác tiêm chủng được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu và phần lớn dân số thế giới đều đã miễn dịch”. Thực tế, vào thời điểm đó, Washington cũng đã phản đối yêu cầu mà Ấn Độ và Nam Phi đưa ra trước WTO.

Tiếp đó đến ngày 11.3, WTO lại tổ chức cuộc thảo luận và có khoảng 100 quốc gia thành viên WTO ủng hộ nhưng cuối cùng đàm phán vẫn thất bại vì các nước Bắc bán cầu không muốn chia sẻ.

Giữa tháng 4 vừa qua, một số nhà khoa học đạt giải Nobel và các cựu nguyên thủ quốc gia đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thư ngỏ với khoảng 170 chữ ký đánh giá từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 là “bước quan trọng và cần thiết để chấm dứt đại dịch”. Và nước Mỹ đã có pha “lội ngược dòng” đầy bất ngờ khi ngày 5.5 tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ miễn áp dụng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho vaccine ngừa Covid-19. Đề xuất này của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm quốc gia và các tổ chức phi chính phủ lớn hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền hoặc chống đói nghèo, cũng như nhiều người đoạt giải Nobel và các nguyên thủ quốc gia.

Còn nhớ một tiền lệ trước đây, vào cuối những năm 1990, thuốc kháng virus đã tạo bước ngoặt trong điều trị HIV/AIDS nhưng giá thuốc nằm ngoài tầm của đại đa số bệnh nhân. Năm 2003, một thỏa thuận tạm thời (được xác nhận vào cuối năm 2005) đã cho phép miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ, từ đó các nước nghèo có thể nhập khẩu thuốc generic.

Cũng như vậy trong một cuộc phỏng vấn năm 1955 với đài truyền hình Mỹ CBS, Jonas Salk, nhà phát minh ra vaccine bại liệt đầu tiên trên thế giới, đã được hỏi ai là người sở hữu bằng sáng chế cho những mũi vaccine cứu mạng con người. “Vâng, mọi người, tôi sẽ nói là không có bằng sáng chế nào hết. Các bạn có cấp bằng sáng chế cho Mặt trời không?", ông đáp. Thời điểm đó, Salk được ghi nhận là người đã cứu sống hàng triệu trẻ em. Một phần là nhờ không ghi bản quyền vaccine.

Đạt Quốc