Phần Lan: Rừng là tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất

- Chủ Nhật, 30/05/2021, 08:04 - Chia sẻ
Mục tiêu của Hiệp hội Công nghiệp Lâm nghiệp Phần Lan là bảo đảm cho đất nước Bắc Âu này cung cấp một môi trường hoạt động cạnh tranh và sáng tạo cho sản xuất, việc làm và đầu tư vào ngành lâm nghiệp.

Bảo đảm rừng được tái sinh

Phần Lan là một trong những quốc gia có nhiều rừng nhất trên thế giới. Ba phần tư diện tích đất nước được bao phủ bởi rừng. Rừng có thể dễ dàng tiếp cận với tất cả mọi người và chúng tạo thành một cảnh quan đẹp thay đổi theo mùa.

Ở nước này, rừng mang lại cơ hội việc làm và thu nhập cho chủ rừng, công nhân rừng, nhân viên nhà máy giấy, tài xế xe tải và những người làm công việc với các sản phẩm gỗ. Hầu hết các khu rừng được sử dụng để trồng gỗ. Tuy nhiên, chỉ có một số loài cây là có giá trị kinh tế. Chúng cung cấp nguyên liệu thô cho sản xuất giấy hoặc xưởng cưa. Nhiều loài không có giá trị kinh tế nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Ví dụ, chúng cung cấp thức ăn hoặc nhà cho chim và côn trùng. Khoảng 10% rừng được bảo vệ hợp pháp. Những khu bảo tồn này được sử dụng để giải trí, nghiên cứu và duy trì đa dạng sinh học.

Chính phủ Phần Lan sở hữu 25% diện tích rừng của nước này. Các công ty, nhà thờ và các tổ chức khác sở hữu 14%. Và các công dân (tư nhân) sở hữu 61% diện tích rừng còn lại. Những người này sử dụng rừng để kiếm sống bằng cách bán gỗ hoặc để giải trí.

Rừng là một phần quan trọng của lịch sử và di sản văn hóa Phần Lan. Cứ hai người dân thì có một người sống cách khu rừng chưa đầy một dặm nơi có thể hái quả hoặc nấm. Chính vì vậy, người dân nước này đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý rừng bền vững vì tầm quan trọng và sự cần thiết của rừng trong cuộc sống của họ. Họ chăm sóc rừng bằng cách sử dụng các phương pháp sao chép vòng đời tự nhiên của cây. Khi cây già được khai thác, cây con sẽ được trồng thay thế. Một số khu rừng tái sinh tự nhiên khi cây trưởng thành gieo hạt cây mới. Một số khác được gieo hoặc trồng.

Vào thế kỷ XIX, luật về rừng đầu tiên được Chính phủ Phần Lan thông qua vào năm 1886, trong đó có điều luật cấm phá rừng. Ngày nay, quyền sở hữu rừng được pháp luật bảo vệ và chứng nhận tự nguyện. Các chủ rừng phải bảo đảm sau khi khai thác thì một khu rừng mới sẽ được trồng thay thế ngay. Hầu hết các khu rừng thương mại trong cả nước đều được chứng nhận PEFC (Chương trình tiêu chuẩn chứng nhận rừng) và tiêu chuẩn FSC (Hội đồng quản lý rừng) với tỷ lệ tương ứng mỗi loại là 90% và 6%. Chứng nhận xác lập tiêu chuẩn về lâm sinh và giúp nâng cao sự đa dạng sinh học rừng của Phần Lan. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Lâm nghiệp Phần Lan năm 2016, diện tích rừng được bảo vệ ở Phần Lan đã tăng gấp 3 lần trong suốt 35 năm qua.

Việc sử dụng gỗ từ các nguồn được chứng nhận giúp các công ty bảo đảm tất cả gỗ đều được khai thác một cách hợp pháp và có thể truy nguyên lại môi trường tự nhiên của chúng, ngăn chặn việc xuất, nhập gỗ, bột giấy bất hợp pháp. Đối với mỗi cây được thu hoạch sẽ có 4 cây con mới được trồng thay thế.

Nguồn: ITN

Quan tâm hoàn thiện pháp luật về rừng

Đầu năm 2014, một gói các luật mới về rừng có hiệu lực, là kết quả của quá trình cải cách toàn diện nhất trong nhiều thập kỷ. Gói này bao gồm các sửa đổi đối với Luật Lâm nghiệp và Luật Hiệp hội quản lý rừng, Luật mới về phòng chống thiệt hại rừng, Luật về thị trường gỗ và sản phẩm gỗ, và nhiều phần của Luật Đo lường gỗ.

Những sửa đổi đối với Luật Lâm nghiệp tăng quyền tự do lựa chọn của chủ rừng trong việc quản lý tài sản rừng của chính họ, cải thiện lợi nhuận của lâm nghiệp và điều kiện hoạt động của ngành sản xuất gỗ, cũng như nâng cao tính đa dạng sinh học của rừng. Một mục tiêu quan trọng trong cải cách là quy định ít chi tiết hơn về việc xử lý rừng và làm rõ luật. Những thay đổi quan trọng nhất gồm: việc cho phép các lâm phần có độ tuổi không đồng đều, xóa bỏ giới hạn tuổi và đường kính trong tái sinh, đa dạng hơn các loài cây và gia tăng các môi trường sống đặc biệt quan trọng. Theo sửa đổi mới, thông báo về việc thành lập các vườn cây giống không bị đòi hỏi và việc giám sát được nhắm mục tiêu vào kết quả tái sinh, trong đó các giới hạn tối thiểu mới đã được quy định.

Trong khi đó, những sửa đổi đối với Luật về Hiệp hội quản lý rừng cho phép chủ rừng tự do lựa chọn hơn trong việc giám sát lợi ích của họ và mua các dịch vụ rừng, cũng như cải thiện khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của lâm nghiệp và các ngành liên quan. Luật có hiệu lực toàn bộ vào năm 2015, nhưng phí quản lý rừng (giống như thuế) không được thu bắt đầu từ năm 2014. Hiện tại, các hiệp hội quản lý rừng sẽ tài trợ cho các hoạt động của mình bằng phí hội viên thu được từ các chủ rừng và lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của họ. Các hạn chế đối với các hoạt động kinh doanh này đã được bãi bỏ, có nghĩa là các hiệp hội quản lý rừng được phép sản xuất các dịch vụ lâm nghiệp và thương mại gỗ cho các thành viên của họ.

Còn mục đích của Luật Phòng chống thiệt hại rừng là để bảo đảm sức khỏe rừng bằng cách ngăn chặn các thiệt hại do côn trùng gây ra. Những thay đổi đáng kể nhất của luật này liên quan đến việc loại bỏ sớm hơn gỗ vân sam ở miền Nam Phần Lan, đưa ra các quy định về gỗ đốt làm năng lượng, thời hạn đưa các gốc cây ra khỏi rừng và định nghĩa về gỗ bị hư hại phải được đưa ra khỏi rừng. Luật đơn giản hóa việc quản lý bằng cách thay thế hầu hết quyền kiểm soát tại hiện trường bằng việc tự giám sát của người vận hành.

Luật Đo lường gỗ có hiệu lực vào ngày 1.7.2013, nhưng các quy định mới liên quan đến đo lường gỗ đốt làm năng lượng bao gồm một giai đoạn chuyển tiếp cho đến cuối năm. Tương tự như với các loại gỗ khác, các quy định mới bảo đảm độ tin cậy của các phương pháp đo lường khác nhau.

Luật về thị trường gỗ và các sản phẩm từ gỗ thực hiện Quy định về gỗ số 995/2010 của EU tại Phần Lan. Mục đích là nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của gỗ sản xuất bất hợp pháp vào thị trường nước này. Cơ quan Các vấn đề nông thôn Phần Lan, với tư cách là cơ quan có thẩm quyền, giám sát việc vận chuyển gỗ xuất nhập khẩu cùng với Hải quan và tính hợp pháp của gỗ được sản xuất tại Phần Lan cùng với Trung tâm Lâm nghiệp Phần Lan.

Ngoài những luật kể trên, hệ thống pháp luật liên quan đến lâm nghiệp của Phần Lan còn có Luật về Viện Nghiên cứu rừng, Luật về Trung tâm Lâm nghiệp, Luật về rừng thuộc sở hữu chung. Luật Bảo tồn thiên nhiên… cùng nhiều văn bản pháp lý khác như Nghị định của Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp về kinh doanh vật tư tái tạo rừng; Nghị định về tài trợ cho lâm nghiệp bền vững; Nghị định của Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp về căn cứ thu phí quản lý rừng năm 2012…

Linh Anh