Pháp luật một số nước về chống lãng phí thực phẩm

Dự thảo Luật Chống lãng phí thực phẩm của Trung Quốc: Xây dựng văn hóa tiêu dùng thực phẩm

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 08:40 - Chia sẻ
Trong bối cảnh an ninh lương thực đang bị đe dọa bởi những bất ổn về sản xuất, mua bán lương thực trên toàn thế giới do đại dịch Covid-19 hay thiên tai gây ra, Trung Quốc, nơi có số dân đông nhất thế giới, rất dễ bị tổn thương nếu không đẩy mạnh các biện pháp đối phó. Chính vì vậy, ngày 23.12.2020, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã xem xét dự thảo luật về chống lãng phí thực phẩm nhằm xây dựng nền văn hóa ăn uống lành mạnh cũng như thiết lập một cơ chế lâu dài để ngăn chặn lãng phí, bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định cho 1,4 tỷ dân.

Từ chiến dịch “Đĩa sạch”

Một cuộc điều tra năm 2018 của Viện Nghiên cứu Địa lý và Tài nguyên Quốc gia và Quỹ Thiên nhiên toàn cầu ước tính người tiêu dùng Trung Quốc tại các thành phố lớn đã lãng phí 17 tới 18 triệu tấn thực phẩm trong năm 2015. Đây là lượng thực phẩm đủ nuôi sống 30 - 50 triệu người trong một năm.

Hồi tháng 8.2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi sự lãng phí thực phẩm của Trung Quốc là vấn đề “gây sốc và đáng lo ngại”, đồng thời cho biết nước này cần cảnh giác trước cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tiềm ẩn. Nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu, “phải nuôi dưỡng thói quen tiết kiệm, vun đắp một môi trường xã hội trong đó lãng phí là xấu hổ và tiết kiệm là đáng khen ngợi”.

Hồi đầu năm, Chính phủ Trung Quốc  đã công bố tái khởi động chương trình tiết kiệm thực phẩm, không để thức ăn thừa có tên “Clean Plate 2.0” (Đĩa sạch phiên bản 2.0). Chương trình bắt đầu trong giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các thiên tai liên tục xảy ra. Chương trình Đĩa sạch xuất hiện lần đầu năm 2013 với mục đích giảm chi tiêu xa hoa cho các buổi tiệc không cần thiết, được đánh giá là sáng kiến có tác động tích cực cho xã hội và môi trường.

Chiến dịch “Clear Your Plate” (Hãy ăn sạch đĩa của bạn) cũng được phát động  trên toàn quốc,  thu hút sự chú ý trên toàn quốc, cả trực tuyến và ngoại tuyến. Cư dân mạng chia sẻ hình ảnh và video về những chiếc đĩa trống sau khi ăn xong trên các nền tảng mạng xã hội, nơi chống lãng phí thực phẩm là một trong những chủ đề nóng nhất. Các áp phích và khẩu hiệu chống lãng phí thực phẩm được treo trên tường của nhiều nhà hàng, trường học... Theo truyền thống, người Trung Quốc thường đãi khách rất nhiều thức ăn để bày tỏ sự hào phóng. Nhưng sự hào phóng đó khiến Trung Quốc phải vứt bỏ mỗi năm từ 17 - 18 triệu tấn thực phẩm - đủ để nuôi sống 30 - 50 triệu người mỗi năm, theo một nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Quỹ Đời sống hoang dã thế giới.

Để thiết lập cơ chế lâu dài nhằm ngăn chặn lãng phí thực phẩm, các nhà làm luật đưa các chính sách và biện pháp mang tính xây dựng mà đất nước đã áp dụng trong những năm qua vào dự thảo Luật Chống lãng phí thực phẩm gồm 32 điều. Ngày 23.12.2020, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần đầu tiên xem xét dự thảo này, mà theo các đại biểu Quốc hội, nó có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy lối sống lành mạnh, hợp lý, xanh và hành vi tiêu dùng tốt hơn. Đây cũng là  điều cần thiết để đẩy nhanh quá trình xây dựng một xã hội bảo tồn tài nguyên và thân thiện với môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội bền vững.

Nguồn: EPA

Đến dự thảo Luật Chống lãng phí thực phẩm

Nhiệm vụ của Chính phủ, Dự thảo luật nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ liên quan đến việc chống lãng phí thực phẩm. Theo đó, chính quyền các cấp cần lãnh đạo chống lãng phí thực phẩm, cải thiện cơ chế làm việc, đặt ra mục tiêu và tăng cường giám sát lẫn quản lý. Chính quyền địa phương trên cấp quận nên cập nhật cho công chúng về những phát triển trong công tác chống lãng phí thực phẩm của mình hàng năm và đề xuất các biện pháp đẩy mạnh công việc. Chính quyền cũng nên hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ khoa học sẽ giúp bảo tồn lương thực.

Theo dự thảo luật, Trung Quốc sẽ thực thi các chính sách thuế tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm. Bên cạnh đó, một số cơ quan của Chính phủ sẽ được quy trách nhiệm từ việc lập kế hoạch tổng thể đến đến thắt chặt quản lý và giám sát ngành công nghiệp ăn uống.

Nhiệm vụ của các ngành, Dự thảo luật yêu cầu các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công phải thắt chặt quản lý các tiệc chiêu đãi sử dụng công quỹ. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống nên áp dụng biện pháp giảm thiểu lãng phí thực phẩm, chẳng hạn như cải thiện hệ thống quản lý thu mua, bảo quản và chế biến thực phẩm. Dự thảo cho biết, họ nên dán áp phích nhắc nhở người tiêu dùng hạn chế đặt hàng thực phẩm quá mức, đồng thời có thể tính phí nếu người tiêu dùng lãng phí thực phẩm rõ ràng.

Dự thảo còn kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống sử dụng công nghệ. Ví dụ, dữ liệu lớn sẽ phân tích nhu cầu của người tiêu dùng, giúp cải thiện việc quản lý mua, vận chuyển và lưu trữ thực phẩm. Các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến cũng cần hiển thị lời nhắc nhở trên trang đặt đồ ăn của mình, còn các đại lý du lịch chịu trách nhiệm hướng dẫn du khách tiết kiệm đồ ăn.

Các cá nhân chỉ nên phục vụ hoặc ăn lượng thức ăn thích hợp trong đám cưới, đám tang, bữa tiệc và các sự kiện khác, cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Các hiệp hội ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống cần xây dựng các tiêu chuẩn và quy tắc chống lãng phí cho các thành viên. Các trường học nên giáo dục học sinh về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, dự thảo nêu rõ.

Ngoài ra, dự thảo quy định, các cơ quan truyền thông tin tức phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc ngăn ngừa lãng phí thực phẩm, cấm sản xuất, phát sóng hoặc truyền bá các chương trình hoặc video clip về ăn uống vô độ.

Cơ chế giám sát, xử phạt, Dự thảo chỉ rõ, chính quyền các cấp và các ban ngành liên quan cần thiết lập cơ chế giám sát và kiểm tra để chống lãng phí thực phẩm. Nó kêu gọi những người lãng phí thực phẩm sửa chữa những hành vi sai trái của họ. Tất cả các đơn vị và cá nhân có quyền khiếu nại với các cơ quan chức năng đối với những cơ sở sản xuất thực phẩm bị phát hiện có thực phẩm lãng phí.

Các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống lôi kéo hoặc đánh lừa người tiêu dùng đặt thực phẩm quá mức dẫn đến lãng phí rõ ràng sẽ bị cơ quan quản lý thị trường cảnh báo. Theo dự thảo, ai từ chối cải tạo sẽ bị phạt. Các đài phát thanh, đài truyền hình và nhà cung cấp dịch vụ âm thanh-video trực tuyến sản xuất, phát hành hoặc truyền bá nội dung ủng hộ thói háu ăn cũng sẽ bị phạt nếu từ chối sửa chữa hoặc vi phạm nghiêm trọng. Các cơ quan quản lý có thể tạm dừng hoặc đóng cửa các dịch vụ của họ.

Được biết, ngoài dự thảo Luật Chống lãng phí thực phẩm, dự thảo Luật An ninh lương thực cũng đang được Trung Quốc tăng tốc xây dựng để trình Quốc hội trong năm nay.

Thái Anh