Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ Ba

- Thứ Hai, 09/05/2022, 00:57 - Chia sẻ

Phiên họp tập trung vào các nội dung: Thẩm tra Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi); Tờ trình của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 66...

Ngày 8.5, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN - MT) đã tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ Ba xoay quanh các nội dung: Thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN - MT Lê Quang Huy chủ trì phiên họp. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN - MT Lê Quang Huy cho biết: Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được thẩm tra sơ bộ tại Phiên họp Thường trực Ủy ban KH, CN - MT mở rộng và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 10. Để Ủy ban KH, CN - MT có đầy đủ cơ sở, thông tin xây dựng và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba, đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực phát biểu, thảo luận tập trung vào những vấn đề chính sách, những vấn đề lớn như: Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế; về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; về bổ sung quy định trong kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện; việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp đặc biệt.

Theo dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban KH, CN - MT tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gửi hồ sơ dự án Luật tới cơ quan thẩm tra của Quốc hội chưa bảo đảm đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với vấn đề “Nâng cao hiệu quả khai thác các tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp đặc biệt” chưa có đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến của một số bộ, ngành có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vềtính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, đề nghị cơ quan trình dự án Luật phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các quy định được sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật để phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan...

t1-2.png -0
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp
 Ảnh: Trọng Hiếu

Tham gia ý kiến về dự án Luật này, một số đại biểu cho rằng: Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện chính sách ưu tiên theo quy định của Luật năm 2009 để làm sao đó thực sự bao trùm hết theo phạm vi của luật quy định là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với việc áp dụng phương thức cấp phép thông qua đấu giá, đề nghị Chính phủ khi quy định chi tiết thi hành Luật, cần xác định cụ thể việc đấu giá đối với các băng tần có đối tượng ưu tiên cần phải được bảo đảm quyền lợi theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, trong các cam kết triển khai mạng viễn thông của đối tượng được cấp giấy phép phải xác định rõ nội dung này, xem đây là điều khoản bắt buộc thực hiện. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, mở rộng đối tượng được thi tuyển nêu tại điểm b khoản 3 Điều 18 (sửa đổi) nhằm thu hút các nhà đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương này…

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về việc đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn và vướng mắc của Dự án đường Hồ Chí Minh; đồng thời, kiến nghị, đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đối với dự án. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về phạm vi và nguồn vốn đốivới đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến để nối thông toàn tuyến theo đúng tinh thần Nghị quyết 66 của Quốc hội; cho ý kiến về các nội dung cần thiết về Dự án đường Hồ Chí Minh cần được thể hiện trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội sắp tới…

TRỌNG HIẾU