Tiểu ban Pháp luật về dân sự của Ủy ban Pháp luật họp phiên thứ nhất

- Thứ Tư, 15/06/2022, 17:26 - Chia sẻ

Chiều 15.6, tại Nhà Quốc hội, Tiểu ban Pháp luật về dân sự của Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Phiên họp lần thứ nhất, trao đổi, thống nhất về kế hoạch hoạt động trong thời gian tới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban Trần Hồng Nguyên chủ trì Phiên họp.

Tại Phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Tiểu ban Pháp luật về dân sự Hoàng Minh Hiếu cho biết, ngày 30.3.2022, Ủy ban Pháp luật đã thông qua Nghị quyết số 658/NQUBPL15 về việc thành lập các Tiểu ban của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong đó có Tiểu ban pháp luật về dân sự. 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban về dân sự Trần Hồng Nguyên phát biểu
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban về dân sự Trần Hồng Nguyên phát biểu

Về nhiệm vụ, Tiểu ban Pháp luật về dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề liên quan đến pháp luật về dân sự, giao dịch bảo đảm; đăng ký giao dịch bảo đảm; đấu giá tài sản; tổ hợp tác; nuôi con nuôi; quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhà ở; quốc tịch; công chứng, chứng thực; sở hữu trí tuệ, cư trú; hải quan; biển; tiếp cận thông tin; văn thư, lưu trữ kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật và hoạt động giám sát.

Thời gian tới, Tiểu ban tập trung tham mưu, giúp Ủy ban Pháp luật thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, về lập pháp, Tiểu ban có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Pháp luật thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực pháp luật về dân sự. Đối với hoạt động giám sát, trên cơ sở Nghị quyết về Chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật hằng năm, Tiểu ban có trách nhiệm nghiên cứu tham mưu, giúp Ủy ban Pháp luật định kỳ thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật phụ trách theo kỳ giám sát (ngày 1.7 năm trước đến ngày 30.6 năm tiếp theo). Tiểu ban cũng sẽ nghiên cứu tham mưu, giúp Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về “Việc thực hiện quy định của pháp luật về đơn giản hóa thủ tục hành chính, hạn chế yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính” (dự kiến tổ chức vào tháng 9.2022)... 

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Bộ phận Thường trực Tiểu ban có trách nhiệm cung cấp tài liệu, dự kiến thời gian tổ chức các hoạt động và thông báo kịp thời đến các thành viên của Tiểu ban. Thành viên Tiểu ban chủ động nghiên cứu, tham gia ý kiến trực tiếp tại cuộc họp hoặc gửi ý kiến khi không tham dự được cuộc họp của Tiểu ban; đồng thời, quan tâm bố trí thời gian tham gia các hoạt động khảo sát, hội thảo, tọa đàm do Tiểu ban tổ chức. Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên của Tiểu ban tập trung đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng hoạt động của Tiểu ban; nâng cao chất lượng thẩm định của các đại biểu Quốc hội đối với các dự án luật; thời gian hoạt động của Tiểu ban để triển khai các kế hoạch đặt ra…

Thành viên Tiểu ban Pháp luật về dân sự của Ủy ban Pháp luật chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Tiểu ban Trần Hồng Nguyên ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các thành viên để hoạt động của Tiểu ban đi vào nề nếp và hiệu quả. Các ý kiến tại phiên họp sẽ được tổng hợp để triển khai hoạt động trong thời gian tới được chất lượng và hiệu quả nhất.

Tin và ảnh: Hồ Long
#