Hội nghị triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội:

Tạo sự thống nhất, đồng thuận trong triển khai chương trình giám sát của Quốc hội

- Thứ Ba, 27/09/2022, 09:48 - Chia sẻ

Phát biểu của ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG khai mạc Hội nghị triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội

Tạo sự thống nhất, đồng thuận trong triển khai chương trình giám sát của Quốc hội -0
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tiền đề quan trọng cho việc triển khai các nội dung giám sát trong năm 2023

Thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, để triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2023, hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị triển khai toàn quốc tại hội trường Diên Hồng kết nối trực tuyến với 49 điểm cầu tại địa phương.

Tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay là tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt. Cùng với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát cũng như cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát.

Để chuẩn bị cho Hội nghị hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị và trực tiếp có buổi làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trao đổi kỹ lưỡng, thống nhất trước một bước về công tác chuẩn bị nội dung cũng như công tác đảm bảo phục vụ Hội nghị. Vì vậy, có thể nói, Hội nghị hôm nay đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và sẽ là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các nội dung giám sát trong năm 2023.

Yêu cầu đặt ra đối với công tác giám sát của Quốc hội là phải bảo đảm đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, đồng thời đáp ứng và gắn với yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị; huy động tối đa sự vào cuộc một cách chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong triển khai để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội về hoạt động và kết quả giám sát.

Chính vì vậy, ngay từ Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu và lựa chọn các nội dung giám sát, chuyên đề giám sát bảo đảm sát, đúng, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới. Đặc biệt, trong năm 2022, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kết luận có ý nghĩa nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát.

Đối với Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 3.8.2022 của Đảng đoàn Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng: xác định việc đổi mới và đẩy mạnh hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bám sát tình hình thực tế của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và cử tri. 

Hai là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai các hoạt động giám sát, như: nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phát huy có hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề theo hướng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung giám sát đối với những chuyên đề mang tính tổng hợp, tăng cường sử dụng thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong xây dựng báo cáo và nghị quyết giám sát...

Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chú trọng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn. Tăng cường xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện; thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc giám sát những vấn đề bức xúc, kéo dài, những vấn đề cử tri ở nhiều địa phương quan tâm và những vấn đề đã được kiến nghị nhiều lần qua nhiều kỳ họp Quốc hội mà chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm…

Ba là, tăng cường giám sát của Quốc hội song hành và phối hợp với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước. 

Bốn là, rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án và căn cứ vào Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình các cơ quan có thẩm quyền để xem xét đưa vào chương trình năm 2022-2023 và những năm tiếp theo.

Đối với Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, Nghị quyết tập trung quy định về các nội dung: 

Một là, chuẩn hóa việc xây dựng chương trình giám sát theo hướng xác định các tài liệu và yêu cầu trong hồ sơ trình, tránh trùng lắp với các hoạt động giám sát giữa các năm gần nhau; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân để HĐND, Thường trực HĐND có căn cứ xem xét, thông qua, làm cơ sở để việc thực hiện chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND có hiệu quả, chất lượng. 

Hai là, xác định rõ các mốc thời gian bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng thời là căn cứ để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện đúng theo mốc thời gian đã quy định. 

Ba là, làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, giúp việc, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện trong việc tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với cấp xã, Nghị quyết đã có sự phân định từng loại hình phục vụ để xác định trách nhiệm của các cơ quan tham mưu bảo đảm phù hợp với điều kiện số lượng đại biểu HĐND và thành viên Ban HĐND cấp xã tại các xã ít hoặc không có cán bộ chuyên trách giúp việc. 

Bốn là, xác định tiêu chí trong việc lựa chọn các nội dung cho phù hợp với từng hoạt động giám sát, trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri vì đây là một nội dung đang được Đảng và Nhà nước quan tâm trong quá trình thực hiện, hoạt động giám sát phải song hành cùng với hoạt động phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Năm là, nâng cao hiệu lực hoạt động chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND thông qua kết luận về vấn đề chất vấn. 

Sáu là, ban hành quy định về cách thức tổ chức hoạt động chất vấn tại Quy chế hoạt động hoặc Nội quy kỳ họp của HĐND. 

Bảy là, hoạt động giám sát tại chính quyền đô thị, trong đó xác định rõ đối tượng tham dự và trả lời chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND; qua đó, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm cơ sở để đánh giá tổng thể, bao quát hơn về vai trò đại diện của HĐND, về vấn đề kiểm soát quyền lực tại các địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. 

Tám là, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát theo hướng quy định về trình tự, thủ tục để thực hiện các quy định trong luật; trong đó lưu ý việc HĐND có thẩm quyền ban hành nghị quyết, kết luận, Thường trực HĐND ban hành kết luận về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.

Đối với Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đã quy định cụ thể về cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Tạo sự thống nhất, đồng thuận trong triển khai chương trình giám sát của Quốc hội -0
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Tập trung bàn giải pháp nâng cao hiệu quả 4 chuyên đề giám sát

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Với đặc điểm năm giữa nhiệm kỳ, để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và trách nhiệm của các chủ thể giám sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023; tại Hội nghị này, chúng ta sẽ thảo luận, đánh giá tình hình triển khai và những kết quả nổi bật cũng như phân tích, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, những kinh nghiệm quý, bài học hay trong triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; các giải pháp triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, trong đó tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quan tâm cho ý kiến về các dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát. Trọng tâm là:

(1) Các giải pháp tiếp tục đổi mới trong việc lựa chọn chủ đề xây dựng, phê duyệt kế hoạch, đề cương chi tiết, phương pháp tổ chức thực hiện, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động tiến hành giám sát, nhất là đối với hoạt động giám sát chuyên đề, việc khảo sát của các Đoàn giám sát, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tại địa phương.

(2) Các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xem xét các báo cáo; công tác triển khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn năm 2023; việc tăng cường giám sát để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(3) Các giải pháp tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND.

(4) Đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22.7.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(5) Các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Với tinh thần đổi mới, nhất là từ kinh nghiệm và các kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, tôi kỳ vọng Hội nghị hôm nay sẽ phát huy cao nhất được trí tuệ của các đại biểu tham dự với trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm thực tiễn để đề xuất các giải pháp khả thi; các cơ quan, địa phương với chức năng, nhiệm vụ được giao phát huy tinh thần trách nhiệm, phát biểu tâm huyết, trí tuệ với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

______________________

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

#